Một trong số nghi phạm Trung Quốc bị bắt giữ và dẫn độ về nước từ Fiji hôm đầu tháng 8 - Ảnh: AFP |
Theo hãng tin Reuters, thông tin do cảnh sát Campuchia công bố ngày hôm nay (17-8). Các vụ bắt giữ nằm trong một chiến dịch lớn của các nước trong khu vực chống lại các băng nhóm lừa đảo.
Nạn lừa đảo qua điện thoại và internet gây thiệt hại hàng tỉ USD mỗi năm ở Trung Quốc. Các tay tội phạm nhắm tới tất cả đối tượng, từ người già, sinh viên, người thất nghiệp cho đến doanh nhân.
Tháng trước, cảnh sát Indonesia thông báo bắt giữ hơn 150 người Trung Quốc tội lừa đảo chiếm đoạt khoảng 450 triệu USD. Những tên này lừa các nạn nhân trả tiền cho chúng để dàn xếp các rắc rối liên quan đến luật pháp.
Các băng lừa đảo đóng quân ở nước ngoài thường tiếp xúc nạn nhân giả vờ mình là một quan chức chính phủ.
Ông Thou Saroeun - phó giám đốc cơ quan công an chống khủng bố của Campuchia, cho biết cảnh sát ở thủ đô Phnom Penh, trong ngày 16-8, đã bắt giữ tổng cộng 225 người Trung Quốc, gồm 25 phụ nữ, tình nghi tham gia một đường dây tống tiền qua internet.
“Chúng tôi đang xử lý vụ việc và chưa biết khi nào sẽ tiến hành thủ tục trục xuất” - ông Saroeun trả lời hãng tin Reuters.
Các đối tượng lừa đảo người Trung Quốc bị dẫn độ về từ Fiji, xếp hàng ở sân bay trước khi vào tù - Ảnh: TWITTER |
Trước đó, ngày 2-8, cảnh sát Campuchia đã truy quét và bắt giữ 151 người Trung Quốc và 3 người Đài Loan ở các tỉnh Siem Reap và Banteay Meanchey.
Bắc Kinh cáo buộc Đài Loan chứa chấp nhiều băng đảng tội phạm đứng sau hoạt động lừa đảo các nạn nhân ở Trung Quốc đại lục.
Tuy từ năm 2011, chính quyền Đài Loan và Bắc Kinh đã hợp tác điều tra hoạt động lừa đảo viễn thông ở Campuchia, Indonesia, Philippines và một số nơi khác, nhưng việc xét xử những kẻ phạm tội vẫn còn gây tranh cãi.
Campuchia những năm gần đây đã bàn giao hơn 600 người Trung Quốc và Đài Loan về cho chính quyền Bắc Kinh sau khi bắt giữ họ với tội danh lừa đảo.
Chẳng hạn mới tháng trước, Phnom Penh trục xuất 105 nghi phạm Trung Quốc và Đài Loan cho Bắc Kinh, động thái khiến chính quyền đảo Đài Loan phản đối.
Bắc Kinh bảo vệ hành động này, cho rằng tất cả những người đó đều là người Trung Quốc và do đó nên đối diện với công lý ở Trung Quốc.
Hôm 7-8 Bộ Công an Trung Quốc (MPS) cũng thông báo cho biết cơ quan cảnh sát của nước này đã dẫn độ thành công 77 đối tượng tình nghi thực hiện các vụ gian lận viễn thông và trực tuyến từ đảo quốc Fiji.
Đây là số lượng nghi phạm lớn nhất từ trước đến nay bị cảnh sát Trung Quốc dẫn độ về nước từ một quốc gia thuộc khu vực châu Đại Dương.
Các đối tượng lừa đảo người Trung Quốc bị dẫn độ về từ Fiji - Ảnh: TWITTER |
Theo MPS, 77 nghi phạm nói trên bị buộc tội tiến hành hơn 50 phi vụ lừa đảo, gây thiệt hại trên 6 triệu Nhân dân tệ (khoảng 892.000 USD).
Vào ngày 22-9-2016, một trong những nạn nhân tại tỉnh Cát Lâm ở Trung Quốc bị lừa mất 1,3 triệu NDT nên đã tự tử.
Vụ việc đã châm ngòi cho một chiến dịch điều tra quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc.
Ngay sau đó, cảnh sát Trung Quốc đã phát hiện ra một đường dây chuyên tổ chức các hoạt động đánh bạc và xổ số trực tuyến phi pháp, có liên quan tới hơn 200 nghi phạm ở Trung Quốc, Indonesia và Fiji, với khoản thu nhập bất hợp pháp lên tới gần 100 triệu NDT.
Nạn nhân của đường dây này sinh sống tại hơn 20 tỉnh thành trên toàn Trung Quốc.
Sau khi làm sáng tỏ vụ việc, đến ngày 2-7, phía Trung Quốc đã cử một đội cảnh sát truy nã tới Fiji để phối hợp với cảnh sát địa phương tiến hành chiến dịch bắt giữ.
Ngày 18-7, lực lượng này đã ra quân triệt phá 5 cơ sở hoạt động, bắt giữ 77 nghi phạm và thu giữ các thiết bị phạm tội, bao gồm điện thoại di động, máy tính và thẻ ngân hàng.
Cùng lúc, các cơ quan cảnh sát tại Trung Quốc cũng đột kích vào 8 cơ sở hoạt động, tóm gọn 2 đội ngũ kỹ thuật viên, bắt giữ tổng cộng 83 nghi phạm.
Các nghi phạm (hàng ngồi giữa) bị dẫn độ trên máy bay từ Fiji về Trung Quốc - Ảnh: TWITTER |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận