TTCT - Quyết định của Chính phủ Campuchia rút khỏi Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV-DTA) được công bố khá đột ngột, song thực ra diễn tiến này là cả một quá trình. Ông Hun Sen (phải) và Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith. Ảnh: Facebook Hun SenTrong thông điệp đưa ra đêm 20-9, Samdech Techo Hun Sen - chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Thủ tướng Hun Manet và các lãnh đạo cấp cao đã tuyên bố Campuchia sẽ rút khỏi CLV-DTA, có hiệu lực lập tức, theo Khmer Times 21-9.Sức ép trong nước"Campuchia đã chính thức rút khỏi thỏa thuận Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV-DTA) bằng cách thông báo cho các quốc gia thành viên khác về quyết định này", Khmer Times đưa tin và thuật lại diễn biến:"Hôm thứ sáu, Chủ tịch Thượng viện Hun Sen đã công khai loan báo với công chúng rút khỏi thỏa thuận ba bên đã tồn tại 25 năm này, với lý do cần phải làm vậy để ngăn chặn những kẻ cực đoan lợi dụng thỏa thuận gây bất hòa trong nước. Qua thứ bảy, Quốc hội Campuchia đã chính thức thông báo cho Quốc hội Lào và Việt Nam về quyết định này, đánh dấu sự kết thúc của thỏa thuận đối tác ba bên".Tờ báo tóm tắt nội dung hai bức thư cho thấy không có mâu thuẫn nào giữa Campuchia với các đối tác: "Trong thư chính thức gửi người đồng cấp Lào Xaysomphone Phomvihane và người đồng cấp Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary... bày tỏ đánh giá cao về sự hợp tác và nỗ lực mà cả ba quốc gia đã đầu tư trong những năm qua: "Chúng tôi muốn nhân cơ hội này để bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất tới Quốc hội Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì những nỗ lực và sự tận tụy không ngừng nghỉ trong việc tăng cường hợp tác nghị viện theo khuôn khổ CLV-DTA".Lá thư nhắc rằng "sự hợp tác đã mang lại những lợi ích hữu hình, đặc biệt là cho các cộng đồng ở các tỉnh biên giới", theo Khmer Times. Thư của bà Khuon Sudary cũng giải thích: "Quyết định này phù hợp với sự thay đổi lớn hơn của Chính phủ Campuchia trong các chiến lược ngoại giao và phát triển khu vực", kèm theo hứa hẹn: "Bà Khuon Sudary nhấn mạnh cam kết của Campuchia trong việc duy trì quan hệ song phương chặt chẽ và hợp tác thông qua các cơ chế đa phương khác".CLV-DTA là gì?Về CLV-DTA, Phnom Penh Post 21-8 đưa ra cái nhìn từ phía Campuchia:Hợp tác CLV-DTA lần đầu tiên được khởi xướng vào năm 1999 bởi các nhà lãnh đạo Campuchia, Lào và Việt Nam, và được chính thức hóa năm 2004. Thỏa thuận này nhằm mục đích hỗ trợ phát triển các khu vực biên giới của ba nước thông qua cơ sở hạ tầng giao thông và thúc đẩy thương mại, cũng như phòng ngừa tội phạm tài nguyên thiên nhiên và tội phạm xuyên biên giới, cùng nhiều lợi ích khác, theo giải thích của chính phủ và các văn bản có trong thỏa thuận.Các văn bản CLV-DTA nêu rõ ba nước đồng ý tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nhấn mạnh đến việc tôn trọng mọi luật pháp hiện hành liên quan đến hoạt động qua lại biên giới. Quan điểm này được nêu rõ trong điều 12, mục 1 của thỏa thuận năm 2016: "Các bên tham gia vào hoạt động thương mại trong CLV-DTA phải tuân thủ luật pháp và quy định tương ứng của mỗi quốc gia".Sau 25 năm hoạt động, hợp tác CLV-DTA cũng diễn biến với thời gian theo quy luật tự nhiên, mỗi nước có những hướng và tốc độ phát triển riêng, trong một thế giới nhiều thay đổi, cả ở xa lẫn ở gần.Hợp tác ba bên Campuchia - Lào - Việt Nam đã có nhiều bước tiến lớn trong một thời gian dài. Thông tin từ phiên họp lần thứ 13 của Ủy ban điều phối chung CLV hôm 27-2-2024 cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư 3,7 tỉ đô la vào 110 dự án của khu vực Tam giác phát triển ở Lào và Campuchia, trong đó Campuchia nhận được 1,7 tỉ đô la trong 45 dự án kể từ khi CLV thành lập năm 1999.Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng cho biết trong 25 năm qua, ba nước "đã phối hợp thực hiện nhiều hoạt động hợp tác chung... không chỉ trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và tăng cường sự kết nối với khu vực... thông qua sự hợp tác toàn diện ở các lĩnh vực gồm giao thông vận tải, viễn thông, năng lượng, thương mại, đầu tư, công nghiệp, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, du lịch, y tế, văn hóa, lao động, giáo dục, môi trường, khoa học và công nghệ". ("Dấu mốc quan trọng của quá trình hợp tác trong Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam", trang chủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam mpi.gov.vn ngày 1-3-2024).Thông tin chính thức của Chính phủ Campuchia hôm 20-9 cũng thừa nhận các kết quả đó: "Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV-DTA) đã được triển khai được 25 năm và đạt được nhiều thành tựu cho sự phát triển của các tỉnh Kratie, Steung Treng, Mondulkiri và Ratanakiri". Trang Thông tin Chính phủ cũng phản bác các luận điệu xuyên tạc quyết định này của Campuchia: "Những kẻ cực đoan đã lợi dụng điểm này như một vũ khí chính trị để xuyên tạc, tấn công chính quyền bằng cách không ngừng lừa dối người dân, chẳng hạn như cáo buộc chính phủ đã cắt đứt lãnh thổ 4 tỉnh đông bắc..., rồi dùng nó để kích động, phá hoại".Có thể thấy Chính phủ Campuchia đã tìm cách minh bạch hóa vấn đề, để rồi hôm 20-9 là "trước mối quan ngại của công chúng" phải "tước vũ khí khỏi tay những kẻ cực đoan" nhằm ngăn chặn khả năng sử dụng CLV-DTA để đánh lừa người dân Campuchia. ■ Sự bình thản rõ ràng trong loan tin này của Khmer Times trái ngược với thái độ của tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 25-9, khi SCMP có đoạn: "Các chuyên gia cho rằng việc Thủ tướng Hun Manet nhượng bộ áp lực của phe đối lập khiến người ta nghi ngờ về cam kết của chính phủ ông với hợp tác khu vực". Bài báo nhấn mạnh "theo các chuyên gia, việc ông Hun Manet đột ngột ra khỏi thỏa hiệp hợp tác với Lào và Việt Nam làm giảm uy tín ngoại giao, đồng thời cô lập Campuchia giữa lúc gia tăng căng thẳng địa chính trị trong khu vực".Bài báo dẫn lời Chhengpor Aun, nghiên cứu viên ở Future Forum - tổ chức nghiên cứu của Campuchia, bình luận: "Theo tính toán chính trị của giới lãnh đạo Campuchia, hiệp ước khu vực tam giác có thể mang lại rủi ro chính trị cao hơn trong nước so với những lợi ích kinh tế và ngoại giao xuyên quốc gia mà hiệp ước này sẽ mang lại". Chhengpor Aun cũng nhận xét quyết định này nhất quán với những tuyên bố gần đây của Campuchia về việc khởi công xây dựng kênh đào Funan Techo. Cựu thủ tướng Hun Sen còn giải thích thêm rằng Campuchia vẫn sẽ "tiếp tục phát triển lãnh thổ đông bắc một cách bình thường trong quan hệ hợp tác với ASEAN, CLMV (nhóm bốn nước Đông Nam Á Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam), ACMECS (tức Tổ chức chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong, gồm 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam), GMS (Tổ chức hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng, gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc - nhất là hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, và Việt Nam) cũng như các đối tác phát triển khác trên toàn cầu". Tags: CampuchiaChính phủLàoViệt namCLV_DTA
TP.HCM khai mạc Đường hoa Nguyễn Huệ Xuân Ất Tỵ 2025 NHƯ BÌNH 27/01/2025 Tối 27-1, Đường hoa Nguyễn Huệ tại trung tâm TP.HCM chính thức khai mạc, chào đón hàng ngàn lượt khách đến du xuân sớm.
Ông Trump hạ gục nhanh Colombia bằng bài trừng phạt: Thông điệp mạnh cho thế giới DUY LINH 27/01/2025 Ông Trump dường như muốn thông qua Colombia để gởi lời cảnh báo tới các quốc gia khác về cách chính quyền ông sẽ làm để đạt được mục tiêu và lợi ích cho nước Mỹ.
Giá bán nhiều loại rau củ, thịt heo... vẫn giữ ổn định dù vào cao điểm Tết NGUYỄN TRÍ 27/01/2025 Ngày 27 và 28 Tết được xem là hai ngày cao điểm của sức mua nhưng do năm nay mức tiêu thụ tương đối chậm nên giá bán phần lớn ổn định, thậm chí có mặt hàng giảm giá.
Nhóm cảnh sát Thái Lan bắt nhốt 7 người Trung Quốc, đòi tiền chuộc DUY LINH 27/01/2025 Ít nhất 8 người, trong đó có 4 cảnh sát và 1 kiểm lâm Thái Lan, bị cáo buộc đã bắt cóc 7 người Trung Quốc để đòi 2 triệu baht (khoảng 60.000 USD) tiền chuộc.