Ngày 1-5, ông Siu Luynh - phó chủ tịch UBND huyện Đức Cơ (Gia Lai) - đã ký văn bản yêu cầu chính quyền xã Ia Dom và các cơ quan chức năng triển khai biện pháp đảm bảo an toàn sau vụ ba người chết đuối trên sông Pô Kô.
UBND huyện Đức Cơ chỉ đạo UBND xã Ia Dom phối hợp cùng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh và lực lượng chức năng xác định các điểm nguy hiểm trên sông Pô Kô. Từ đó, tổ chức cắm các biển cảnh báo, biển nghiêm cấm người dân tắm và tham quan, vui chơi, giải trí cũng như các hoạt động tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn trên sông Pô Kô.
Huyện này cũng yêu cầu các đơn vị bố trí lực lượng hướng dẫn, cảnh báo người dân khi tham gia các hoạt động trên khúc sông này.
Bên cạnh đó, UBND huyện Đức Cơ yêu cầu các cơ quan, đơn vị thông tin tuyên truyền và nghiêm cấm cán bộ công chức, người lao động và người dân tắm sông, vui chơi và tổ chức các hoạt động nguy hiểm trên sông Pô Kô.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, trưa 30-4, trên đoạn sông Pô Kô chảy qua xã Ia Dom xảy ra vụ chết đuối rất nghiêm trọng.
Theo đó, tranh thủ lúc nghỉ lễ, một nhóm người đi dã ngoại tại đoạn sông Pô Kô.
Trong lúc dã ngoại, một người phụ nữ trượt chân ngã xuống sông, hai người đàn ông lần lượt nhảy xuống ứng cứu nhưng cả ba đều chết đuối.
Danh tính ba nạn nhân được xác định là: bà L.T.T. (công tác tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Cơ), ông N.V.V. (công tác tại đội cảnh sát giao thông Công an huyện Đức Cơ) và ông L.K.L. (người dân ở TP Pleiku, Gia Lai).
Chưa đầy 10 ngày, 7 người đuối nước ở Quy Nhơn, chính quyền cảnh báo khẩn
Trong vòng chưa đầy 10 ngày đã xảy ra 3 vụ với 7 người đuối nước (trong đó có 1 người chết) tại vùng biển TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Chiều 1-5, ông Ngô Hoàng Nam - chủ tịch UBND TP Quy Nhơn - cho biết thành phố đã có khuyến cáo khẩn đối với người dân, du khách tắm biển Quy Nhơn sau khi ở vùng biển này liên tục xảy ra các vụ đuối nước trong gần 10 ngày qua.
Ông Nam cho hay đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Môi trường Bình Định bố trí lực lượng cứu hộ có mặt thường xuyên tại các trạm cứu hộ dọc bãi biển. Sau 18h30 hằng ngày, đội cứu hộ sẽ yêu cầu tất cả người dân và du khách lên bờ.
"Mọi người cần tuân thủ biển cảnh báo và nghe theo hướng dẫn của lực lượng cứu hộ. Nếu có sóng lớn, người dân và du khách không nên bơi ra xa để đảm bảo an toàn", ông Nam khuyến cáo.
Theo lực lượng cứu hộ bờ biển Quy Nhơn, chưa đầy 10 ngày qua đã xảy ra 3 vụ với 7 người đuối nước ở vùng biển này.
Cụ thể, lúc 17h40 ngày 20-4, đội cứu hộ bãi biển đã cứu hai cha con bị đuối nước là ông V.M.Q. (48 tuổi) và cháu V.T.N. (11 tuổi, ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) khi đang tắm biển tại khu vực trước số nhà 360 đường Xuân Diệu.
Tiếp đó, khoảng 16h45 chiều 21-4, đội cứu hộ bờ biển đã kịp thời phát hiện và cùng người dân cứu hai người bị đuối nước khi tắm biển gần khu vực khách sạn Hải Âu, gồm em N.H.V. (16 tuổi) và P.T.A.M. (15 tuổi, trú phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn).
Vào chiều 27-4, tại khu vực biển Quy Nhơn đoạn gần khách sạn Bình Dương, lực lượng cứu hộ cũng đã phát hiện và cứu một trường hợp bị đuối nước, đưa nạn nhân cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định.
Tuy nhiên, nạn nhân là anh L.N.T. (38 tuổi, du khách đến từ tỉnh Sơn La) đã không qua khỏi.
Theo các nhân viên cứu hộ, do gió giật mạnh khiến sóng biển hỗn loạn, khi người dân và du khách ra xa bờ sẽ bị sóng đánh vào liên tục không thể chống cự và dễ đuối nước. Những trường hợp bị đuối nước là do bơi ra xa và bị sóng cuốn vào vùng nguy hiểm.
Theo ông Nguyễn Tấn Nghĩa - chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Môi trường Bình Định - mùa này biển Quy Nhơn có gió nồm mạnh khiến biển có sóng lớn do gió giật.
Hiện nay công ty có 8 trạm cứu hộ dọc bãi biển Quy Nhơn (đoạn từ Mũi Tấn đến phường Ghềnh Ráng), thời gian trực từ 4h30 - 8h30 và 15h - 18h.
"Người dân và du khách cần thận trọng trong khi tắm biển. Tại các khu vực biển nguy hiểm, chúng tôi đã cắm biển cảnh báo, bà con phải tuân thủ, không nên xuống tắm ở những khu vực này", ông Nghĩa nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận