Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn nằm ở Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Cụ thể, theo ông Trần Quang Chiểu (đại biểu tỉnh Nam Định), ưu đãi thuế nhập khẩu 7% cho dự án theo cơ chế bảo lãnh Chính phủ khiến quốc gia phải trả thêm cho nhà đầu tư số tiền lớn, chưa kể các vi phạm khác trong ưu đãi trái với quy định pháp luật tại thời điểm ký kết đã được các đại biểu nêu ra tại kỳ họp vào tháng 10-2016.
Đến nay, khi dự án đã đi vào vận hành thương mại, Chính phủ vẫn đang tìm phương án nguồn tiền để thực hiện theo cam kết với nhà đầu tư nhưng chưa khả thi.
Trong khi đó, dự án là cam kết quốc tế nên phải thực hiện. Theo ông Chiểu, việc dùng tiền nhà nước hay trực tiếp là tiền của Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) đều là tiền ngân sách, là tiền thuế của dân, sẽ tạo gánh nặng cho ngân sách. Vì vậy, ông Chiểu đề nghị cần phải xử lý nghiêm minh, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan khi có cam kết không đúng quy định, gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước.
Trước đó, tại phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước vào ngày 5-11, ông Chiểu tính toán thiệt hại về kinh tế khi dự án này đi vào vận hành thương mại có thể lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng tùy vào diễn biến giá dầu.
Cụ thể, nếu giá dầu là 50 USD/thùng, số tiền mà quốc gia phải trả thêm cho nhà đầu tư trong 10 năm bắt đầu từ ngày nhà máy vận hành thương mại là 36,73 ngàn tỉ đồng. Nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng, Việt Nam phải trả thêm 47,87 ngàn tỉ đồng/năm và con số này tiếp tục tăng, thậm chí lên 88,1 ngàn tỉ đồng/năm nếu giá dầu ở mức 75 USD/thùng...
Ngoài số tiền thiệt hại nêu trên qua chương trình giám sát của Quốc hội giao cho Ủy ban Tài chính - ngân sách, ông Trần Quang Chiểu cho rằng còn ba ưu đãi trái quy định pháp luật tại thời điểm ký kết. Đó là việc áp dụng thuế suất 10% thuế thu nhập doanh nghiệp cho toàn bộ đời của dự án; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho cán bộ, nhân viên làm việc tại Khu kinh tế Nghi Sơn; cam kết bao tiêu 100% lượng xăng dầu từ nhà máy.
"Với ba cam kết như trên, đến nay chưa có cơ quan nào tính toán cụ thể số tiền thiệt hại thêm cho ngân sách quốc gia là bao nhiêu nhưng chắc chắn không nhỏ, thậm chí là hàng chục ngàn tỉ đồng. Cộng với số tiền phải thực hiện cam kết ưu đãi thuế nhập khẩu ba năm 7%, số tiền thiệt hại cho ngân sách quốc gia sẽ rất lớn. Phải chăng đây là vụ việc gây thiệt hại kinh tế cho quốc gia lớn nhất từ trước đến nay hay không?" - ông Chiểu đặt câu hỏi.
Cũng theo ông Chiểu, sau khi nhà đầu tư từ chối đàm phán thảo luận lại các điều khoản đã cam kết, Chính phủ đang phải tích cực tìm nguồn thực hiện theo thỏa thuận nhưng vẫn chưa đưa ra được phương án tối ưu.
"Số tiền gọi là ưu đãi cho nhà đầu tư này sẽ được cấp trực tiếp từ ngân sách nhà nước hay gián tiếp thông qua PVN đều là gánh nặng đối với ngân sách quốc gia, tức là thuế của 100 triệu người dân hôm nay và con cháu chúng ta mai sau" - ông Chiểu khẳng định, đồng thời đề nghị cần sớm có câu trả lời công khai, trách nhiệm từ cơ quan chức năng.
Quá nhiều cam kết bất lợi
Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn là liên doanh có tổng vốn đầu tư 9 tỉ USD, công suất 10 triệu tấn dầu/năm, đã chính thức đi vào vận hành thương mại từ tháng 12-2018. Chủ đầu tư gồm PVN với hơn 25% vốn, còn lại là các nhà đầu tư nước ngoài như Công ty Dầu hỏa Kuwait quốc tế và Công ty Idemitsu Kosan…
Theo thỏa thuận của liên doanh, Nghi Sơn không những được bán với giá bán buôn các sản phẩm tại cổng nhà máy bằng giá nhập khẩu mà còn được cộng thêm vào giá bán 7% với xăng dầu, 3% với hóa dầu… Đặc biệt, trong 10 năm, nếu VN giảm thuế nhập khẩu xuống mức thấp hơn ưu đãi, PVN sẽ có trách nhiệm bù cho số tiền chênh lệch trên, với số tiền được tính toán lên tới hàng tỉ USD nhưng đến nay vẫn chưa rõ phương án xử lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận