Một người dân ở Phnom Penh, Campuchia, được chích vắc xin AstraZeneca cho mũi tiêm phòng COVID-19 thứ ba vào ngày 12-8 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, Campuchia sẽ dùng vắc xin AstraZeneca để tiêm mũi thứ ba cho những người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin Sinopharm hoặc Sinovac, nhằm ngăn chặn biến thể Delta lây lan.
“Chúng ta phải cùng nhau chiến đấu. Nếu tất cả chúng ta được tiêm chủng, chúng ta có thể ngăn dịch bệnh lây lan”, nữ y tá Touch Phavana, 56 tuổi, nói.
Bà Phavan đã được tiêm mũi vắc xin bổ sung. Nữ y tá này cho biết vắc xin có thể giúp “ngăn các triệu chứng nặng ở bệnh nhân bị nhiễm virus”, cũng như giúp nhân viên y tế dễ dàng điều trị và cứu mạng của người bệnh hơn.
“Tôi hy vọng khi chúng tôi hoàn thành tiêm mũi vắc xin thứ ba, chúng tôi trước hết có thể mở cửa lại trường học cho các em nhỏ tới lớp một lần nữa, và lực lượng lao động của chúng tôi nhờ thế cũng trở lại”, nhân viên ngân hàng Try Sokhim, 26 tuổi, cho biết.
Chính quyền Campuchia ưu tiên tiêm mũi bổ sung cho các nhân viên y tế, viên chức và các lao động tuyến đầu.
Cho đến nay, Campuchia đã ghi nhận gần 84.000 ca COVID-19 và hơn 1.600 trường hợp tử vong vì đại dịch. Quốc gia này đã tiêm ít nhất một liều vắc xin cho một nửa dân số của họ.
Campuchia nằm trong số các nước có tỉ lệ tiêm chủng COVID-19 cao nhất châu Á. Giới quan sát nhận định chiến lược ngoại giao vắc xin đóng vai trò chủ chốt trong thành công này của Campuchia.
Ngoài ra, Campuchia cũng có lợi thế với dân số chỉ hơn 16 triệu người. Việc vẫn thuộc nhóm quốc gia có thu nhập thấp cũng giúp Campuchia nhận được hỗ trợ từ cơ chế chia sẻ vắc xin COVAX.
Trung Quốc, Nhật Bản, Anh và Mỹ đều đã góp tặng vắc xin COVID-19 cho Campuchia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận