|
Tháng giêng
Lụi tàn rồi mơn mởnThời gian như cánh đồngNgày xưa ta bé nhỏTháng giêng còn nhớ không?
Biết khi nào trở lạiMàu trong vắt của trờiKhép làn mi trinh nữTháng giêng tràn lên môi
Bông lay ơn ai tặngTháng giêng giấu nơi nàoĐể màu hoa lửa cháyChập chờn trong chiêm bao
Tháng giêng đầu ngọn biếcTa phía cội cây giàNgước nhìn bao thương mếnQuãng đời mình đã qua
Tuổi vèo bay theo gióTa vừa sang tháng mườiNgoảnh lại nhìn xa lắcMột tháng giêng nhoẻn cười.
Nhẹ nhàng và rất nhiều da diết, ấy là Tháng giêng của Lâm Thị Mỹ Dạ, một Tháng giêng “nhoẻn cười”, một tháng giêng trong bao tháng giêng đã đi qua cuộc đời thăng trầm một người phụ nữ.
Bài thơ nữ tính một cách kỳ lạ, vừa hồn nhiên lại vừa từng trải, như một đôi mắt trong veo được đặt trên khuôn mặt của người đàn bà. Khuôn mặt ghi những dấu ấn của thời gian.
Không một người phụ nữ nào không nghĩ đến thời gian, không một người phụ nữ nào không nghĩ đến tuổi xuân của mình, không nghĩ đến những gì đã qua, những gì đã mất, những gì sẽ tới khi một mùa xuân lại về. Và Tháng giêng, tháng bắt đầu của một năm, tháng giao hòa giữa sự lụi tàn và mơn mởn, như một cánh đồng mà nơi đó mỗi bước chân đi qua thửa ruộng là một quãng đời đã mất. Để rồi khi giật mình đứng lại, rồi ngoảnh lại, người ta mới thấy bao nỗi nuối tiếc xa xôi:
Biết bao giờ trở lạiMàu trong vắt của trờiKhép làn mi trinh nữTháng giêng tràn lên môi…
Sự nuối tiếc ấy không đau đáu. Bởi chẳng ai đau đáu cho những gì là tất yếu, tất nhiên của cuộc đời. Nhưng có lẽ không ai đọc những câu thơ này mà không thấy một nỗi hoài niệm xôn xao và đẹp đẽ. Sự xôn xao đầy nữ tính, đầy gợi cảm… Thật ra màu trong vắt của trời thì có thể vẫn trở lại, không có buổi đẹp trời này thì có buổi đẹp trời khác, không có tháng giêng này thì có tháng giêng khác, nhưng điều quan trọng là mắt mình có còn trong để thấy những điều tươi đẹp, có còn xanh để đón nhận những gì mới mẻ của cuộc đời? Bởi vì làn mi trinh nữ chỉ có ở một thời tuổi trẻ mà thôi. Một thời tuổi trẻ, thanh xuân với những bóng dáng của tình yêu:
Bông lay ơn ai tặngTháng giêng giấu nơi nàoĐể màu hoa lửa cháyChập chờn trong chiêm bao…
Chỉ một bông lay ơn thôi, nhưng người đọc đã biết có một tháng giêng đầy hạnh phúc. Chỉ một “ai” thôi đã thấy bóng dáng một tình yêu ngọt ngào. Tháng giêng ấy đã đi qua mất rồi, chỉ còn lại trong những giấc mơ đốm lửa chập chờn của một tháng giêng nào xa lắc. Để rồi hôm nay, nhìn trên những búp non, lại thấy tháng giêng đã về. Chỉ có ta, chỉ ta là đã ở “phía cội cây già”, ta đã đứng ở một nơi để mà “ngoảnh lại”, mà thương mến cho “quãng đời mình đã qua”. Chỉ ta đã sang tháng mười của cuộc đời.
Vì sao lại là tháng mười mà không phải là tháng nào khác. Có phải vì tháng mười chưa phải là nơi kết thúc, nhưng nó cũng đã chậm những nhịp đi trong hành trình của một năm? Nếu ví cuộc đời như một năm, thì hẳn tháng mười cũng là lúc người phụ nữ “toan về già” mất rồi. Nhìn lại cuộc đời mình trải nghiệm, thấy xa lăng lắc những vết dấu đầu tiên bởi những ngọn gió của tháng tiêng đã thổi thời gian vèo trôi đi lúc nào.
Chỉ biết khi đứng lại, vẫn thấy nơi xa xôi đó, một “tháng giêng nhoẻn cười”. Người đọc sẽ thấy dường như những ranh giới thời gian bị xóa nhòa, chẳng biết đâu là tháng giêng của ngày xưa, đâu là tháng giêng của ngày nay. Nhưng điều đó cũng chẳng còn gì quan trọng, bởi lẽ, nụ cười tháng giêng bao giờ cũng là nơi bắt đầu cho một năm, một khoảng đời mới mẻ…
Năm khổ thơ xinh xắn trong một bài thơ, mỗi khổ lại gói trong đó một tháng giêng, để khi ta đọc xong, mới thấy ngỡ ngàng bởi dòng thời gian chảy trôi dào dạt trong đó. Sự luân chuyển qua mỗi tháng giêng là sự luân chuyển qua những quãng đời của người phụ nữ, với những nơi kết thúc và nơi bắt đầu. Dẫu rất nhiều nuối tiếc nhưng bài thơ không đem lại nỗi buồn mà chỉ là những xuyến xao. Bởi lẽ đi đến tận cùng thì vẫn chỉ có nguyên nụ cười ấy, nụ cười tháng giêng, nụ cười thanh xuân trong tâm hồn mỗi con người…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận