Càng sốc hơn khi cơ cấu sản phẩm của dự án này dự kiến sẽ tung ra thị trường vào tháng 5-2015, phần lớn là những mặt hàng thép trong nước đang sản xuất được. Thậm chí có mặt hàng như thép cuộn và cây xây dựng (Formosa dự kiến tung ra 1,2 triệu tấn/năm), hàng của các doanh nghiệp trong nước đang chất ùn ứ trong kho vì ế.
Có thể hiểu trong bối cảnh nguồn lực của VN còn hạn chế, để phát triển nhanh cần phải dựa vào nguồn vốn, công nghệ và chất xám từ bên ngoài. Vì vậy việc đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là những dự án nắm giữ công nghệ cao mà trong nước chưa thể sản xuất được, là hết sức cần thiết. Và tất nhiên để kéo được các nguồn lực trên rất cần một chính sách thu hút đầu tư cạnh tranh, hấp dẫn nên việc có chính sách ưu đãi, cơ chế riêng là đương nhiên. Thực tế những năm qua chúng ta đã có những nhà đầu tư tiền lệ đáp ứng những tiêu chí đó như Intel, Samsung...
Thế nhưng ưu đãi đến cỡ nào, cơ chế riêng ra sao là điều cần tính toán chứ không thể “cởi tất tần tật”!
Với một quốc gia, đặc biệt là những nước đang phát triển, do nhu cầu xây dựng hạ tầng lớn, thép là một trong những ngành công nghiệp then chốt, giữ vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế. Do vậy nhiều nước, do lo ngại thao túng thị trường, đã đưa ra những quy định rất ngặt nghèo nhằm hạn chế nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, hoặc nếu đầu tư chỉ cho giữ cổ phần hạn chế (dưới 30%) tại một doanh nghiệp ngành thép. Trong khi đó chúng ta cởi mở, thông thoáng đến độ tạo ra một sân chơi không còn bình đẳng giữa các thành phần doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp thép trong nước đã than thở: nhìn vào mức ưu đãi thuế cho Formosa, biết ngay sản phẩm của họ sẽ khó lòng cạnh tranh được.
Giải thích việc Formosa được ưu đãi cao ngất như vậy, đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng thời điểm đó “quy định pháp luật của VN còn cho mức ưu đãi đó...”. Nhắc đến đây lại nhớ đến lời giải thích của một lãnh đạo Bộ Công thương khi đề cập việc vì sao Trung Quốc trúng thầu nhiều ở VN trong buổi họp báo ngày 7-7 là “do các cơ quan nhà nước thực hiện quá tốt... Luật đấu thầu”.
Ô hay, luật pháp do chúng ta xây dựng ra, nếu những điều khoản nào đó chưa sát với thực tế, có nguy cơ làm tổn hại đến nền kinh tế, đáng lý ra chính những cơ quan thực thi phải phát hiện và đề xuất điều chỉnh, chứ sao lại... đổ thừa như vậy.
Nhiều chuyên gia đã nói vui: dù sao cũng cảm ơn Formosa Hà Tĩnh! Nhờ những đòi hỏi quá mức của Formosa như đề nghị lập khu kinh tế đặc thù riêng nên dư luận mới biết rõ thêm về những ưu đãi cho đại dự án này! Từ đó, dư luận mới biết để phản biện, đặt ra vấn đề giám sát như thế nào của các cơ quan chức năng đối với những nội dung cam kết ban đầu về công nghệ, cơ cấu sản phẩm, đầu ra...của đại dự án này nhằm tránh những tác động xấu, ít nhất cho ngành thép. Đồng thời cũng nhờ đó mới tránh những tiền lệ tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh về sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận