Hai mẹ con bên bờ sông Mekong ở Phnom Penh, Campuchia - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters ngày 18-3, vị quan chức này tiết lộ chính quyền Campuchia đưa ra quyết định trên theo khuyến nghị của một nghiên cứu Nhật rằng Campuchia nên phát triển các nguồn năng lượng khác, bao gồm điện than, khí thiên nhiên và năng lượng mặt trời hoặc nhập khẩu năng lượng từ các nước láng giềng.
Theo đó, ông Victor khẳng định "trong kế hoạch 10 năm tới, từ 2020 cho tới 2030, chúng tôi không có kế hoạch phát triển đập thủy điện" trên sông Mekong.
Với quyết định này, Lào, nước mới khánh thành hai đập trong vòng sáu tháng qua, là quốc gia duy nhất ở hạ lưu sông Mekong có kế hoạch phát triển đập thủy điện trên con sông quốc tế có ý nghĩa quan trọng với đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Nhiều chuyên gia các lĩnh vực đã cảnh báo đập thủy điện trên sông Mekong có thể tác động tới nguồn lợi thủy sản, nông nghiệp, sinh kế của 60 triệu dân sinh sống ven sông và những tác động về môi trường nghiêm trọng như sạt lở đất, thay đổi cường độ dòng nước, thúc đẩy hạn mặn trong năm hạn hán.
Trước đây, Campuchia từng thông báo kế hoạch phát triển hai đập thủy điện là Sambor và Stung Treng trên sông Mekong nhưng cả hai dự án đều bị hoãn.
Điện từ đập thủy điện mới hoàn thành Don Sahong ở Lào hiện đang được bán cho Campuchia theo một hợp đồng 30 năm.
Theo Reuters, Campuchia gặp thách thức về thiếu điện, năm 2019 là một năm thiếu điện tồi tệ nhất ở quốc gia này do nhu cầu về năng lượng tăng cao liên quan đến bùng nổ xây dựng các dự án do Trung Quốc đầu tư.
Chỉ 48% điện của Campuchia là từ nguồn sản xuất trong trong nước. Năm ngoái, Capuchia nhập khẩu 25% điện năng từ Việt Nam và Thái Lan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận