Căn cứ hải quân Ream của Campuchia - Ảnh: KHMER TIMES
Thông tin trên được nhật báo Wall Street Journal của Mỹ tiết lộ ngày 21-7. Các quan chức Trung Quốc và Campuchia trước đó đều bác bỏ các kế hoạch như vậy, nhưng các quan chức Mỹ thông thạo vấn đề mới đây cho hay thỏa thuận trên đã được ký kết vào mùa xuân năm nay.
Wall Street Journal tường thuật rằng các quan chức Mỹ đã nhìn thấy một bản thảo, trong đó cho biết thỏa thuận trên sẽ cấp cho Trung Quốc quyền tiếp cận căn cứ hải quân Ream của Campuchia ở vịnh Thái Lan trong 30 năm. Sau thời gian này, thỏa thuận sẽ được gia hạn cứ mỗi 10 năm.
Tuy nhiên, Phay Siphan, một người phát ngôn Chính phủ Campuchia, nói rằng thỏa thuận được tiết lộ này là "tin giả". Ông nói với Wall Street Journal: "Không có gì đang diễn ra như vậy".
Nhật báo của Mỹ cho biết tại căn cứ trên, Trung Quốc sẽ có thể bố trí quân nhân, lưu trữ vũ khí và neo đậu tàu chiến. Đây sẽ là căn cứ hải quân đầu tiên ở Đông Nam Á cho phép Trung Quốc tiếp cận như vậy.
Emily Zeeberg, người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ ở Phnom Penh, cho biết Washington "lo ngại bất kỳ bước đi nào của Chính phủ Campuchia nhằm chào đón sự hiện diện quân sự nước ngoài ở Campuchia" cũng sẽ quấy rối nền hòa bình và ổn định khu vực.
Theo báo cáo của Wall Street Journal, các quan chức Mỹ đang thảo luận liệu Washington có thể thuyết phục Phnom Penh đảo ngược quyết định trên hay không.
Vị trí của căn cứ hải quân Ream (Ream naval base) của Campuchia - Ảnh của WSJ
Thông tin trên được tường thuật sau khi Mỹ và các đối tác đồng minh vận động Campuchia không cho phép quân đội Trung Quốc sử dụng một sân bay đang được xây tại khu Dara Sakor, tỉnh Koh Kong bởi một công ty tư nhân Trung Quốc, với hợp đồng cho thuê đất kéo dài 99 năm.
Wall Street Journal cho biết các hình ảnh vệ tinh cho thấy sân bay tại đây đang xây các đường băng dài hơn 3km thích hợp cho các khí tài quân sự của Trung Quốc hoạt động. Sân bay này nằm không xa với căn cứ hải quân trên.
Hồi tháng 1, Thủ tướng Campuchia Hun Sen từng gọi tin đồn về việc cho phép Trung Quốc hiện diện quân sự tại nước này là "tin giả". Ông nhấn mạnh Hiến pháp Campuchia "không cho phép bất kỳ quốc gia nào lập căn cứ quân sự" ở nước này.
Thời điểm đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã gửi thư tới Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh để làm rõ tại sao Phnom Penh từ chối đề nghị của Washington về việc giúp sửa chữa căn cứ hải quân Ream.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận