19/12/2022 09:14 GMT+7

Cấm xuất khẩu gạo, thấy không ổn Ấn Độ sửa sai

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Chính thức áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm chưa được ba tháng thì Ấn Độ đã dỡ bỏ hồi cuối tháng 11 vừa qua. Việc đảo ngược quyết định này nói lên nhiều điều.

Cấm xuất khẩu gạo, thấy không ổn Ấn Độ sửa sai - Ảnh 1.

Ấn Độ đã bỏ lệnh cấm xuất khẩu một số loại gạo, trong đó có gạo tấm, vào hôm 29-11 sau gần ba tháng áp dụng. Trong ảnh: người lao động phơi lúa tại một nhà máy xay xát lúa gạo ở ngoại ô TP Kolkata, Ấn Độ - Ảnh: Reuters

Một trong những hệ lụy của "lệnh cấm rồi dỡ bỏ" này là nhiều nước nhập khẩu gạo "quay lưng" với Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Phần lớn phản tác dụng

Nhằm kiểm soát giá trong nước bị ảnh hưởng bởi hạn hán nghiêm trọng và kiềm chế áp lực lạm phát sau khi giá hàng hóa tăng vọt do xung đột Nga - Ukraine, Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế xuất khẩu 20% đối với một số mặt hàng gạo không phải gạo basmati kể từ tháng 9 năm nay. Trước đó, đầu năm nay, Ấn Độ còn hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường để kiểm soát giá tăng cao trong nước.

Với việc xuất khẩu sụt giảm và tăng trưởng kinh tế chậm lại, gần đây Ấn Độ bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Đến nay Ấn Độ đã dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu các loại gạo hữu cơ không phải gạo basmati, gồm cả gạo tấm, cũng như thép và quặng sắt cấp thấp. Các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ đang xem xét dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát còn lại đối với gạo, lúa mì và đường, theo báo Nikkei Asia.

Động thái này dường như là sự thừa nhận ngầm rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đã mang lại rất ít lợi ích cho Ấn Độ và thậm chí là phần lớn phản tác dụng. Đơn cử tốc độ tăng giá của lúa mì và gạo vẫn tăng nhanh bất chấp Ấn Độ hạn chế xuất khẩu. Mức tăng giá lúa mì bán lẻ hằng năm đã tăng từ 9,6% hồi tháng 4 lên 17,6% hồi tháng 10, còn với gạo tăng từ 4% lên 10,2%.

Việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo khiến giá gạo toàn cầu tăng cao hơn, càng gây khó khăn cho các nước nghèo đang phải vật lộn giá hàng hóa nhập khẩu cao.

Sự suy yếu của đồng rupee trong năm nay đã làm trầm trọng thêm vấn đề khi làm tăng giá hàng nhập khẩu. Chi phí vận chuyển cao, thuế nhiên liệu của bang và liên bang quá mức... cũng khiến giá cả hàng hóa cao. Các động thái của chính phủ nước này nhằm tăng giá tối thiểu trả cho gạo và lúa mì của nông dân cũng gây lạm phát.

Cấm xuất khẩu gạo, thấy không ổn Ấn Độ sửa sai - Ảnh 2.

Những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới năm 2021 - 2022 - Nguồn: Bloomberg, Bộ Nông nghiệp Mỹ - Đồ họa: N.KH.

Hậu quả và giải pháp

Ấn Độ chiếm khoảng 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, xuất khẩu sang hơn 150 quốc gia, với 21,5 triệu tấn vào năm 2021. Con số này nhiều hơn tổng lượng gạo xuất khẩu từ bốn nhà xuất lớn tiếp theo là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ, theo Hãng tin Reuters.

Tuy nhiên, bà Prerna Sharma Singh, giám đốc kiêm người đồng sáng lập Công ty tư vấn và nghiên cứu chính sách Indonomics Consulting ở New Delhi, nhận định việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo là một thất bại.

Bên cạnh việc không thể kiềm chế tăng giá, các biện pháp hạn chế xuất khẩu có chọn lọc của Ấn Độ có xu hướng khuyến khích vận động hành lang, tham nhũng, quan liêu, và chủ nghĩa thân hữu. Chẳng hạn, các nhà sản xuất sợi bông đã vận động New Delhi cấm xuất khẩu bông.

Hạn chế xuất khẩu cũng làm gián đoạn các chuyến hàng và biến Ấn Độ thành một nhà cung cấp không đáng tin cậy. Điều này có khả năng làm giảm nhu cầu ở nước ngoài trong tương lai đối với nông sản của Ấn Độ vì bên mua sẽ tìm kiếm nguồn cung mới ở các nơi khác. Hôm 16-12, Hãng tin AFP đưa tin các quốc gia châu Phi đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào gạo nhập khẩu từ Ấn Độ.

Đồng thời, việc từ chối trao cơ hội cho các nhà sản xuất và nhà đầu tư muốn tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp của Ấn Độ sẽ khiến họ không còn muốn thực hiện các khoản đầu tư mới vào nước này. Điều này sẽ làm cho việc quản lý lạm phát giá lương thực trong tương lai trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, việc thông báo áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu nghiêm ngặt thường báo hiệu cho công chúng rằng có sự thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng. Và điều này khuyến khích người dân tích trữ và đầu cơ, làm cho các biện pháp kiểm soát thậm chí còn kém hiệu quả hơn. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi giá gạo và lúa mì tiếp tục tăng tại Ấn Độ kể từ tháng 5.

Vì vậy các phương án tốt hơn để hỗ trợ ngắn hạn cho người tiêu dùng về giá lúa gạo tại nước này sẽ là giải phóng các kho dự trữ của Tập đoàn Lương thực Ấn Độ trên thị trường mở và giảm thuế nhiên liệu.

Về dài hạn, dự báo cung - cầu hiệu quả hơn, cập nhật thời tiết thường xuyên hơn để giúp nông dân đưa ra quyết định gieo trồng và thu hoạch kịp thời, cũng như các biện pháp củng cố thị trường trong tương lai sẽ giúp tất cả các bên ở Ấn Độ quản lý biến động giá lương thực hiệu quả hơn.

Việt Nam, Thái Lan hưởng lợi

Ông B.V. Krishna Rao, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo của Ấn Độ, nhận định các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất khác như Việt Nam, Thái Lan và Myanmar vì doanh số của các nước này tăng lên.

Theo báo Pattaya Mail hôm 13-12, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết xuất khẩu gạo của Thái Lan đã tăng 33% về lượng và 32,4% về giá trị trong giai đoạn từ tháng 1 tới tháng 10-2022. Ông cho biết Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo trong năm nay, tăng khoảng 7% so với mục tiêu trước đó là 7 triệu tấn.

Nghiên cứu giải pháp ổn định thị trường lúa gạo khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo Nghiên cứu giải pháp ổn định thị trường lúa gạo khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo

TTO - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo và có giải pháp ổn định thị trường giá cả lúa gạo và bảo đảm lợi ích người nông dân.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên