Cảm ơn đời cho con làm con của mẹ
TTO - 62 năm qua và cho cả đến bây giờ, mẹ vẫn luôn tất bật và lo lắng như những người mẹ thôn quê khác. Dù đàn con 6 đứa nay đã khôn lớn, trưởng thành, mẹ vẫn không một phút thảnh thơi.
Phóng to |
Cả đời mẹ tất bật, lo lắng cho các con, kể cả khi các con đã trưởng thành - Ảnh minh họa: từ myopera.com |
Từ khi con biết nhận thức về tình cảm, về cuộc sống (tầm 4, 5 tuổi mẹ nhỉ?), điều con cảm nhận đầu tiên đó là một tình thương cảm đặc biệt với mẹ. Hồi đó, con chỉ biết mẹ rất khổ. Nhà có 6 đứa con, cha suốt ngày say rượu, một mình mẹ lam lũ, đầu tắt mặt tối. Khi buổi sáng thức dậy, con thấy trên bàn nồi cơm nóng mẹ đã nấu sẵn vẫn còn nguyên vẹn. Mấy cha con dậy cứ vậy ăn cơm, rồi đứa thì đi học, đứa đi thả trâu, thả bò, đứa thì ở nhà chơi. Tụi con còn quá nhỏ nên chẳng đứa nào biết mẹ phải dậy từ thật sớm để nấu cơm và để bụng đói đi làm để dành phần cơm lại cho cha và các con ăn.
Trật trưa, mẹ về với gương mặt lấm lem bùn đất, áo quần ướt sũng vì lội trên những thửa ruộng chuẩn bị vào mùa cấy. Mẹ lại tất bật ăn vội chén cơm, giữa trưa, khi cha say ngủ, mấy đứa con trốn sang nhà hàng xóm để chơi đủ trò thì mẹ tranh thủ ra bờ hồ hàng xóm cắt cho con trâu ít cỏ tươi vì sáng sớm nay nó đã phải đi cày bừa với mẹ về.
Chiều, khi vãn cuộc chơi với lũ bạn, con trở về nhà với áo quần lấm lem thì mẹ đã lại ra đồng. Cho tới khi mặt trời tắt, nghe tiếng con nghé kêu gọi mẹ ngoài cổng, con sẽ biết mẹ mới về. Tối, mẹ lại tất bật với hàng tá việc không tên khác.
Hình dáng khắc khổ của mẹ cứ thế in đậm trong con cùng với những ký ức tuổi thơ ngọt ngào. Nhưng khi nghĩ về mẹ, cũng có những lúc nước mắt con chảy trào. Mẹ bảo số mẹ khổ, khố ngay từ nhỏ. Hồi xưa bà ngoại rất khó tính, 7 tuổi mẹ đã phải làm tất cả những việc mà người lớn phải làm, 16 tuổi mẹ chấp nhận đi lấy chồng chỉ với hi vọng sẽ có chồng đỡ đần, cuộc đời sẽ bớt khổ. Mẹ nói là do số phận, con nhớ hồi xưa mọi việc nặng nhọc trong gia đình cũng một tay mẹ, cha ngoài việc suốt ngày rượu chè thì chỉ biết chửi bới và đánh mẹ không thương tiếc.
Con nhớ nhất là vào mùa đông, trời miền Trung có những đêm mưa lạnh thấu buốt, cha say, đuổi mấy mẹ con ra khỏi nhà. Nơi trú ẩn qua những đêm giá lạnh đó là cái giàn mướp sau nhà, mấy đứa con vẫn cứ ngây thơ rúc vào nách mẹ ngủ ngon lành, mặc kệ vài giọt mưa pha lẫn nước mắt mẹ rơi nhòa trên mặt mình con. Chúng con còn quá nhỏ để không thể biết được rằng mẹ thức suốt đêm giữ chiếc nilông che mưa cho mấy đứa con ngủ ngon lành. Cũng có những đêm cha say, mẹ bị đuổi ra khỏi nhà giữa đêm khuya, con chẳng biết mẹ đã đi đâu, ngủ ở đâu?
Rồi cha mất, ba anh chị lớn đi lấy chồng lấy vợ, ba đứa còn lại đi học. Năm con vào đại học thì con em út học lớp 12, chị gái kế con cũng quyết định quay lại ôn thi đại học. Nhà nghèo lắm, thấy bọn con học, mẹ không ngừng động viên. Rồi ba đứa tụi con ần lượt vào đại học, mẹ cũng dần lớn tuổi. Những vất vả của thời tuổi trẻ in hằn trên người mẹ bằng đủ loại bệnh, từ khớp gối, đến thoái hóa cột sống, rồi u xơ… nhưng mẹ vẫn một tay chắt góp từng đồng để lo học phí và đều đặn gửi tiền sinh hoạt hằng tháng cho từng đứa một.
Con tốt nghiệp hơn 1 năm nay, cứ ngỡ có thể tìm công việc tốt để phụ giúp mẹ nhưng đến nay con vẫn quay quắt với cuộc sống ở Sài Gòn. Đi làm rồi nhưng lâu lâu con vẫn nghe mẹ gọi điện bảo: “Có thiếu tiền không con?”, “Ăn được không?”, “Có khỏe không?”… Con mẹ từng đứa lần lượt lớn khôn nhưng mẹ vẫn thế vẫn tất bật lo toan như chúng con hãy còn ngây thơ, non dại.
Con biết mẹ sẽ chẳng đọc được những dòng này đâu, nhưng tận đáy lòng, con vẫn rất muốn viết dành riêng cho mẹ. Cảm ơn cuộc đời cho con làm con của mẹ!
N.L.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận