Cam rụng quả hàng loạt, nông dân thất thu - Video: DOÃN HÒA
Đi dọc các tuyến đường vào vùng trồng cam của huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) có thể bắt gặp nhiều đống cam thối, hư hỏng nằm bên vệ đường. Đây là cam rụng được người dân nhặt trong vườn mang ra đổ.
Những ngày qua, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Xuân (ngụ xóm Minh Xá, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp) như ngồi trên đống lửa bởi những gốc cam trĩu quả đang đến vụ thu hoạch bỗng nhiên rụng quả hàng loạt.
Theo anh Xuân, hiện tượng rụng quả bắt đầu xuất hiện hơn 10 ngày trước, các cây cam rụng quả lá cũng chuyển màu vàng, quả có chấm đen.
Với diện tích 2ha, gia đình anh Xuân đã đầu từ gần 200 triệu đồng mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu, chưa kể công chăm sóc. Tuy nhiên, với khoảng 50% diện tích cam bị bệnh và rụng quả, xem như mùa cam này gia đình anh Lâm không còn lợi nhuận.
"Các năm trước đến tháng 11 âm lịch mới hái cam bán cho đến Tết Nguyên đán, nhưng năm nay do sâu bệnh, cam rụng nhiều nhặt không xuể", anh Xuân than thở.
Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Xuân (ngụ xóm Minh Xá, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) buồn bã khi cam mỗi ngày một rụng nhiều - Ảnh: DOÃN HÒA
Người dân đổ cam rụng bên đường ở huyện Qùy Hợp, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA
Đang thu hoạch cam non, ông Nguyễn Đình Đông, nông trường Xuân Thành, huyện Quỳ Hợp, buồn bã cho biết do cam bị bệnh cộng trời mưa nhiều nên cam rụng hàng loạt.
Sợ không còn quả để thu hoạch trong thời gian chờ cam chín, gia đình ông chấp nhận thu trái non để bán với giá 3.000 đồng/kg cho thương lái mong vớt vát tiền đầu tư chăm sóc.
Ông Nguyễn Vinh Quang - phó chủ tịch UBND xã Minh Hợp - cho biết Minh Hợp là một trong những địa phương trồng cam lớn ở Nghệ An với diện tích 1.700ha và gần 2.000 hộ trồng.
Nếu được mùa, bình quân 1ha cam có thể đạt 300 đến hơn 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, với việc cam bị bệnh và rụng quả hàng loạt thời điểm này khiến nhiều hộ trồng đang lâm vào tình trạng mất trắng.
Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp Nghệ An đã hướng dẫn các địa phương tuyên truyền, vận động người trồng cam mạnh dạn phá bỏ những cây đã bị bệnh để xử lý triệt để mầm bệnh và trồng lại cây khác.
Đồng thời tuân thủ đúng các quy trình trong chăm sóc, xử lý mầm bệnh trên cây cam để hạn chế dịch bệnh.
Nhiều gốc cam quả còn xanh vẫn bị rụng - Ảnh: DOÃN HÒA
Người dân đem chôn cam rụng - Ảnh: DOÃN HÒA
Theo Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Nghệ An, các địa phương có nhiều diện tích cam sẽ được điều tra, khảo sát để mở rộng bảo hộ chỉ dẫn địa lý gồm Yên Thành, Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tân Kỳ.
Cùng đó, giống cam Valenxia (V2) được đề xuất bổ sung vào danh mục giống cam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Vinh.
Năm 2007, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam Vinh thì chỉ có 5 huyện: Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, với diện tích gần 2.000ha cam. Có 3 giống cam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cam Vinh gồm Xã Đoài, Vân Du, Sông Con.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận