Ôtô, taxi, xe máy và xe cấp cứu bị ùn ứ khi qua vòng xoay Công trường Dân Chủ, TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
Trong số các giải pháp tôi đồng tình với giải pháp đầu tiên là cấm ôtô cá nhân. Tuy nhiên, cấm như thế nào, cấm khi nào, cấm ai... là vấn đề không hề đơn giản.
Trước hết là cấm như thế nào? Chúng ta từng có tiền lệ về việc ban hành rồi lại bãi bỏ quy định “mỗi người chỉ được đăng ký một môtô hoặc xe máy”. Do vậy, việc cấm ôtô cá nhân lần này (nếu có) thì chỉ là cấm lưu thông trong một phạm vi nào đó (về mặt thời gian, không gian hay đối tượng) chứ không phải cấm cá nhân mua xe, đăng ký quyền sở hữu xe.
Vì sở hữu tài sản vốn là quyền hiến định (điều 32 Hiến pháp 2013) nêu rõ: “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt...” và “Quyền sở hữu tư nhân... được pháp luật bảo hộ”. Về điều này, chúng ta nên học Singapore trong việc thu phí chứng chỉ sở hữu xe - COE để tìm cách hạn chế số người mua xe.
Tiếp đến là cấm khi nào? Giải được vấn đề này, nhà quản lý cần có một lộ trình nhất định. Cụ thể là cấm từ ngày, tháng, năm nào; cấm vào giờ nào; cấm lưu thông vào những con đường, tuyến phố nào... chứ không phải muốn cấm là cấm, quản lý không nổi thì cấm. Về điều này, chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến. Chẳng hạn, bắt đầu từ việc cấm một số tuyến đường, cấm vào giờ cao điểm hay cấm các loại xe cũ vào một số ngày nhất định...
Trước hết, tôi cho rằng phải cấm ngay ôtô đi vào các con đường đang thi công trong thành phố. Hầu như mỗi ngày ra đường, chúng ta đều thấy con đường đang bị thi công một nửa, phía ngoài rào chắn còn chưa đầy một nửa nhưng chỉ cần có một chiếc xe bốn bánh đi qua là hàng loạt xe máy phía sau bị kẹt lại.
Đó là chưa kể khi có hai xe bốn bánh đi ngược chiều nhau vào những đoạn đường này thì các xe khác không thể nào nhúc nhích được. Thời gian qua, cũng có những con đường đặt biển cấm như vậy nhưng xe bốn bánh vẫn lao vào vì không có cảnh sát giao thông đặt chốt gác ở đây nên việc cấm ấy xem như không có ý nghĩa.
Lại có con đường đang thi công, bên trên thì đặt biển báo cấm xe bốn bánh nhưng bên dưới lại có câu: “Trừ những xe ra vào khu dân cư”. Thử hỏi, cảnh sát giao thông làm sao có thể xác định được xe nào không ra vào khu dân cư để mà phạt?
Cuối cùng là cấm ai? Nếu bị cấm thì thuật ngữ “xe ôtô cá nhân” cần được làm rõ để cảnh sát giao thông xử phạt đúng người, đúng đối tượng. Giả định anh A đang lái chiếc ôtô vào đường cấm ôtô cá nhân thì có bị phạt không nếu như giấy tờ cho thấy đó là xe đứng tên giám đốc doanh nghiệp của anh ta?
Có đối xử khác nhau không nếu đó là doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp do nhiều người góp vốn?... Do vậy, quy định cấm cần được diễn đạt, giải thích rõ ràng để việc thực thi pháp luật được dễ dàng.
Hạn chế ôtô là tụt hậu * Với mức đánh thuế tiêu thụ đặc biệt như hiện nay, ôtô đã đem về một khoản ngân sách khá lớn để phát triển giao thông. Bên cạnh đó, các loại phí cầu đường, tiêu thụ nhiên liệu, phí giao thông đường bộ... của ôtô mới thật sự làm tăng nguồn thu cho đầu tư phát triển giao thông (trong khi loại phí này với xe máy không đáng kể). Có thể nói, một chiếc ôtô đóng góp cho ngân sách để phát triển giao thông nhiều hơn từ 10 - 20 xe máy. Cho nên, thật thất vọng trước cách nghĩ cấm ôtô vì gây ùn tắc giao thông! * Hạn chế ôtô là một bước tụt hậu. Đất nước càng phát triển thì phương tiện đi lại càng phải hiện đại, phải đảm bảo an toàn, không nắng, không mưa, không bụi, không ô nhiễm... Tại sao một phương tiện nhiều ưu điểm lại cấm? Có cấm thì hãy cấm xe máy, vì tham gia giao thông bằng xe máy rất nguy hiểm, nhìn đất nước rất lạc hậu. Giải pháp tối ưu là mở rộng thành phố, phát triển mạnh ven đô. Cả Hà Nội, TP.HCM ven đô quỹ đất còn rất nhiều, đưa hết các trường đại học, cao đẳng, bệnh viện ra khỏi nội đô. Trong nội đô tuyệt đối không được xây các chung cư cao tầng nữa. Thực hiện đồng bộ hàng loạt giải pháp chắc chắn sẽ giảm được quá tải. * Trong khi những nước khác khuyến khích dân đi ôtô để an toàn, mưa không bị ướt, nắng không bị cháy da, không phải hít khói bụi thì nước mình lại cấm. Cấm ôtô thì những khoảng trống trên đường lại được lấp đầy bằng xe máy, có khi lại hỗn loạn, bát nháo hơn hiện nay. Để giải quyết kẹt xe, vấn đề là ở ý thức con người và phương tiện công cộng. Mọi người có ý thức nhường nhịn nhau ắt sẽ không kẹt, giống như người đông nhưng xếp trật tự thì vẫn được giải quyết nhanh hơn là mạnh ai nấy chen lấn, xô đẩy. Phương tiện công cộng tốt thì nhiều người đi, giảm được lượng người đi xe ra đường. Nên phải phạt thật nặng những lỗi vi phạm Luật giao thông, nâng cấp các xe buýt và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. Những việc này rất đơn giản, tại sao không làm trước rồi sau đó tìm kế hoạch lâu dài hơn mà phải tìm những giải pháp cấm như vậy? |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận