Trong những năm gần đây, Tổ chức Động vật châu Á và Hội Đông y Việt Nam hợp tác triển khai rất nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu tối đa việc sử dụng mật gấu trong đông y thông qua các hoạt động cụ thể như: nghiên cứu, xuất bản và phát hành miễn phí cuốn sách “Những cây thuốc vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu”; phối hợp tuyên truyền giới thiệu, phổ biến cây thuốc, vị thuốc đông y có tác dụng tương đồng với mật gấu…
Vào năm 2012, khảo sát thực hiện bởi Trung ương Hội Đông y và Tổ chức Động vật châu Á với các thầy thuốc đông y đã cho thấy, có 17% thầy thuốc thừa nhận có dùng mật gấu, 23% trong số được khảo sát từ chối trả lời câu hỏi này.
Năm 2014, hai đơn vị đã phát động cuộc thi đua kêu gọi sự ủng hộ và đồng thuận của các thầy thuốc, lương y, bác sĩ đông y trên toàn quốc cam kết không sử dụng, kê đơn có sử dụng mật gấu và các sản phẩm từ gấu nhằm góp phần bảo tồn loài động vật quý hiếm này, đồng thời duy trì phát triển bền vững các cây thuốc nam của đất nước.
Thầy thuốc Nhân dân Trần Văn Bản, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đã hợp tác với Tổ chức Động vật châu Á từ năm 2010 để giới thiệu các thảo dược có tác dụng tương đồng có thể thay thế cho mật gấu tới các cán bộ, hội viên đông y và nhân dân áp dụng. Thông qua việc tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, Hội Đông y Việt Nam cam kết hướng đến việc không còn thầy thuốc, hội viên đông y sử dụng và kê đơn mật gấu vào năm 2020”.
Thực tế trong công tác bảo tồn gấu cho thấy, số lượng gấu đang bị nuôi nhốt - nguồn cung mật gấu đang giảm rõ rệt. Chỉ tính riêng năm 2014, số lượng gấu trong các trang trại đã giảm xuống chỉ còn 1.402 từ hơn 4.000 cá thể được nuôi nhốt vào năm 2005.
Nhu cầu sử dụng mật gấu đã thoái trào, cộng với sự phối hợp tuyên truyền, vận động của nhiều đơn vị, bằng nhiều hình thức như chương trình hợp tác với Hội Đông y Việt Nam, Tổ chức Động vật châu Á tin tưởng rằng, năm 2020 cũng là dấu mốc chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu lấy mật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận