13/10/2013 11:24 GMT+7

Cảm ơn Đại tướng đã sinh ra trên đời này

Ueno Miyuki
Ueno Miyuki

TT - Không chỉ có hàng chục triệu người Việt ở trong lẫn ngoài nước tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà ngay với người nước ngoài cũng thế, như câu chuyện sau đây của một cô gái Nhật...

VL2r19XH.jpgPhóng to
Ảnh Bác Hồ trong cửa hàng Merci SaiGon - Ảnh: Duyên Trường

Chiều 11-10, trước lúc cả nước chính thức tiến hành quốc tang tiễn biệt vị tướng của nhân dân - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi nhận được một bức mail gửi từ Nhật Bản. Đọc mà xúc động khôn nguôi.

Cầu mong hòa bình như Đại tướng luôn mong muốn

"Em luôn cầu mong đất nước Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa và tất cả mọi người Việt Nam sống hòa bình như Đại tướng luôn mong muốn"

Đó là thư của bạn Ueno Miyuki. Cô viết không dấu, nên xin gõ lại với những dòng trích ra như sau: “Hôm nay em gửi email cho anh Truyền để em xin gửi lời chia buồn tới anh cũng như tất cả mọi người Việt Nam. Ngày 4-10 vừa qua, khi em nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, em vô cùng đau buồn vì Đại tướng là người em hết sức ngưỡng mộ và kính trọng trong những nhân vật lịch sử của Việt Nam. Em chỉ được biết về con đường mà Đại tướng đã trải qua trong thời kháng chiến với Pháp, Mỹ qua sách lịch sử và phim tài liệu thôi, nhưng em càng học về Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày càng thích và ngưỡng mộ Đại tướng hơn rất nhiều!

... Ở Nhật em không có ai chia sẻ nỗi buồn này nên em vừa đọc nhiều bài về Đại tướng vừa nghĩ đến Đại tướng từ xứ sở hoa anh đào đây anh Truyền ơi. Em đã đọc một bài về Đại tướng với đề tài “Hai mối tình theo suốt cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Đọc xong bài này em xúc động quá. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người không chỉ có tài quân sự mà còn là một người rất gần gũi, giản dị như bao người dân khác. Chính vì thế mà từ sau chiến tranh kết thúc cho đến bây giờ Đại tướng vẫn được nhiều người Việt Nam các thế hệ khác yêu thương và ngưỡng mộ. Đại tướng sẽ sống mãi trong lòng em và tất cả mọi người khắp thế giới.

Em được biết là ngày 12 và 13-10 ở Việt Nam tổ chức lễ quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và em cũng rất muốn đi viếng để gửi lời cảm ơn Đại tướng đã sinh ra trên đời này. Nhưng ngày đó em không thể qua Việt Nam được nên hai ngày đó em ở nhà cầu mong linh hồn Đại tướng yên nghỉ. Đại tướng về bên cạnh Bác Hồ rồi... Xin vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp kính yêu.

Cuối cùng, em luôn cầu mong đất nước Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa và tất cả mọi người Việt Nam sống hòa bình như Đại tướng luôn mong muốn.

Lòng ngưỡng mộ Đại tướng khiến em đi thăm Điện Biên Phủ, nơi mà chiến thắng vĩ đại. (Em tham quan Điện Biên để nghĩ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mùa thu 2009). Em Ueno Miyuki”.

Chắc kiếp trước em là người Việt Nam

Chúng tôi gặp Miyuki tại Osaka vào tháng 4-2011, khi tôi còn làm báo tại Tuổi Trẻ. Khi đó Nhật vừa trải qua và đang nỗ lực khắc phục “thảm họa ba trong một” động đất, sóng thần và sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima (11-3-2011) với một ý chí kiên cường, đáng khâm phục.

Ueno Miyuki, đọc theo âm Hán Việt là Thượng Dã Mỹ Hạnh. Mỹ Hạnh đã đi rất nhiều nước: Cuba, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Campuchia, Tây Ban Nha, Dominica, Mexico, Mỹ, Pháp, New Zealand... Nhưng cô tự nhận mình là người Việt Nam. “Em là người Việt... giống Nhật!”. Sau khi học tiếng Việt tại ĐH Osaka (Nhật), cô có gần ba năm sống tại Việt Nam, trong đó có một năm học tiếng Việt tại ĐH KHXH&NV TP.HCM và từng đi làm cho một công ty Nhật tại Bình Dương. Cô nói giọng Sài Gòn và rất giỏi tiếng Việt, phân biệt được người Bắc nói “thảo nào”, còn người Nam thì “hèn chi”, Bắc nói “mãi”, còn Nam là “hoài”, Bắc nói “gầy” còn Nam kêu “ốm”...

Mỹ Hạnh nhà ở TP Kawanishi, thuộc tỉnh Hyogo (có TP Kobe nổi tiếng), nhưng lại sinh sống ở Osaka. Tại đây, cô mở một tiệm bán quần áo, đồ lưu niệm Việt Nam mang tên Merci SaiGon (lầu 2, tòa nhà Osaka Ekimae số 1), và làm thêm công việc hỗ trợ học sinh Nhật gốc Việt tại Trường tiểu học Sonoda Kita.

Điều đặc biệt nơi Miyuki là một tình yêu Việt Nam mãnh liệt. Có một lần, đang lúc chờ xe điện ngầm, cô nói cùng tôi: “Chắc kiếp trước em là người Việt Nam, hay cha mẹ em là người Việt Nam cũng nên!”. Cô kể lần nào nghe Tiến quân ca cũng đều xúc động. Điện thoại của cô cài tiếng Việt. Móc chìa khóa của cô có hình búa liềm. Địa chỉ email của cô có chữ Mỹ Hạnh. Tại Merci SaiGon, chúng tôi nhìn thấy một lá cờ đỏ sao vàng cỡ quyển sách nhỏ. Cửa hàng này có treo hai bức ảnh Bác Hồ, một là ảnh chân dung, một là ảnh Bác Hồ đang quàng khăn đỏ cho một đội viên thiếu niên tiền phong, và còn có khung ảnh cả gia đình Bác Hồ mà Miyuki đã mua tại làng Sen quê Bác. Nhiều lần Miyuki nói cùng tôi: “Em thương Bác Hồ lắm! Em là con cháu Bác Hồ! Em mê Việt Nam, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp!”.

Và bây giờ là lá thư cô viết lúc vĩnh biệt Đại tướng của chúng ta.

Sáng 12-10, có mặt trong dòng người đến tiễn biệt Đại tướng tại hội trường Thống Nhất, tôi đã nghiêng mình trước anh linh của Đại tướng, và dâng lên tâm nguyện của cô gái Nhật Bản có cái tên Việt Nam ấy. Tôi không biết diễn đạt như thế nào ngoài cách đọc thầm nội dung của lá thư thấm đẫm một tình yêu trân quý đối với người anh hùng, không chỉ của dân tộc ta mà là của bạn bè toàn thế giới.

Tự thấy mình quá nhỏ bé trước một tình yêu lớn lao dành cho đất nước và lãnh tụ của chúng ta, tôi chỉ có thể nói cùng em bằng một sự kính trọng sâu xa: Cảm ơn Mỹ Hạnh! Cảm ơn Miyuki!

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Ueno Miyuki
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên