21/06/2015 09:59 GMT+7

​“Cảm ơn”, “xin lỗi” là phong cách người Hà Nội

VŨ VIẾT TUÂN ghi
VŨ VIẾT TUÂN ghi

TT - Hà Nội “tuyên chiến” với nạn nói tục. Hà Nội cũng đang lấy ý kiến xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử... Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến của Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân.

Hai cung cách ứng xử khác nhau hoàn toàn ở hai thế hệ người sống ở Hà Nội. Trong khi các cụ già góp ý những điều không nên, không phải cho nhau bằng cách nói nhỏ nhẹ, kín đáo thì những người trẻ ở thủ đô lại sẵn sàng cư xử xấu xí hơn - Ảnh: Quang Phùng
Hai cung cách ứng xử khác nhau hoàn toàn ở hai thế hệ người sống ở Hà Nội. Trong khi các cụ già góp ý những điều không nên, không phải cho nhau bằng cách nói nhỏ nhẹ, kín đáo thì những người trẻ ở thủ đô lại sẵn sàng cư xử xấu xí hơn - Ảnh: Quang Phùng

Thủ đô hiện đã mở rộng hơn rất nhiều, nên việc ứng xử của người Hà Nội xưa bị lấn át bởi văn hóa làng xã từ các luồng dân cư ngoại thành và dân cư các làng quê đổ về Hà Nội.

Việc phát triển, mở rộng đô thị quá nhanh nên không có đủ thời gian và cách thức thực hiện để giáo dục những người từ các nơi khác về Hà Nội có cách ứng xử gương mẫu như những người đã sống ở Hà Nội lâu dài trước đó.

Việc này không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Cần phải có thời gian để giáo dục những người sống trong đô thị hiểu văn hóa đô thị như thế nào.

Văn hóa ứng xử người Hà Nội xưa không đến mức tệ hại như bây giờ. Nhưng bây giờ người Hà Nội không còn nhiều, họ chỉ còn chiếm một phần rất nhỏ bé trong số những người đang sinh sống ở Hà Nội hiện nay.

Nên cách ứng xử của người Hà Nội cũ còn lại cũng bị lấn át bởi văn hóa nông thôn du nhập vào đô thị. Những người Hà Nội vẫn ứng xử theo phong cách văn minh đô thị cũ nhưng số người nông thôn nhập vào thành thị rất nhiều.

Ngày xưa, mỗi gia đình ở Hà Nội có gia phong, nếp nhà. Khi đó bố mẹ, ông bà có vị trí nhất định, không có chuyện “dân chủ” đến mức bố vừa nói xong con đã cãi lại ngay.

Trong nhà, bố mẹ dạy con cháu rất chu đáo khi nhà có khách thì phải chào hỏi như thế nào, khi ngồi ăn cơm thì phải trông nồi, trông hướng ra làm sao...

Cung cách ứng xử trong mỗi gia đình ổn định từ đời này qua đời khác. Từ gia đình, cung cách ứng xử đó được mang ra ngoài xã hội, giúp lan truyền những điều tốt đẹp, góp phần hình thành nên cách ứng xử thanh lịch của người Hà Nội xưa.

Ngày xưa, hai từ “cảm ơn” và “xin lỗi” là câu cửa miệng của người Hà Nội. Làm việc gì không đúng hoặc có lỗi, người ta nói xin lỗi ngay.

Hoặc người ta mua bán thứ gì đó khi đã nhận đồ, trả tiền xong rồi nhưng vẫn nói “cảm ơn” người bán hàng. Đó là phong cách của người Hà Nội.

VŨ VIẾT TUÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên