Liên quan đến vụ Công ty cổ phần 484 (Nghệ An) lợi dụng có giấy phép mỏ đặc thù phục vụ cao tốc để khai thác cát trái quy định, sáng 22-8, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết đã có chỉ đạo chấn chỉnh, yêu cầu làm đúng quy định.
Đề nghị tạm dừng khai thác cát tại mỏ đặc thù
Hiện tỉnh đang xem xét đề nghị của doanh nghiệp và UBND huyện Krông Bông, nhưng yêu cầu phải thực hiện việc khai thác khoáng sản đúng quy định.
Trong khi đó, một lãnh đạo UBND huyện Krông Bông cho biết đã có kết quả kiểm tra (lần 2) về tình hình hoạt động khai thác cát của Công ty cổ phần 484.
Theo đó, doanh nghiệp đã lắp bảng thông tin, đăng ký phương tiện vận chuyển cát, nộp hơn 2,7 tỉ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Khối lượng cát khai thác tại mỏ phục vụ 7 nhà thầu tại dự án thành phần 2 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, chưa phát hiện việc bán cát ra bên ngoài dự án.
Về phương tiện khai thác cát, doanh nghiệp sử dụng 4 bè, ghe hút cát và 3 máy xúc chưa phù hợp với phương tiện, thiết bị (tàu hút) đã đăng ký.
Công ty đang sử dụng 3 vị trí làm bãi tập kết tạm thời tại buôn Khanh, buôn Khóa (xã Cư Pui, Krông Bông) từ diện tích đất ven sông đã thỏa thuận thuê đất của người dân nhưng UBND tỉnh chưa đồng ý.
Ngoài ra, công ty mới lắp camera giám sát nhưng có 1 vị trí không đảm bảo, chưa lắp trạm cân tại nơi vận chuyển khoáng sản ra ngoài...
Từ kết quả kiểm tra, UBND huyện Krông Bông kết luận, đến nay Công ty cổ phần 484 vẫn chưa hoàn thiện, bổ sung đầy đủ các điều kiện hoạt động khai thác cát theo quy định tại bản xác nhận 4-5-2024 của UBND tỉnh Đắk Lắk.
Vì vậy, huyện đề nghị tỉnh cho tạm dừng hoạt động khai thác đối với Công ty cổ phần 484 tại địa bàn xã Cư Pui và Cư Đrăm để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục.
Siết khai thác khoáng sản, ngăn thất thoát tài nguyên
Sau phản ánh của báo chí về việc khai thác khoáng sản trái quy định trên sông Krông Bông, UBND tỉnh Đắk Lắk ra văn bản chỉ đạo việc lắp đặt, vận hành trạm cân, camera giám sát tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn.
UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu trước khi vận chuyển, xuất bán ra khỏi khu vực bến bãi tập kết phải thực hiện việc cân đo khối lượng qua trạm cân; phải có hóa đơn hoặc phiếu xuất khoáng sản (cát) nguyên khai vận chuyển ra ngoài khu vực bến bãi.
Thực hiện việc nghiệm thu khối lượng khoáng sản khai thác thực tế theo quy định.
Đối với các mỏ khoáng sản có đường đi bên cạnh trạm cân hoặc đường đi khác thì các chủ mỏ phải lắp đặt hàng rào, barie, biển báo... để đảm bảo 100% các xe ra vào phải đi qua trạm cân để giám sát, thống kê sản lượng khoáng sản khai thác thực…
UBND tỉnh Đắk Lắk giao sở ngành, địa phương, lực lượng công an tăng cường công tác kiểm tra giám sát các chủ mỏ, nhất là việc vận hành trạm cân, camera giám sát của các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn mình quản lý.
"Nếu phát hiện đơn vị nào không cân khoáng sản qua trạm cân theo quy định thì xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để tham mưu UBND tỉnh xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", văn bản yêu cầu.
Khai thác khi chưa đủ điều kiện do áp lực tiến độ?
Ông Phạm Xuân Thùy - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần 484 - thừa nhận công ty đã thực hiện việc khai thác cát từ tháng 5-2024 đến nay, trong khi nhiều thủ tục chưa hoàn thiện. Ông nói việc vi phạm là do áp lực tiến độ của dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Theo đó, công ty này đã gửi công văn xin điều chỉnh phương tiện tàu hút cát bằng bè có thiết bị hút cát tại chỗ; chỉ lắp 1 trạm cân trên đường tỉnh lộ; lập các bãi tập kết tạm, trên đất nông nghiệp đã thỏa thuận với người dân...
Còn ông Lê Văn Long - chủ tịch UBND huyện Krông Bông - nói doanh nghiệp có vi phạm trong khai thác cát nhưng vì đây là mỏ đặc thù phục vụ cho dự án đường cao tốc.
"Một mặt chúng tôi phải thực hiện đúng quy định về khai thác khoáng sản, mặt khác lại bị áp lực chỉ đạo về tiến độ cao tốc từ cấp trên nên rất khó", ông Long nói.
Một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết đã giao ngành chức năng, địa phương có tham mưu, đưa ra hướng xử lý. Tuy nhiên vị này cho rằng doanh nghiệp nào cũng phải làm đúng quy định của pháp luật, văn bản hướng dẫn của bộ ngành trung ương, địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận