Tờ Phnom Penh Post đưa ảnh Thủ tướng Campuchia Hun Sen bắt tay Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Manila, Philippines ngày 13-11 - Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Campuchia khẳng định sẽ tiến hành bầu cử bình thường, bất chấp những căng thẳng với Washington liên quan đến việc trấn áp phe đối lập, đỉnh điểm là việc thủ lĩnh Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) Kem Sokha đã bị bắt ngày 3-9 với cáo buộc phản quốc.
"Biện pháp cứng rắn"
An ninh được tăng cường tại Phnom Penh trong ngày diễn ra phiên tòa 16-11. Chiều cùng ngày, sau phiên xét xử theo đơn kiện của Bộ Nội vụ, Tòa án tối cao Campuchia tuyên bố giải tán CNRP và cấm 118 quan chức cấp cao của đảng này tham gia chính trị trong 5 năm.
Phán quyết có hiệu lực ngay lập tức và không thể kháng cáo. CNRP không cử đại diện dự phiên tòa, động thái mà thẩm phán Dith Munty cho là đã nhận tội.
"Theo hướng hiện tại, cuộc bầu cử năm tới (của Campuchia) sẽ không hợp pháp, tự do và công bằng" - Nhà Trắng tuyên bố, đồng thời khẳng định sẽ có "các biện pháp cứng rắn".
Đây là phản ứng mạnh mẽ của Washington, sau nhiều lần chỉ dừng lại ở việc kêu gọi Campuchia thả ông Sokha.
Theo Reuters, một trong những động thái đầu tiên của Mỹ là chấm dứt hỗ trợ Ủy ban Bầu cử Campuchia chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử. Phương Tây đã rót hàng tỉ USD để thúc đẩy hệ thống chính trị đa đảng trong nhiều thập kỷ qua.
Ngoài ra, Thượng viện Mỹ cũng thông qua nghị quyết kêu gọi các cơ quan bộ ngoại giao và tài chính đưa một số quan chức Campuchia vào danh sách phong tỏa tài sản và cấm đi lại.
Tại Brussels, người phát ngôn Liên minh châu Âu cũng cảnh báo tính hợp pháp của cuộc bầu cử ở Campuchia, lưu ý vấn đề nhân quyền là điều kiện tiên quyết để Phnom Penh tiếp cận các ưu đãi thương mại của EU.
Thị trường Mỹ và EU hiện chiếm đến 60% xuất khẩu của Campuchia. Trong khi đó, các nhóm nhân quyền chỉ trích quyết định của tòa án Campuchia đã giết chết dân chủ và Hiệp định hòa bình Paris, theo Phnom Penh Post.
Bầu cử vẫn tiếp tục
Sau quyết định của tòa án, tất cả các vị trí do CNRP đang giữ, gồm 55 ghế trong quốc hội và 489 lãnh đạo địa phương, sẽ chia lại cho các nhóm chính trị khác.
"Đây là dấu chấm hết của dân chủ ở Campuchia. Chúng tôi chẳng làm gì sai, chúng tôi chỉ đấu tranh cho dân chủ mà thôi" - người phát ngôn Yim Sovann của đảng này cũng kêu oan.
Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen, lãnh đạo cầm quyền Campuchia 32 năm qua, tối 16-11 kiên quyết ủng hộ phán quyết "dựa trên luật pháp" của tòa án tối cao và trấn an người dân rằng cuộc bầu cử sẽ vẫn tiếp tục: "Tôi muốn nói với bạn bè quốc tế rằng chúng tôi đang thực thi luật pháp. Chính phủ cam kết sẽ bảo vệ tiến trình dân chủ đa đảng và cuộc bầu cử sắp tới sẽ do ủy ban bầu cử - một cơ quan độc lập tổ chức".
Thủ tướng Campuchia khẳng định các thành viên của Đảng CNRP đối lập không nằm trong diện bị cấm hoạt động chính trị và vẫn có thể thành lập một đảng mới.
"Tất cả thành viên và nhà hoạt động của CNRP, trừ một số bị tòa án tối cao đình chỉ các quyền, vẫn có tự do" - ông tuyên bố và một lần nữa kêu gọi các quan chức CNRP gia nhập Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền để giữ được ghế.
Đáp trả
Phản ứng với các chỉ trích của phương Tây, quan chức Bộ Nội vụ Campuchia Huy Vannak khẳng định Mỹ đã đưa ra quan điểm mà không xem xét bằng chứng và quá trình xét xử của Phnom Penh.
"Chúng tôi hi vọng Mỹ sẽ cân nhắc các quan hệ song phương với Campuchia và tiếp tục hợp tác vì lợi ích chung của hai quốc gia" - ông Vannak tuyên bố.
Trong khi đó, sáng 17-11, Trung Quốc, nhà đầu tư và tài trợ lớn nhất của Phnom Penh, đã lên tiếng ủng hộ Campuchia theo đuổi con đường phát triển riêng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận