Thầy Nguyễn Tùng Lâm |
* Thầy Nguyễn Tùng Lâm (hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội):
Không đáp lại bằng phản ứng tức thời
"Những hành vi thô bạo gây tổn thương học sinh đều chỉ dẫn đến sự thất bại trong việc giáo dục" Thầy Nguyễn Tùng Lâm |
Nhiều người vẫn nghĩ Trường Đinh Tiên Hoàng là nơi có nhiều học sinh hư, cá biệt. Thực tế ngoài những học sinh được tuyển đầu vào lớp 10, đúng là có khá nhiều học sinh có cá tính đặc biệt được chuyển tới từ trường khác. Bởi thế công tác quản lý học sinh của chúng tôi luôn được đặt ra như một nhiệm vụ quan trọng song song với việc dạy kiến thức văn hóa.
Việc tiếp nhận, giáo dục và thường xuyên phải xử lý nhiều tình huống khác nhau liên quan tới học sinh đã đúc kết cho tôi những nguyên tắc chung.
Thứ nhất, không bao giờ áp đặt mong muốn của người lớn, mà ở đây là các thầy cô giáo, vào học sinh một cách cứng nhắc. Vì nếu làm như vậy các em có thể tuân theo nhưng thực chất không phục, không tự nguyện, chống đối ngầm... Trái lại cần tìm hiểu, lắng nghe và thể hiện cho học sinh thấy các em đang được chia sẻ, tôn trọng, việc tiếp cận của người thầy đầy thiện chí và sẵn lòng giúp đỡ các em.
Thứ hai, khi xảy ra một sự việc liên quan tới hành vi của những học sinh có cá tính nổi trội, người thầy không đáp lại bằng phản ứng tức thời, không tạo ra xung đột, phân thắng thua giữa thầy với trò mà cần tạo một “khoảng lặng” cho các em học sinh có cơ hội, thời gian bình tĩnh, nhìn nhận, tự đánh giá.
Thứ ba, cần nhận thức đúng về việc người lớn không phải lúc nào cũng đúng. Bởi vậy, người lớn cũng cần kiểm soát, tự nhìn nhận hành vi của mình.
Các em học sinh khi làm sai cũng cần phải có thói quen chịu trách nhiệm về những điều mình đã làm. Việc quy định hình phạt đối với học sinh có việc làm sai là điều chúng ta cần nghiên cứu. Tôi nghĩ có rất nhiều cách phạt tích cực như đề nghị học sinh khắc phục hậu quả do các em gây ra, phạt bằng các hình thức lao động, cũng có thể đồng ý để học sinh phải thực hiện một việc làm tốt khác để bù lại điều các em mắc lỗi... Nhưng trong khi đề ra các hình phạt cũng cần phải đảm bảo nguyên tắc không sỉ nhục, xúc phạm và xâm phạm thân thể, tinh thần học sinh. Phải làm sao để các em thực hiện hình phạt tự nguyện sau khi nhận ra cái sai của mình.
Cô Trương Vy Việt Huyền và các học trò ở Trường THPT Thủ Đức - Ảnh: M.H. |
* Cô Trương Vy Việt Huyền (giáo viên môn hóa Trường THPT Thủ Đức, TP.HCM):
Trong giáo dục không thể dùng nắm đấm
Sau nhiều năm làm công tác chủ nhiệm và gặp nhiều trường hợp học sinh cá biệt khác nhau, tôi nhận ra rằng trong quá trình giáo dục, không thể dùng nắm đấm.
Nếu học sinh không thuộc bài hoặc không làm bài, giáo viên cần tìm hiểu tại sao như vậy: do em không hiểu bài, em mất căn bản ở những lớp dưới hay do gia đình em có vấn đề, do em bất mãn một việc gì đó trong lớp, trong trường... Biết được chính xác nguyên nhân rồi sẽ có cách giải quyết phù hợp. Sự tìm hiểu, gần gũi, quan tâm đến học sinh phải thật sự xuất phát từ tình yêu thương của thầy giáo. Khi học sinh nhận biết được tình cảm đó thì việc giáo dục các em sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Nói như thế không phải lúc nào tôi cũng thành công trong việc giáo dục học sinh cá biệt. Nhất là trong thời đại như hiện nay, tinh thần tôn sư trọng đạo đã không còn được như ngày xưa, chưa kể một số phụ huynh không muốn phối hợp với nhà trường để giáo dục con mà khư khư bênh vực con em mình. Hồi mới ra trường tôi đã từng thất bại khi quá nóng nảy, khi chưa có kinh nghiệm để giải quyết vấn đề nên có những lời nói, hành động thiếu tế nhị. Lúc đó, tôi cứ nghĩ rằng mình là giáo viên thì các em phải nghe lời. Thực tế không phải như vậy.
Học sinh lứa tuổi THPT tự ái rất cao, các em luôn nghĩ mình đã là người lớn. Vì vậy thầy cô giáo phải tôn trọng các em, không thể tùy tiện la mắng các em trước mặt các bạn cùng lớp, cùng trường. Người thầy cư xử làm sao mà để học sinh của mình mắc cỡ với bạn bè rồi dẫn đến bất mãn thì các em sẽ chống trả quyết liệt, không thể giáo dục được.
Tóm lại, tôi vẫn cho rằng giáo viên cần gần gũi, yêu thương học sinh để hiểu các em hơn, sẵn sàng bỏ qua những lỗi lầm để uốn nắn từ từ, giáo dục các em trở thành người tốt.
* Cô Trần Thị Hải Yến (phụ trách công tác quản lý học sinh Trường THCS Alpha, Hà Nội): Không có học sinh nào là cá biệt Việc phân loại học sinh bình thường và học sinh cá biệt là cách làm không nên trong nhà trường hiện nay. Khi đảm nhiệm vai trò quản lý học sinh ở Trường THCS Alpha, tôi cũng thống nhất với các thầy cô giáo rằng “ở đây không có học sinh cá biệt, mọi cá tính của các em đều cần được tôn trọng, yêu thương”. Trong chương trình dạy giá trị sống cho học sinh, giá trị tôi muốn các em biết đến đầu tiên là sự yêu thương. Học sinh của tôi khi vào trường sẽ được cho biết “trong ba tháng đầu, các em được quyền mắc lỗi”. Nhiều người sợ tuyên bố như thế học sinh sẽ hư hơn, nhưng tôi không lo điều đó. Các em vấp váp, chúng tôi nhận thấy những điểm yếu, những điều cần căn chỉnh và cho các em cơ hội thay đổi... Nếu tự các em biết được cái mình từng làm là không đúng, nhưng các em không bị xúc phạm mà trái lại được khích lệ, tin tưởng, tôi tin rằng các em sẽ thay đổi. Bọn trẻ sẽ không đáp lại sự yêu thương, tôn trọng bằng việc tái phạm lỗi lầm. |
* Đỗ Hoàng Minh Phú (học sinh Trường THPT tư thục Thái Bình, TP.HCM khóa 2011-2013, hiện là sinh viên năm I Học viện Ngoại giao): Tôi là người may mắn Hồi năm lớp 10, mới đầu tôi học ở một trường THPT công lập trên địa bàn TP.HCM nhưng hay nghỉ học, rồi bỏ nhà đi chơi... Thế nên cả gia đình tôi và nhà trường đều thống nhất cho tôi nghỉ ở nhà một năm. Năm sau, bà nội xin cho tôi học lại lớp 10 ở Trường THPT tư thục Thái Bình. Lúc ấy tôi chán lắm, không muốn học nên ương ngạnh, quậy phá không coi ai ra gì. Không chỉ đánh nhau, có lần tôi còn trèo tường ra ngoài đi chơi từ sáng đến tối. Khi quay trở lại trường, tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần bị mắng mỏ, bị đuổi học. Nhưng không, các thầy cô đã rất nhẹ nhàng hỏi chuyện tôi: làm cách nào mà ra khỏi trường được? Thế rồi sau đó tôi được các thầy cô quan tâm nhiều hơn, nhất là thầy chủ nhiệm Trần Văn Nhân. Thầy thường tìm cách tâm sự với tôi, gần gũi tôi như một người cha vậy. Hồi đó tôi chỉ học hành làng nhàng, cứ vào tiết là tìm cách quậy để không phải học. Các thầy cô đã áp dụng nhiều biện pháp: cho ra trước cửa đứng, cho lên phòng thầy Lợi (phó hiệu trưởng nhà trường - PV) uống nước... Trong đó tôi sợ nhất là phải lên phòng thầy Lợi. Khi gặp tôi, thầy hỏi chuyện vui vẻ chứ không bao giờ đánh đập nhưng tôi rất ngại phải đối mặt với thầy. Sự thay đổi tích cực của tôi sau đó bắt nguồn từ nhiều yếu tố: do tôi nhận ra trách nhiệm của mình, tôi tìm ra được mục tiêu cần phấn đấu, cố gắng để không phụ lòng các thầy cô. Bây giờ ngồi nghĩ lại, tôi thấy mình thật may mắn. Ngày xưa, nếu nhà trường đuổi học hoặc thầy cô chửi mắng tôi, tôi sẽ bất cần, sẵn sàng ra đường mà không cần nghĩ đến điều gì khác nữa. * Nguyễn Thanh Huỳnh (học sinh lớp 11A11 Trường THPT Marie Curie, TP.HCM): Thích nhẹ nhàng Trên thực tế, ở nhiều trường trung học có những tình huống thầy cô đã trách sai, trách oan. Khổ nỗi là có thầy cô không chịu nghe học sinh giải thích. Thậm chí có trường hợp học sinh càng phân bua càng bị phạt nhiều hơn. “Người trong cuộc” cũng ấm ức, không biết nói với ai, chỉ có thể tâm sự với bạn bè. Và bao giờ câu an ủi của các bạn cùng lứa cũng sẽ là: “Thôi bỏ đi, thầy cô mà!”. Chẳng lẽ cứ thầy cô là thích nói gì thì nói, thích mắng ai là mắng sao? Có lẽ tâm lý của học sinh chúng tôi đứa nào cũng giống nhau: thích được thầy cô đối xử, nói năng nhẹ nhàng, ngọt ngào với mình. Nếu học sinh có gì sai, thầy cô hãy gặp riêng và dịu dàng khuyên nhủ, chứ nếu la mắng trước lớp thì “quê” với tụi bạn lắm. Chưa kể có bạn rất cá tính, thầy cô mà la mắng hoài bạn ấy bực là bỏ ngoài tai, không chịu thay đổi gì hết. Thậm chí có trường hợp bạn ấy còn ghét thầy cô đó luôn. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận