Hai tấm ảnh vệ tinh của CSIS cho thấy bên trái là tòa nhà vẫn còn trong bức ảnh chụp ngày 22-8 và bên phải là bức ảnh chụp ngày 1-10 cho thấy tòa nhà đã bị phá - Ảnh: CSIS
Theo Hãng tin Reuters, ngày 2-10 CSIS công bố những hình ảnh vệ tinh thu được trong ngày 1-10 cho thấy những thay đổi diễn ra tại căn cứ hải quân Ream của Campuchia.
Theo CSIS việc phá bỏ tòa nhà có thể xảy ra vào một lúc nào đó sau ngày 5-9, nhiều khả năng khoảng 10-9. Tòa nhà là một trong nhiều công trình được xây bằng ngân sách của Mỹ ở căn cứ Ream.
Thông tin được công bố trong bối cảnh Washington đang ngày càng lo ngại về tình huống quân đội Trung Quốc có thể tiếp cận các căn cứ quân sự tại Campuchia.
Năm ngoái Lầu Năm Góc từng yêu cầu Campuchia giải thích vì sao nước này từ chối đề nghị sửa chữa tòa nhà này của phía Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng quyết định này làm dấy lên ngờ vực và đồn đoán về các kế hoạch có thể đón quân nhân Trung Quốc tới đồn trú ở đây.
Lầu Năm Góc ngày 2-10 cho biết họ rất lo ngại về các báo cáo của CSIS cho biết tòa nhà điều hành chiến thuật của hải quân Campuchia do Mỹ bỏ tiền xây dựng đã bị phá bỏ. Lầu Năm Góc yêu cầu chính phủ Campuchia giải thích việc này.
"Chúng tôi lo ngại là việc phá bỏ cơ sở này có thể liên quan tới các kế hoạch của chính phủ Campuchia trong việc dành chỗ cho các cơ sở quân sự và quân nhân của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại căn cứ hải quân Ream", thông cáo của Lầu Năm Góc nêu.
Đại sứ quán Campuchia tại Washington ngay lập tức chưa phản hồi Reuters về sự việc.
Trước nay chính phủ Campuchia vẫn luôn bác bỏ những thông tin nói rằng Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận bí mật với họ để cho phép đưa quân nhân Trung Quốc tới đồn trú ở căn cứ hải quân Ream.
Chính phủ Campuchia vẫn cho rằng việc cho phép quân đội nước ngoài đồn trú như vậy là đi ngược lại với hiến pháp của họ.
Căn cứ Ream nằm ở phía đông nam thành phố cảng Sihanoukville, nơi tập trung rất nhiều sòng bạc lớn của người Trung Quốc và có một vùng đặc khu kinh tế do Trung Quốc vận hành.
Campuchia cũng là một trong những đồng minh thân thiết nhất của Trung Quốc tại Đông Nam Á, đã nhận hàng tỉ USD tiền tài trợ từ Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận