Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong sự kiện tại thủ đô Phnom Penh ngày 9-11 - Ảnh: REUTERS
Như vậy là sau khi Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn lên tiếng khẳng định chính quyền hoàng gia nước này sẽ "không vi phạm hiến pháp" vì không được phép để cho nước ngoài xây căn cứ hải quân, nay đến Thủ tướng Hun Sen cũng lên tiếng chính thức.
Hôm 15-11, báo Asia Times dẫn các nguồn tin ngoại giao (ẩn danh) và các nhà phân tích cho rằng từ năm 2017, Bắc Kinh đã vận động hành lang để thuyết phục Campuchia cho phép dùng cảng tại tỉnh Koh Kong giáp giới với Thái Lan để làm căn cứ hải quân tiếp nhận tàu chiến của quân đội Trung Quốc.
Thông tin này gây sốc và được cho là đã được đưa ra chất vấn với một số quan chức Campuchia tại các cuộc họp trong khu vực.
Theo Hãng tin Reuters, hôm nay (19-11), tại cuộc họp nội các, Thủ tướng Hun Sen đặt ra câu hỏi mà như câu trả lời: "Campuchia có cần vi phạm hiến pháp để cho nước ngoài lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình?".
Bộ trưởng thông tin, ông Khieu Kanharith đã dẫn lại câu hỏi trên của Thủ tướng Hun Sen trên Facebook.
Nhà lãnh đạo Campuchia còn hỏi tiếp: "Campuchia cần quân đội nước ngoài để đánh ai?".
Bộ Quốc phòng Campuchia cũng ra tuyên bố bác bỏ việc nước này cho phép nước ngoài lập căn cứ hải quân. Người phát ngôn bộ này, ông Chum Sucheat, gọi đó là "tin giả" nhằm mục đích khiến công chúng hiểu sai lệch về vấn đề.
Thực ra báo Asia Times đưa ra nhận định như trên là dựa theo thông tin về việc Tập đoàn Phát triển Liên hiệp Thiên Tân (UDG) của Trung Quốc thuê "đặc khu" tại Koh Kong - tỉnh nằm ở Tây Nam Campuchia giáp với Thái Lan nhìn ra vịnh Thái Lan.
Đây là một vùng bờ biển kém phát triển của Campuchia, và từ năm 2008 Tập đoàn UDG đã được Chính phủ Campuchia cho thuê phần đất rộng 45.000ha với thời hạn 99 năm trong một dự án được gọi là "Khu thử nghiệm".
Công nhân Trung Quốc đang làm việc ở tỉnh Koh Kong, khu vực được Campuchia cho thuê để phát triển kinh tế với thời hạn 99 năm - Ảnh: AP
Dự án đầu tư này được biết lên đến 3,8 tỉ USD và thông tin về nó rất ít rò rỉ ra ngoài. Nhưng báo Asia Times cho rằng UDG đã chi 45 triệu USD để đầu tư vào cảng ở "đặc khu" đang thuê.
Ngoài ra còn có một sân bay vẫn chưa được xây dựng với công suất thiết kế cho 10 triệu hành khách một năm.
Báo Asia Times cho rằng dự án không đem lại lợi ích cho người dân nghèo ở khu vực bởi diện tích thuê chiếm khoảng 20% đường bờ biển của Campuchia và giá thuê chỉ 30 USD/ha.
Chưa kể việc người dân địa phương nói riêng và người dân Campuchia nói chung không được ưu tiên việc làm tại khu vực này.
Những người chỉ trích cho rằng dự án này đang dần trở thành một khu vực kinh tế riêng biệt chỉ dành cho người Trung Quốc.
Bài báo của Asia Times hồi tháng 6 vừa qua còn dẫn một phúc trình của tổ chức phân tích phi lợi nhuận C4ADS của Mỹ cảnh báo rằng Koh Kong dường như là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Trung Quốc để thiết lập các tiền đồn hải quân trong khắp khu vực.
Bản phúc trình cho biết mặc dù UDG có danh xưng là một tập đoàn đầu tư tư nhân, nhưng các quan chức Trung Quốc lại thường xuyên đến kiểm tra tiến độ dự án.
Ông Trương Cao Lệ - cựu phó thủ tướng thường trực và là chủ tịch của tiểu ban trong dự án đầy tham vọng "Vành đai, con đường" của Chủ tịch Tập Cận Bình - được cho là người bảo trợ cho dự án bên Campuchia ngay từ đầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận