29/08/2018 09:13 GMT+7

Cảm ơn thầy nâng bước cho em

TRẦN THỊ KHÊ (TP.HCM)
TRẦN THỊ KHÊ (TP.HCM)

TTO - Nếu không có người thầy giáo giàu lòng thương người thì cuộc đời cô bé con nhà quê thất học ngày ấy chắc hẳn không có những trang tươi sáng. Câu chuyện của một bác sĩ nay tuổi đã ngoài lục tuần nhớ về người đã làm thay đổi cuộc đời bà.

Cảm ơn thầy nâng bước cho em - Ảnh 1.

Nào ai biết được cuộc đời mỗi người có bao nhiêu bước ngoặt bất ngờ xảy ra, có thể khiến cuộc đời chúng ta rẽ sang một lối đi mới, có một tương lai mới tốt đẹp hơn, khi ta gặp được những người tốt trong đời

Ngày ấy gia đình tôi chỉ có hai mẹ con với nhau. Nhà tôi nghèo lắm, ở một vùng quê miền Trung nắng gió. Mẹ tôi không được đi học, cũng không biết chữ. Còn tôi chỉ mới được cho đi học đủ để biết đọc biết viết.

Tuổi thơ không được đến trường

Tôi nhớ năm tôi được 6-7 tuổi, là vào khoảng năm 1958-1959, mẹ dẫn tôi vào Sài Gòn ở nhờ nhà một người chị bà con xa.

Mẹ tôi ở đó giúp việc nhà và chăm sóc mấy đứa cháu nhỏ. Còn tôi được đưa vào nhà một người chị bà con khác để phụ giúp tiệm may sửa quần áo và chỉ chơi loanh quanh chứ chẳng ai nghĩ tới việc cho tôi đi học gì cả.

Đến năm 1966, sau lần hai mẹ con về thăm quê thì tôi vào ở chung nhà luôn với mẹ tại Sài Gòn. Nơi tôi ở là một trường tư chuyên luyện thi vào lớp đệ thất công lập (tương đương lớp 6 hiện nay).

Hằng ngày tôi phụ mẹ làm việc vặt trong nhà và quét dọn mấy phòng học. Cho tới một ngày, thấy tôi lấp ló ngoài cửa lớp, thầy giáo đứng lớp đã ra dắt tôi vào và nói: "Con ngồi đây học đi".

Thầy tên Vinh.

Thầy cho tôi tập, viết và ân cần nói: "Từ giờ trở đi con cứ học ở đây với thầy để sau này thi vào Trường Gia Long".

Tôi hiểu thầy nói vậy để khích lệ tôi thôi chứ thầy biết trước giờ tôi đâu được học hành gì, trình độ thì chỉ mới biết đọc biết viết. Còn tôi lúc ấy cũng không suy nghĩ sẽ học cao lên hay thi vào trường nào hết mà chỉ chăm chỉ đến lớp học theo lời dặn của thầy.

Và cứ thế trong 2 năm, mỗi ngày 2 giờ tôi được thầy tận tình dạy dỗ (vì lớp luyện thi thời đó chỉ học 2 tiếng mỗi ngày).

Bước ngoặt cuộc đời

Vào một ngày của năm 1968, hôm đó thầy nói tôi đưa giấy khai sinh để thầy chuẩn bị hồ sơ cho tôi nộp dự thi vào Trường nữ sinh trung học Gia Long.

Lúc đi thi, kiến thức của tôi cũng không nhiều, chỉ giới hạn ở hai môn văn và toán do thầy dạy trong 2 năm qua. Thậm chí đến khi thi xong tôi cũng không biết mình đã làm bài như thế nào, và càng không bao giờ nghĩ mình sẽ thi đậu.

Tôi vẫn nhớ cảm giác bất ngờ xen lẫn sung sướng ngày ấy khi được anh họ đi xem điểm và báo tin tôi đã trúng tuyển, mà còn ở vị trí gần 400 trên 800 học sinh được nhận vào trường.

Có bao giờ tôi từng nghĩ mình sẽ được vào học trường công mà còn là ngôi trường nữ trung học lớn nhất Sài Gòn lúc bấy giờ. Cũng từ đó, tôi càng cố gắng học tập nhiều hơn nữa.

Cho đến năm tôi vào lớp 11 (1974), buổi sáng đi học chính thức ở trường, buổi chiều tôi đi học luyện thi lớp 12 để thi tú tài, có nhiều buổi trưa tôi chỉ chợp mắt được 15 phút, còn mẹ tôi thì làm mọi việc để tôi được đi học.

Cuối cùng tôi cũng đã đậu tú tài sau khi kết thúc năm lớp 11.

Từ một đứa trẻ không được học hành đàng hoàng, qua sự giúp đỡ và dẫn dắt của thầy mà tôi đã có bằng tú tài trong tay. Lúc đó tôi dự định không tiếp tục học nữa mà sẽ đi làm để đỡ đần cho mẹ.

Giai đoạn ấy gắn liền với sự kiện lịch sử của đất nước năm 1975, cuộc sống mẹ con tôi cũng bộn bề khó khăn.

Tôi đã nhờ người chú họ xin cho một công việc trong một nhà máy dệt gần nhà. Tôi được gặp giám đốc và ông hứa sẽ giúp đỡ tôi, nhưng chờ mãi vẫn không thấy tin tức được gọi đi làm như đã nói.

Tôi trở thành bác sĩ

Kỳ thi tuyển sinh đại học lại đến. Trong lúc chưa có việc làm, tôi thử nộp đơn đi thi. Lúc viết đơn tôi cũng chưa định hình mình muốn thi trường nào và cũng không có ai tư vấn cho.

May sao người bán đơn là một chú lớn tuổi, tôi vô tình hỏi thử chú là tôi nên thi vào đâu thì được. Chú ấy gợi ý hay là nộp đơn vào trường y đi để sau này có thể giúp đỡ được nhiều người.

Vì gợi ý nghe có vẻ hợp lý đó mà tôi đã đăng ký thi vào Đại học Y dược Sài Gòn và cũng đã đậu.

Sáu năm học tập ở trường y với biết bao nỗ lực hết mình từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối mới được về nhà (vì tôi vừa phải đi học, vừa đi thực tập ở các bệnh viện). Trong khi đó mẹ tôi cũng vất vả nhọc nhằn lo toan cho tôi ăn học bằng xe thuốc lá nhỏ trước nhà và nuôi hai con heo bán lấy tiền.

Sau khi ra trường, tôi về làm việc trong một bệnh viện lớn ở TP.HCM cho đến khi về hưu.

Đúng như lời chú bán đơn đã nói, với nghề bác sĩ, trong hơn 30 năm qua tôi đã giúp được rất nhiều người bệnh tìm đến tôi, chữa bệnh, động viên họ trong những giây phút khó khăn của cuộc đời, và cũng đủ điều kiện để chăm sóc mẹ chu đáo cho đến khi trăm tuổi.

Từ ngày đó đến nay, dù có những lúc khó khăn mệt mỏi vì công việc nhưng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc vì mình đã may mắn chọn đúng nghề, và luôn thầm cảm ơn những người dù vô tình hay hữu ý đã giúp tôi có được ngày hôm nay.

Bây giờ ở tuổi hơn lục tuần, ngồi viết những dòng này mà nước mắt tôi cứ rơi. Dù thầy và mẹ đã đi thật xa nhưng công ơn của người vẫn không bao giờ phai nhạt trong trái tim tôi.

Xin cho con được cảm ơn người, người đã giúp con có ngày hôm nay, cuộc đời này đầy ý nghĩa.

Từ ngày 20-8 đến 26-8, cuộc thi "" đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Trần Thị Khê, Nguyễn Thanh Bình, Mai Hà Trà Dung, Ca Thị Lan Nhi, Tạ Hồ Vy Ái, Lâm Hoàng Duy (TP.HCM); Vũ Thị Mỹ Hạnh (Thái Nguyên); Nguyễn Thị Bích Nhàn (Phú Yên); Nguyễn Thị Đoan Thanh.

Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc. Bài dự thi xin gửi về báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi "Bài dự thi Khoảnh khắc thay đổi đời tôi") hoặc email [email protected].

Trân trọng.

hd 3

TRẦN THỊ KHÊ (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên