10/05/2017 08:42 GMT+7

Cấm hãng bia khuyến mãi, tài trợ, quảng cáo... có khả thi?

MINH NGỌC
MINH NGỌC

TTO - Nhiều ý kiến nhận định dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia cấm nhiều quá, đề nghị phải tìm ra giải pháp hạn chế có tính thuyết phục và hiệu quả cao hơn.

Hàng loạt hoạt động thể dục thể thao, các chương trình xã hội có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi quy định của dự thảo luật này.

Đám cưới, lễ hội không có rượu bia

Theo dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia mới nhất, Bộ Y tế quy định hàng loạt biện pháp cấm đoán như: nghiêm cấm khuyến mãi rượu, bia trực tiếp cho người tiêu dùng dưới mọi hình thức; cấm quảng cáo, giới thiệu sản phẩm dưới mọi hình thức với rượu bia trên 15 độ.

Với bia rượu dưới 15 độ, cấm quảng cáo trên các phương tiện giao thông, công trình công cộng, phương tiện quảng cáo ngoài trời...

Đặc biệt, trong dự thảo có đề xuất cấm doanh nghiệp rượu bia tài trợ các hoạt động, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, y tế, thể dục thể thao... Không được bán rượu bia tại một số địa điểm như cơ sở y tế, giáo dục, nơi làm việc của cơ quan.

Thậm chí dự luật định hướng có quy định để hạn chế, không uống rượu bia trong đám cưới, lễ hội...

Theo ông Nguyễn Văn Việt - chủ tịch Hiệp hội Bia rượu - nước giải khát VN (VBA), đề xuất nghiêm cấm quảng cáo rượu bia từ 15 độ trở lên và việc ghép chung rượu bia là chưa chính xác. Dự thảo nêu ra khuyến cáo của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là kiểm soát tiếp thị, quảng cáo nhưng lại quy định nghiêm cấm tất cả, không theo đối tượng cũng như cách thức hoạt động.

Ông Việt cho biết kinh nghiệm của nhiều quốc gia là việc cấm quảng cáo không có tác dụng giảm mức tiêu thụ. Nhiều nước cấm rượu mạnh, còn với bia và rượu nhẹ chỉ hạn chế về thời gian, địa điểm và nội dung quảng cáo.

Do vậy, ông Việt cho rằng dự thảo lại đưa ra giải pháp nghiêm cấm tất cả hoạt động quảng cáo, khuyến mãi cũng như thực hiện những hoạt động tài trợ với các sản phẩm rượu bia là không phù hợp.

Theo một đại diện của Ủy ban Tài chính - ngân sách (đề nghị không nêu tên), những hành vi nghiêm cấm như trên cũng không phù hợp với quy định của Luật quảng cáo, Luật thuế...

“Đề xuất này có nhiều nội dung chưa rõ ràng, khó hiểu” - vị này nói và đánh giá dự thảo luật phần nhiều là các quy định mang tính “cấm đoán”, trong khi những chính sách để tăng cường tuyên truyền, giáo dục lại ít được đưa vào.

*** Error ***
Nhiều hoạt động văn hóa có tài trợ của hãng bia có thể bị dừng lại - Ảnh: PV

Sao cấm tài trợ học bổng, xây nhà tình thương?

Ông Matf Wilson, giám đốc ngoại vụ cấp cao của Heineken, cho rằng nếu không thực hiện các chương trình quảng cáo sẽ khiến người tiêu dùng khó có thể nhận thức đầy đủ về chất lượng sản phẩm để lựa chọn phù hợp.

Đáng lo ngại hơn là cấm quảng cáo có thể dẫn tới cạnh tranh về giá, tức là các doanh nghiệp đua nhau giảm giá và có thể dẫn tới những hành vi có hại hơn, làm gia tăng việc lạm dụng đồ uống có cồn.

Luật quảng cáo 2012 đã yêu cầu thành lập hội đồng thẩm định quảng cáo và xây dựng quy tắc ứng xử nghề nghiệp. Do đó, việc tiếp thị quảng cáo các sản phẩm bia sẽ phải tuân thủ theo những nguyên tắc này, đảm bảo tính lành mạnh thị trường.

Do đó, đại diện Heineken cho rằng chỉ nên tập trung vào việc cấm những hành vi quảng cáo gây hại như nhắm đến đối tượng vị thành niên, khuyến khích việc uống quá mức kiểm soát hoặc gắn ghép việc sử dụng thức uống có cồn với lái xe, các hành vi nguy hiểm, bạo lực.

Một lãnh đạo doanh nghiệp cổ phần lớn của ngành bia VN băn khoăn sao lại cấm quá mức như vậy. Bởi nếu cấm đoán như trên, hàng loạt hoạt động tài trợ, kể cả việc cấp học bổng cho trẻ em nghèo, xây nhà tình thương... sẽ bị đình lại.

Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động xã hội, bởi doanh nghiệp ngành bia VN hiện vẫn trong nhóm doanh nghiệp thực hiện tài trợ nhiều nhất.

Chưa hẳn tốt cho người tiêu dùng

Về việc dự thảo luật đưa thêm quy định doanh nghiệp phải nộp quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng bằng “khoản đóng góp bắt buộc” từ 1-2% giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần xem lại.

Ông Ngô Quý Linh, giám đốc đối ngoại và pháp lý của Pernod Ricard VN, lưu ý hiện nay các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rượu bia đang phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất 60% và sẽ tăng lên 65% kể từ ngày 1-1-2018.

Chưa kể theo số liệu của Bộ Y tế và Bộ Công thương, có tới trên 70% sản lượng rượu đưa ra thị trường chưa được kiểm soát, nếu để người tiêu dùng lạm dụng những sản phẩm rượu rẻ tiền sẽ gây những hệ lụy xấu.

GS.TS Phan Thị Kim, chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm, cũng đề nghị thay vì quản lý theo kiểu cấm đoán và tăng thuế, cần có những chính sách để quản lý chất lượng sản phẩm theo hướng đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật chặt chẽ hơn.

Nguyên tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu:

Khó cho các giải thể thao

Nếu cấm doanh nghiệp bia tài trợ cho các giải thể thao thì ngành thể thao sẽ rất khó khăn. Vì tiền đâu mà tổ chức, tiền đâu mà làm trong bối cảnh kêu gọi tài trợ chưa bao giờ dễ dàng. Người ta tham gia hoạt động thể thao hay thi đấu thể thao là để phát triển thể lực, vui chơi lành mạnh, chứ đâu phải để tuyên truyền việc uống bia nhiều nếu giải đấu đó do doanh nghiệp bia tài trợ. Uống bia hay không là do mỗi người quyết định, chứ đâu phải vì nghe quảng cáo ở giải đấu do doanh nghiệp bia tổ chức mà người ta nghe theo, đi uống bia...

Chuyên gia tiếp thị thể thao Trần Văn Nghĩa:

Đừng cấm phần ngọn

Ở nước ngoài người ta làm từ gốc, nghĩa là xử phạt thật nặng người uống rượu bia rồi lái xe hay có hành vi gây rối, chứ không cấm quảng cáo bia. Ở các nước, nhiều giải thể thao đều có quảng cáo bia. Như bia Heineken (Hà Lan) quảng cáo ở giải bóng đá hấp dẫn Champions League hay các giải quần vợt quốc tế, bia Budweiser (Mỹ) quảng cáo ở giải bóng rổ nhà nghề Mỹ, bia Chang (Thái Lan) quảng cáo ở giải ngoại hạng Anh... Ở giải ngoại hạng Anh, người ta thậm chí còn bán bia cho người hâm mộ uống ở khu vực ngoài khán đài.

Không cấm quảng cáo bia, nhưng phần lớn người dân các nước đều chấp hành quy định không lái xe sau khi “quá chén”. Như ở Canada, chẳng ai dám uống hai chai (hoặc lon) bia rồi lái xe. Vì khi cảnh sát đo nồng độ cồn, người lái xe sau khi đã uống bia sẽ bị phạt rất nặng, cụ thể là bị treo bằng lái xe 5 năm. Phạt nặng như vậy, ai mà dám “quá chén”? Nếu vui quá uống nhiều, tất cả đều tự giác nhờ vợ chở về hoặc đi phương tiện công cộng.

Còn ở VN, chúng ta chỉ đang cấm đoán mang tính xử lý phần ngọn. Thấy người dân uống bia rượu nhiều thì cấm, thay vì đưa ra những biện pháp xử lý thật nặng như nước ngoài đang làm để giải quyết phần gốc.

Việc cấm phần ngọn như vậy tôi thấy không chỉ làm mất nguồn thu, mà cũng chẳng đạt được mục tiêu hạn chế bia rượu, thậm chí người Việt còn có xu hướng uống nhiều hơn. Thống kê về lượng bia tiêu thụ tăng cho thấy các giải pháp hạn chế chưa thực sự đi vào cuộc sống.

N.K.

Đề xuất không nhận được sự đồng tình

Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia được đưa ra ngày 15-2-2017 còn có quy định không được bán rượu bia tại các địa điểm như: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em; nơi làm việc của cơ quan, tổ chức...

Tuy nhiên tại cuộc họp về các vấn đề xã hội của Quốc hội ở TP.HCM ngày 28-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu thêm là trong dự thảo đề xuất quảng cáo rượu bia dưới 15 độ trên báo hình, báo nói chỉ được thực hiện từ sau 22h đến 6h sáng hôm sau... Đặc biệt, thông tin về đề xuất không cho bán rượu bia tại quán karaoke đã bị nhiều ý kiến phản đối.

MINH NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên