Xuân Trường (6) trưởng thành từ lò Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: N.K |
Tiên phong việc mở lò đào tạo trẻ là CLB Hoàng Anh Gia Lai.
Đốn hạ cao su mở học viện bóng đá
Sau lúc đạt được thỏa thuận với CLB Arsenal và Học viện JMG, vào đầu mùa hè 2007, bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức - chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) quyết định đốn bỏ 5ha cao su đang độ sung sức cho mủ để xây Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG.
Mặc cho những lời đàm tiếu, ngờ vực, ông bầu chịu chơi và máu mê bóng đá này đã gạt bỏ ngoài tai tất cả. Vài tháng sau, học viện được khánh thành và đi vào hoạt động. Từ khắp mọi miền đất nước, vượt qua nhiều đợt sát hạch gay go, lứa cầu thủ đầu tiên của học viện đã được ươm mầm như: Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy (đang khoác áo U-23 VN dự vòng chung kết U-23 châu Á).
Sự đàm tiếu vẫn chưa dừng lại với bầu Đức khi học viện đi vào hoạt động. Nhiều nhà chuyên môn, HLV kỳ cựu vội vã đưa ra nhận định: “Đào tạo trẻ kiểu gì lạ lùng quá, sao lại buộc cầu thủ phải chơi bóng với đôi chân trần? Làm như thế là phản khoa học...”. Lại một lần nữa, bầu Đức và các cộng sự gạt bỏ ngoài tai để toàn tâm toàn ý theo cách thức đào tạo mà JMG đã thực hiện thành công trên toàn cầu.
Hà Đức Chinh (13) trưởng thành từ lò đào tạo PVF. Ảnh: N.K |
Năm tháng qua đi, đến tuổi 16 thì các tài năng trẻ của học viện này mới được làm quen với đôi giày đinh. Chưa hết bỡ ngỡ với việc mang giày, lứa cầu thủ trẻ này được thử sức mình ở giải quốc tế tổ chức tại Nhật Bản (Sannix Cup), rồi tiếp đó là chuyến đi tập huấn tại châu Âu, sang Arsenal tập huấn và trình diện HLV Wenger.
Sau những chuyến du đấu ấy, lứa cầu thủ này được VFF (LĐBĐ VN) tín nhiệm và chọn làm nòng cốt cho đội tuyển U-19 VN dự Giải vô địch U-19 Đông Nam Á ở Indonesia, vòng loại U-19 châu Á ở Malaysia rồi đoạt luôn vé vào vòng chung kết U-19 châu Á tại Myanmar. Những giải đấu đã tạo được tiếng vang với người hâm mộ cả nước và khu vực bởi lối chơi đậm chất kỹ thuật, giàu tính cống hiến của cầu thủ.
Cú hích từ phố núi
Hai năm sau khi học viện bóng đá ở phố núi khai sinh, một lò đào tạo khác được thành lập và đi vào hoạt động khá âm thầm là PVF (Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá VN, trực thuộc Tập đoànVingroup). Khác với những lò đào tạo trẻ trên cả nước, PVF chiêu sinh, đào tạo dài hạn với mục đích chính là cung cấp tài năng cho các đội tuyển quốc gia, chuyển giao về cho các CLB chuyên nghiệp nhưng không tính chi phí chuyển nhượng.
Năm 2009, PVF đi vào hoạt động. Tròn một năm sau đó, lò đào tạo trẻ này để lại dấu ấn khi vượt qua hàng loạt trung tâm đào tạo trẻ danh tiếng để đoạt ngôi vô địch Giải U-13 toàn quốc tại Bình Định do HLV Trần Minh Chiến dẫn dắt. Nhà vô địch tuổi 13 năm đó hiện đang khoác áo U-23 VN chính là tiền vệ Trương Văn Thái Quý (Tiến Dụng, Tiến Dũng, Đức Chinh nhập học vào các năm 2010, 2012).
Từ cột mốc ấy trở đi, PVF liên tục cung cấp tài năng cho các đội tuyển trẻ VN, mà tiêu biểu là đội U-19 VN lọt vào bán kết U-19 châu Á 2016, đoạt vé dự vòng chung kết World Cup U-20 thế giới năm 2017 tại Hàn Quốc. Đức Chinh, Tiến Dụng, Tiến Dũng, Thái Quý lần lượt khoác áo đội tuyển U-20, U-22 rồi đội tuyển VN chỉ trong vòng một năm!
Đội chuyên nghiệp Hà Nội cũng âm thầm cử HLV đi khắp nơi chiêu sinh, mang về những tài năng trẻ để đào tạo. Nhưng thú vị hơn hết là chuyện Hà Nội hợp tác khăng khít cùng lò đào tạo của anh em nhà cựu tuyển thủ Văn Sỹ Hùng - Văn Sỹ Thủy với tên gọi VSH. Lò VSH có trách nhiệm đi khắp nơi tìm kiếm tài năng về đào tạo cơ bản vài năm, sau đó chuyển các cầu thủ nhí này về cho CLB Hà Nội đào tạo nâng cao. Sự kết hợp giữa hai đơn vị này đã sản sinh những gương mặt đã và đang được ngưỡng mộ trong màu áo U-23 VN như: trung vệ Trần Đình Trọng, tiền đạo Nguyễn Quang Hải, thủ môn Nguyễn Văn Hoàng (dự bị ở đội tuyển U-23 VN), hậu vệ Văn Hậu, tiền vệ phòng ngự Đức Huy, trung vệ Duy Mạnh.
Trong khi đó, lò Sông Lam Nghệ An (SLNA) cung cấp cho U-23 VN hai thành viên là hậu vệ Xuân Mạnh và tiền đạo Phan Văn Đức. Từ hàng ghế dự bị, cả hai được tung vào sân rồi chiếm luôn suất đá chính (Văn Đức lấy chỗ của Văn Toàn, Xuân Mạnh thay Văn Hậu khi dính chấn thương). Trong hai tuyển thủ này thì Văn Đức là người đến với U-23 VN muộn nhất, từ sự tiến cử của giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede khi xem anh đá ở vòng chung kết U-21 toàn quốc và Giải U-21 quốc tế 2017.
Trung tâm đào tạo trẻ Viettel ít nhiều tạo được tiếng vang qua các giải trẻ gần đây, đó là một thế lực đáng gờm với nhiều lò đào tạo khác mỗi khi họ đối đầu cùng nhau ở các giải trẻ hay Giải hạng nhất quốc gia. Từ những giải đấu ấy, trung vệ Bùi Tiến Dũng, tiền vệ Nguyễn Trọng Đại được chọn khoác áo đội tuyển quốc gia như U-19, U-20, U-22, U-23 lẫn đội tuyển VN.
Tuyển thủ U-23 VN duy nhất đến từ miền Tây Nam Bộ chính là thủ môn Ngọc Tuấn. Anh đang đầu quân cho SHB Đà Nẵng, nhưng Trung tâm huấn luyện thể thao An Giang chính là bệ phóng để thủ môn trẻ này đến với bóng đá chuyên nghiệp rồi U-23 VN.
Lớn cả tài năng lẫn phong cách Trả lời Tuổi Trẻ, chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nói rằng điều làm ông tâm đắc nhất là các lò không chỉ cho ra lò một thế hệ cầu thủ đầy tài năng mà còn đi kèm phong cách đạo đức. Các tuyển thủ trẻ hiện tại không bao giờ thể hiện sự bực dọc khi đồng đội chuyền bóng lạc địa chỉ. Bị dẫn bàn, họ vẫn tự tin rượt đuổi đối thủ để săn bóng, tổ chức tấn công và lật ngược thế cờ. “Những câu trả lời của cầu thủ khi được phỏng vấn luôn chừng mực, lễ phép và nói về tập thể, về HLV hơn là nói về chính bản thân. Nếu không được ăn học tử tế, làm gì có được những lời đối đáp đáng yêu như vậy” - ông Xương nói. |
“U-23 VN đã tạo nên kỳ tích. Thành công này có nhiều nguyên nhân nhưng theo tôi, lý do lớn nhất chính là việc đào tạo bóng đá trẻ trên cả nước đã được để mắt, chăm chút nhiều hơn Ông Đoàn Nguyên Đức |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận