26/03/2014 07:50 GMT+7

Cam kết siết chặt an ninh hạt nhân

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Tại NSS-3, hôm qua Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu trước các nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao 53 quốc gia và năm tổ chức quốc tế, trong đó bao gồm nguyên thủ các cường quốc hạt nhân thế giới.

5gd8qzvL.jpg
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 24-3 tại The Hague (Hà Lan) - Ảnh: TTXVN

Thủ tướng nhấn mạnh nhận thức trách nhiệm chính trong việc bảo đảm an ninh hạt nhân là của từng quốc gia.

Đánh giá cao vai trò của IAEA

"Chúng ta cần đảm bảo rằng các nước xem vũ khí hạt nhân như trách nhiệm chứ không phải tài sản"

Tổng thư ký LHQBAN KI MOON

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết VN đã từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp về an ninh hạt nhân, bảo đảm kiểm soát an ninh hầu hết các nguồn phóng xạ cường độ cao, bắt đầu triển khai các biện pháp kiểm soát xuất nhập khẩu nguồn phóng xạ tại một số sân bay và cảng biển. VN cũng đã đào tạo đội ngũ cán bộ và xây dựng văn hóa an ninh cho các cơ quan liên quan, đồng thời tích cực tham gia các công cụ pháp lý và các sáng kiến quốc tế liên quan đến an ninh hạt nhân.

Thủ tướng đánh giá cao vai trò trung tâm của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong cấu trúc an ninh hạt nhân quốc tế. VN đã đóng góp tích cực vào các hoạt động của IAEA, cũng như đã sử dụng hiệu quả các trợ giúp của IAEA về an ninh hạt nhân. “Trên cương vị thành viên và là chủ tịch Hội đồng thống đốc IAEA nhiệm kỳ 2013-2014, VN sẽ nỗ lực hết sức mình để cùng các đối tác đóng góp tích cực cho việc bảo đảm an ninh hạt nhân trên toàn cầu” - Thủ tướng phát biểu. Thủ tướng nêu rõ sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân là mục tiêu chung nhân loại đang hướng tới, theo TTXVN.

Điểm sáng từ các cam kết

Hãng tin AP cho biết 35 quốc gia tại NSS-3 đã ký cam kết siết chặt an ninh hạt nhân bằng nỗ lực đưa các quy định quốc tế trở thành luật quốc gia về an ninh hạt nhân. Đây được đánh giá là điểm sáng nhất trong hai ngày hội nghị.

Theo sáng kiến được Hà Lan, Mỹ và Hàn Quốc thúc đẩy, các nước cũng sẽ mở cửa cho hoạt động đánh giá độc lập đối với các tiến trình an ninh quốc gia, một bước tiến lớn hướng đến việc tạo ra một khung luật quốc tế nhằm ngăn chặn khủng bố chạm tay vào các vật liệu hạt nhân. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng cần mở rộng hơn nữa sáng kiến này. “Chúng ta cần khiến số thành viên còn lại của hội nghị ký vào nó” - chuyên gia Miles Pomper, thuộc Trung tâm nghiên cứu về không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt James Martin, bình luận.

Để lấy tinh thần trước Hội nghị NSS-3 vốn bị bao phủ bởi cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ và Nhật Bản đã công bố thỏa thuận về việc Washington sẽ hỗ trợ Tokyo giải trừ hàng trăm ký nguyên liệu hạt nhân trên lãnh thổ Nhật Bản. Số nguyên liệu, gồm uranium làm giàu và plutonium, được chuyển cho Tokyo từ thập niên 1960 cho mục đích nghiên cứu. Trước đó, Trung Quốc đã phản ứng dữ dội khi nghe tin Nhật Bản từ chối trả số nguyên liệu hạt nhân ở cấp độ vũ khí này về cho Mỹ. Một số điểm nhấn khác của hội nghị gồm thỏa thuận giữa Bỉ và Ý về việc giảm kho vật liệu hạt nhân và tuyên bố chung giữa Chile, CH Czech, Đan Mạch, Gruzia, Hungary, Mexico, Hàn Quốc, Romania, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và VN về việc giải trừ uranium làm giàu.

Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon cảnh báo các lãnh đạo thế giới rằng cuộc khủng hoảng tại Ukraine có thể tác động sâu sắc đến nỗ lực ngăn chặn bom hạt nhân và đe dọa Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Reuters dẫn lời ông Ban lo ngại căng thẳng ở Ukraine có thể khiến một số nước do dự hơn trong việc từ bỏ vũ khí hạt nhân, hay thậm chí khuyến khích một số khác theo đuổi năng lực hạt nhân. Theo ông Ban, những bảo đảm an ninh là điều kiện cần thiết để Ukraine gia nhập NPT cách đây hai thập kỷ. Tuy nhiên, niềm tin vào những đảm bảo an ninh này đã bị hủy hoại nghiêm trọng bởi các sự kiện gần đây.

Đề nghị Mỹ sớm công nhận quy chế thị trường với VN

Trước phiên hội nghị NSS-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp xúc với nguyên thủ các nước tham dự hội nghị, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon, Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov...

Tại cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quyết tâm của VN cùng Mỹ và các thành viên sớm kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) theo tinh thần quan tâm thỏa đáng đến lợi ích và sự chênh lệch về trình độ phát triển. Thủ tướng cũng đề nghị Mỹ quan tâm tới các lợi ích của VN và hỗ trợ VN trong đàm phán, đề nghị Washington sớm công nhận quy chế thị trường với VN. Tổng thống Obama cam kết mở cửa thị trường cho hàng dệt may, da giày, nông thủy sản... của VN và ông cũng hứa sẽ sớm thăm VN.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên