Chương trình được báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Herbalife Việt Nam vào chiều 18-6 tại sân khấu đường Lê Lợi (quận 1, TP.HCM).
Ba nhân vật chính của chương trình là các VĐV Nguyễn Thị Oanh, Trần Mai Ngọc và Bou Samnang. Nhưng hình ảnh được trình chiếu đầu tiên trong buổi lễ trao giải lại là về VĐV John Stephen Akhwari người Tanzania.
Tôn vinh giá trị cơ bản của thể thao
Hãy lắng nghe câu chuyện của Akhwari để hiểu một cách đúng đắn nhất về ý nghĩa mà chương trình Cảm hứng SEA Games 32 hướng tới. Tại Olympic 1968 diễn ra ở Mexico, Akhwari là một trong 75 VĐV tham dự nội dung marathon. Chung cuộc có 18 người bỏ cuộc, và chỉ 57 người về đích. Akhwari chính là người thứ 57 trong số đó.
Akhwari lẽ ra đã có thể thi đấu tốt hơn. Nhưng anh chưa từng trải qua việc thi đấu ở độ cao như vậy. Và khi đến km thứ 19, anh ngã gục, dẫn đến bị chấn thương nặng ở gối và vai. Dẫu vậy, Akhwari vẫn lê bước chân về đích trong sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả.
Người chiến thắng cuộc đua là Mamo Wolde, về đích với thời gian 2 giờ 20 phút 26 giây. Còn Akhwari về đích với thời gian 3 giờ 25 phút 27 giây, tận một giờ sau khi Wolde chiến thắng cuộc đua. Thậm chí lúc Akhwari đến đích thì ban tổ chức đã trao giải xong.
Nhưng theo miêu tả của cánh phóng viên, chỉ có một số ít trong hàng chục ngàn CĐV bỏ về. Hầu hết đều nán lại để cổ vũ cho Akhwari và dành sự vỗ tay tán thưởng khi VĐV Tanzania về đích. Trả lời phỏng vấn trước đám đông, Akhwari để lại một câu nói lưu truyền nhiều thế hệ: "Đất nước của tôi không gửi tôi đến đây chỉ để tôi xuất phát. Họ gửi tôi đến để tôi về đích".
Bất kỳ ai cũng có thể liên tưởng dễ dàng giữa câu chuyện của Akhwari và câu chuyện của Bou Samnang. Họ đều là những người về đích cuối cùng trong những cuộc đua. Nhưng không vì thế mà chúng ta có thể chê bai họ. Akhwari lê bước với cơ thể suy kiệt vì chấn thương để cố gắng về đích, còn Samnang cố gạt những giọt lệ buồn bã trong cơn mưa tầm tã để hoàn thành cuộc đua.
Cả hai đều đối mặt với hoàn cảnh khó khăn bất khả kháng. Akhwari chưa từng trải nghiệm môi trường thi đấu với độ cao hơn 2.000m như ở Mexico City. Còn Samnang sa sút sức khỏe vì căn bệnh thiếu hồng huyết cầu... Họ cùng đấu những nội dung rất "khó nhằn", Akhwari ở cự ly 42km (marathon) còn Samnang cự ly 5.000m. Và cả hai đều không bỏ cuộc.
Hai câu chuyện khác nhau về thời điểm, con người, cấp độ thi đấu nhưng đều đưa đến duy nhất một thái độ tiếp nhận từ khán giả. Akhwari được hàng chục ngàn CĐV ở Mexico City ủng hộ nhiệt liệt. Còn những hình ảnh của Samnang tạo nên một làn sóng chia sẻ đầy cảm xúc trên mạng xã hội...
Có rất nhiều chương trình vinh danh các VĐV nhưng tôn chỉ mà Cảm hứng SEA Games 32 hướng đến được khắc họa rõ nét qua câu chuyện của Samnang hay Akhwari. Đó là giá trị cơ bản của thể thao. Không nhất định phải chiến thắng, thể thao cơ bản để giúp con người cải thiện sức khỏe qua từng ngày và cải thiện cả ý chí, nỗ lực vượt khó...
Giá trị thể thao truyền tải là rất lớn
Bạn đọc Hoài Ân, một trong năm tác giả thắng giải cuộc thi viết "SEA Games trong mắt tôi", chia sẻ rằng anh có đến bốn bài báo được đăng trong kỳ SEA Games này. Một trong số đó viết về Nguyễn Thị Oanh, siêu sao có màn trình diễn xuất sắc nhất của đoàn thể thao Việt Nam. Và ba bài còn lại viết về những VĐV vượt qua chấn thương để dự giải, những VĐV luống tuổi, cùng một nữ HLV người Philippines đã phải đưa cô con gái mới 2 tháng tuổi đến sàn đấu để đồng hành cùng đội tuyển.
"Được xem các siêu sao tỏa sáng mang đến cảm xúc rất lớn. Nhưng từ những chi tiết tưởng chừng nhỏ nhặt, người hâm mộ như tôi cũng cảm thấy xúc động chẳng kém, thậm chí có thể là hơn thế nữa. Điều đó cho thấy giá trị mà thể thao truyền tải là rất lớn. Không cần phải quá tầm vóc, quá vĩ mô, bất kỳ một nỗ lực vượt khó nào khi được thể hiện trên sân đấu cũng khiến khán giả phải trầm trồ thán phục. Chương trình mà báo Tuổi Trẻ tổ chức vì vậy rất giàu ý nghĩa khi hướng đến những giá trị cơ bản này", độc giả Hoài Ân chia sẻ.
Có hàng chục, hàng trăm hay thậm chí là hàng ngàn những câu chuyện như vậy tồn tại trong một kỳ đại hội thể thao. Nhưng những gì phóng viên Tuổi Trẻ có thể ghi nhận cần giới hạn trong số lượng nhất định để độc giả bầu chọn. Và ba cái tên sau cùng được chọn ra cho cuộc thi "Đi tìm nhân vật truyền cảm hứng ở SEA Games 32" là Nguyễn Thị Oanh, Trần Mai Ngọc và Bou Samnang. Trong buổi lễ trao giải, ban tổ chức còn dành ra hai cuộc giao lưu cho độc giả, một cuộc giao lưu với thầy trò Vũ Mạnh Cường - Trần Mai Ngọc và một với Nguyễn Thị Oanh - Bou Samnang.
Hy sinh ngậm ngùi
Không ít độc giả trong buổi giao lưu cũng ngậm ngùi khi chứng kiến những giọt nước mắt của bà Ngô Thị Diễm Huyền, mẹ VĐV Trần Mai Ngọc. Làm công nhân may ở Bình Dương, bà Diễm Huyền phải khá vất vả mới có thể thu xếp thời gian và công việc để lên Sài Gòn tham dự buổi lễ vinh danh cô con gái tài giỏi.
Và khi được nghe Mai Ngọc, nghe HLV Vũ Mạnh Cường kể lại câu chuyện khi bà một mình đưa hai cô con gái (Mai Ngọc cùng em sinh đôi Trần Ngọc Ngà) ra Hà Nội tập bóng bàn 11 năm trước, bà Huyền đã bật khóc. Sau 11 năm sống xa nhà, Mai Ngọc ngày nay quên mất cả giọng nói miền Nam từ gia đình - một sự hy sinh ngậm ngùi mà không phải ai cũng có thể biết được.
Sân đấu thể thao thường được ví như một xã hội thu nhỏ. Ở đó có tất cả những câu chuyện tích cực, tiêu cực, đủ những vui buồn, hạnh phúc... Nhưng khi chúng ta nhìn SEA Games với góc độ mà chương trình Cảm hứng SEA Games 32 hướng đến, chúng ta sẽ nhìn ra từ đó những câu chuyện nhân văn, những tấm gương tích cực...
Đó có thể là chiến thắng tuyệt đối của Nguyễn Thị Oanh, người cũng phải vượt qua căn bệnh thận ở tuổi chưa đến đôi mươi. Là hành trình vượt qua cái nghèo cái khổ, và cả những nỗi nhớ gia đình của Mai Ngọc để đến thành công. Hay đơn giản là nghị lực hoàn thành cuộc đua của Bou Samnang... Tất cả đều có thể tạo thành một nguồn cảm hứng cho người hâm mộ, để tất cả cùng xách giày ra đường chạy và bắt đầu quá trình tập luyện với thái độ không bỏ cuộc!
1.000 bài dự cuộc thi "SEA Games trong mắt tôi"
Ngoài cuộc thi "Nhân vật truyền cảm hứng tại SEA Games 32" dành cho VĐV, chương trình Cảm hứng SEA Games 32 còn có cuộc thi "SEA Games trong mắt tôi" dành cho bạn đọc. Cuộc thi đã thu hút hơn 1.000 bài dự thi, với những nhân vật được nhắc đến nhiều nhất là Nguyễn Thị Oanh, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam cùng HLV Mai Đức Chung...
Các bài viết đoạt giải là Sự tận tâm sau ánh hào quang (Đông Phương), Điều con chưa kể (Nguyễn Thị Hạnh Dung), Cảm ơn em, Bou Samnang! (Tạ Tư Vũ), Lấp lánh tấm huy chương (Phan Quốc Cường), Những bà mẹ vĩ đại (Hoài Ân). Mỗi bài viết đoạt giải nhận được phần thưởng là 5 triệu đồng.
Nhiều quà tặng bất ngờ
Phần thưởng chương trình Cảm hứng SEA Games 32 trao tặng dành cho các VĐV đoạt giải là 20 triệu đồng mỗi người. Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp đồng cảm với các câu chuyện từ những VĐV truyền cảm hứng SEA Games 32 đã trao tặng nhiều phần quà đến các VĐV đoạt giải: 3 suất tham quan Sơn Đoòng trị giá 3.000 USD của Công ty Oxalis, 1.500 USD cho 3 VĐV của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và quà tặng, hỗ trợ từ các công ty như Biti's, Công ty giày Đông Hải, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Kim Tuyến Beauty Academy...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận