Tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo chính quyền quân sự của Myanmar - Ảnh: REUTERS
Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết tình trạng hỗn loạn kéo dài bao trùm Myanmar, kể từ khi quân đội nắm chính quyền vào năm ngoái.
Hồi tháng 4-2021, lãnh đạo các nước ASEAN đã đạt được bản đồng thuận 5 điểm về vấn đề Myanmar. Tuy nhiên, đến nay vẫn có rất ít tiến bộ sau bản đồng thuận 5 điểm này.
Các nhà lãnh đạo và các bộ trưởng của chính quyền quân sự Myanmar cũng không được mời tham gia các cuộc họp gần đây của ASEAN.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Campuchia cho biết việc mời tham gia cuộc họp sắp tới có liên quan đến "tiến bộ trong việc thực hiện đồng thuận 5 điểm". Vì thế, người này cho biết Campuchia đã mời chính quyền quân sự Myanmar "đề cử một đại diện phi chính trị cho các hội nghị cấp cao ASEAN sắp tới".
Theo Hãng tin Reuters, điều này có nghĩa là tướng Min Aung Hlaing sẽ không được tham dự cuộc họp. Các nhà ngoại giao hàng đầu của ông cũng bị cấm tham gia các cuộc họp ngoại trưởng ở Phnom Penh vào tháng 2 và tháng 8 năm sau.
Đồng thuận 5 điểm, được thống nhất vào tháng 4 năm ngoái, kêu gọi lập tức chấm dứt bạo lực, xây dựng đối thoại giữa quân đội và phong trào đối lập.
Việc quân đội hành quyết 4 nhà hoạt động dân chủ bị cáo buộc tổ chức các hành động khủng bố hồi tháng 7 đã gây nhiều bức xúc.
Trong cuộc gặp giữa ngoại trưởng các nước ASEAN tại Phnom Penh ngày 3-8, Campuchia đã kêu gọi Myanmar ngưng hành quyết tù nhân sau vụ việc trên.
Các bộ trưởng ASEAN cho biết họ "vô cùng thất vọng trước tiến độ chậm chạp và thiếu cam kết của chính quyền Naypyidaw trong việc thực hiện kịp thời và đầy đủ đồng thuận 5 điểm".
Đặc phái viên của ASEAN được giao nhiệm vụ làm cầu nối hòa bình thừa nhận "ngay cả siêu nhân cũng không thể giải quyết" cuộc khủng hoảng này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận