Viết để cảm ơn cuộc đời, rằng mình ở trong người thương, trong bạn bè, trong cây mưa lá gió, trong mọi thứ. Và dù biệt ly hay tương ngộ, cũng là khoảnh khắc thôi mà.
Minh Phúc
Với ai đó, cuốn sách có thể chỉ là "mưa chiều nắng vội", có thể được đọc, được nhớ hoặc quên. Với tôi, tập tản văn cho mình một cái được: được nhìn và thương sâu.
Thương từ việc "chào một cái cây", thương từng ngọn cỏ lau tìm thấy, một dây trầu lạc cho đến một nồi lá xông từ má đến đúng vào lúc "đứa trẻ tủi thân nước mắt chảy dài tỉnh dậy sau cơn sốt, tưởng mình bị bỏ quên".
"Những cái cây không cần một đời sống ảo, chúng hiện diện đó, ban tặng nhiều niềm vui, cả những sự khích lệ. Cây khiến tôi phải tỉ mỉ nhìn ngắm lại cuộc đời mình". Thật kỳ lạ, Phúc viết nhẹ tênh mà tôi chấn động.
Cuốn sách gồm bốn phần nối nhau - Dưới những vòm cây, Ăn gì cho bớt nhớ, Một khi còn má và Vì tôi cần thấy em yêu đời - dành riêng cho những người phụ nữ.
Chính cách kết nối trong cuốn sách (vô tình hay hữu ý) làm người đọc day dứt, rưng rưng từng mối liên đới. Cô viết về cái cây như một con người - hay một bà mẹ, một vị thầy. Và con người đôi khi không khác một cái cây, con suối lòng lành.
Như trong Tình sông nước, Phúc viết: "Người đàn bà nói chuyện chồng mà mắt long lanh thấy thương. Hỏi chú uống rượu có khi nào nổi nóng đánh cô không? Người đàn bà nói có chớ, mà ổng ốm nhách yếu xìu đánh tui một hai cái cũng có hề gì".
"Đúng kiểu phụ nữ miền Tây - nhẹ dạ quá, cái gì cũng nhẹ nhàng, cũng chịu đựng, cũng cho qua, xong rồi hớn hở như chưa từng gặp chuyện buồn phiền. Róc rách thương chồng nhường nhịn từng chút một".
Tác giả viết cho mình, cho mẹ hay cho tất cả những người đàn bà miền Tây mà cô yêu dấu? Chỉ biết từ Phúc, có lẽ người đọc (có cả tôi) đã nhìn những người phụ nữ miền Tây bằng một tấm lòng khác, nhất là khi đọc những trang viết Phúc dành cho mẹ.
Yêu thương như thể đã chắt chiu từ cả "mười ngàn đời cổ tích" dồn lại cho người mẹ "thiệt xịn, thiệt nghèo". Vẫn là lối kể chuyện nhẹ tênh, chỉ đơn thuần là "chuyện má, chuyện con", vậy mà khiến người đọc không nguôi "thương cùng một nỗi thương nhớ quê nhà"...
Nhớ người má "ướt đẫm mồ hôi" vì chuyến chèo chống từ trong đồng về, phải ngồi đầu mũi thuyền để chèo, không dám quay lại vì sợ chết điếng những tiếng động phía sau và bóng đêm trước mắt.
Hình ảnh ngôi nhà cuối đồng giữa ruộng, bị bóng tối nuốt chửng và nỗi sợ của cô bé con: "hãi hùng nhất là tôi sợ cả chuyện bóng tối sẽ nuốt luôn dáng hình của má mình, đang trên đường trở về nhà...".
Những ký ức tuổi thơ như một bông cỏ may găm mãi đâu đó một góc khuất nào sâu thẳm trong mỗi người lớn. Để rồi nhận ra một điều đơn giản lắm: "nơi mà chỉ có đủ má đủ con mới thấy ấm cúng, mặc kệ thế giới, mặc kệ bóng tối và nỗi cô đơn của căn nhà lẻ loi nơi xóm vườn".
Má, chỉ có má mới thắt thẻo đợi con, đợi miết. Mà "đâu phải chỉ mình má ngồi đợi, từ quầy chuối xiêm bữa nay vừa căng tròn, trái mít vừa giãn gai, chùm nhãn mây mẩy thơm, mấy trái xoài thanh ca giấu trong đám lá cũng bắt đầu thò ra đánh gió. Trái đợi đến chín dần, rũ ra. Má đợi đến tiếng thở ngày càng dài...".
Tôi không biết phải thương biết bao nhiêu để có thể viết được câu Nam Bộ ngọt lịm ngọt lừ mà đứt ruột lúc nào không hay như thế. Vậy đó, chỉ có má, má mới làm được một điều: "gắn những mùi hương giản dị lên đời con cái, để nhờ đó, ít ra chúng cũng không đi lạc". Làm sao lạc được khi còn mẹ đang chờ, tôi nghĩ.
Trong phần viết dành riêng cho phụ nữ, nhất là những người phụ nữ đã trải qua nhiều cơn đau trong đời, những chuyển động, giọng nói, câu chuyện của họ cũng là một phần chắt chiu yêu thương mà tác giả dành cho họ.
Minh Phúc có thể biết, cũng có thể không, rằng thái độ sống của mình (nhất là trong thời gian đương đầu với bạo bệnh) đã thực sự truyền cảm hứng cho bao nhiêu người khác, bằng cách xuất hiện cùng những chiếc khăn rực rỡ sau phẫu thuật, bằng mảnh vườn nơi bancông có "1001" cái cây cô chăm chút mỗi sớm mỗi chiều, bằng con chữ ấm áp, bằng những mùi hương huyền diệu của yêu thương.
Có thể Minh Phúc biết hoặc không biết, những tình yêu nhận được cũng khởi nguồn từ việc mình đã gieo trồng rất nhiều cây yêu thương vào cuộc sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận