Tuyển Campuchia ở AFF Suzuki Cup 2020 đang tạo ra những điều thú vị - Ảnh: AFF
Trải qua 3 trận, Campuchia có hai thất bại trước Malaysia (1-3) và Indonesia (2-4) cùng trận thắng Lào (3-0). Nếu không xem các trận đấu mà chỉ theo dõi kết quả, sẽ dễ lầm tưởng Campuchia vẫn là một đội bóng yếu ớt, dễ bị bắt nạt như từ trước đến nay.
Nhưng các con số thống kê của họ lại mang tới sự bất ngờ. Cho tới nay, Campuchia chưa có trận nào cầm bóng ít hơn đối thủ cho dù phải chạm trán những "ông lớn".
Trước Malaysia, họ kiểm soát bóng 56,9% và trước Indonesia là 54,9%. Khi gặp Lào, tỉ lệ cầm bóng của Campuchia lên tới 64,8%.
Khả năng luân chuyển bóng của Campuchia còn ấn tượng hơn nữa khi họ đã thực hiện tới 1.581 đường chuyền, trung bình 527 đường chuyền/trận.
Con số này nhiều thứ 3 tại giải tới thời điểm này, lần lượt sau Việt Nam (1.843 đường chuyền) và Thái Lan (1.798 đường chuyền). Tỉ lệ chuyền chính xác của Campuchia cũng đạt mức ấn tượng 85%.
Thống kê của AFF cho thấy tỉ lệ chuyền bóng của các cầu thủ Campuchia rất cao - Ảnh chụp màn hình
Những con số ấn tượng đó đến từ lối chơi hiện đại mà Campuchia trình diễn ở AFF Cup 2020. Trái với cách chơi chịu trận, chịu sức ép và chỉ biết phá bóng lên như xưa nay, Campuchia đã có sự thay đổi về tư duy. Họ mạnh dạn triển khai bóng từ sân nhà và từ từ đưa bóng lên tuyến trên.
Khi cần, các cầu thủ Campuchia còn biết cách pressing và nhanh chóng đoạt lại bóng. Điều này mang đến không ít bất ngờ, khiến cho Malaysia hay Indonesia không chỉ cầm bóng ít hơn mà có thời điểm còn chịu những sức ép lớn trước đội bóng bị đánh giá là "lót đường".
Vì sao có những con số thống kê tốt, Campuchia vẫn để thua?
Câu trả lời nằm ở trình độ của các cầu thủ. Thể hiện một bộ mặt mới tích cực hơn, nhưng đẳng cấp của các cầu thủ Campuchia vẫn còn thua kém Malaysia hay Indonesia. Các mảng miếng phối hợp của họ vẫn còn mắc nhiều lỗi và khả năng xử lý ở các tình huống cuối vẫn còn lập bập.
Nhưng điều quan trọng là họ nhất quyết không từ bỏ cách triển khai bóng như thế này. Cách đây ít ngày, HLV trưởng của Campuchia Ryu Hirose đã có những phát ngôn khá "sốc" khi nói: "Chúng tôi muốn áp đặt thế trận lên bất cứ đối thủ nào, dù đó có là Brazil. Chúng tôi vẫn sẽ kiểm soát bóng nhiều".
Nhiều người đã bật cười trước tuyên bố đó. Nhưng ông Hirose cho thấy mình không chỉ "nổ", chỉ nói suông. Ông đã thay đổi được tư duy chơi bóng của Campuchia, giúp họ mạnh dạn cầm bóng dù phải gặp những đội mạnh.
Dù còn nhiều thời điểm thiếu hiệu quả, nhưng sự kiên định trước lối chơi của mình giúp Campuchia rút ra được nhiều bài học bổ ích.
Bộ đôi HLV Ryu Hirose (trái) và Keisuke Honda đã giúp thay đổi tư duy thi đấu của cầu thủ Campuchia - Ảnh: AFF
Ngoài ông Hirose, đóng góp của HLV Keisuke Honda cũng đáng được nhắc đến. Nhiều người nói ông Honda chỉ làm việc bán thời gian, không hề có tâm với Campuchia mà chỉ lo kiếm tiền nhờ chơi bóng ở châu Âu.
Nhưng trong các buổi tập hay trận đấu, chính ông mới là người xuất hiện nhiều nhất, hò hét và chỉ đạo nhiều nhất. Bộ đôi HLV người Nhật Ryu Hirose - Keisuke Honda đã truyền được một tư tưởng, triết lý chơi bóng mới vào một đội tuyển xưa nay chỉ biết nép mình chịu trận.
Đó có thể xem là một thành công của Campuchia ở giải lần này. Trong buổi họp báo trước giải, ông Hirose thẳng thắn chia sẻ mục tiêu của ông không phải là cạnh tranh với Việt Nam, Malaysia hay Indonesia. Thay vào đó, ông xem AFF Cup 2020 là nơi để các cầu thủ trẻ Campuchia tích lũy kinh nghiệm nhằm chuẩn bị cho SEA Games 2023 diễn ra trên sân nhà.
Điều này giúp những cầu thủ như Sieng Chanthea (19 tuổi), Lim Pisoth (20 tuổi), Tes Sambath (21 tuổi)... thường được ra sân và đã có những trải nghiệm quý báu.
Không còn cơ hội đi tiếp, nhưng với tư duy cầm bóng và chơi bóng chủ động, Campuchia có thể tiếp tục gây ra những khó khăn khi đối đầu với tuyển Việt Nam vào ngày 19-12 sắp tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận