TTCT - Một trong những đề tài được bàn luận sôi nổi tại Diễn đàn kinh tế thế giới S. Petersburg (SPIEF-21, diễn ra từ ngày 2 đến 5-6) là vấn đề chủ quyền số và những biện pháp đấu tranh giành giữ chủ quyền này. Ảnh: fpri.orgNhững ai theo dõi tài khoản Facebook của kênh truyền hình quốc tế Russia Today (RT), ắt sẽ nhận ra một thay đổi nhỏ gần đây: ngay dưới tên chủ tài khoản RT là dòng chữ “Phương tiện truyền thông do Chính phủ Nga quản lý”. Nhắc nhở đầy dụng ý của Facebook gói trong dòng chữ này giải thích phần nào cuộc chiến giành “chủ quyền số” được đề cập khá nóng tại SPIEF-21.Diễn dịch theo lời của “khổ chủ”, bà Margarita Simonyan, tổng biên tập kênh RT, thì “các công ty tư nhân đang thay đổi quan hệ giữa các nước. Nguồn lực của chúng tôi thường xuyên bị kiểm duyệt và phân biệt đối xử bởi các ông lớn công nghệ thông tin (CNTT) nước ngoài”.Nói về sự kiện này trên tài khoản Instagram của mình ngày 4-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhắc tới việc Twitter khóa tài khoản của Tổng thống Nigeria Muhammad Bukhari 12 tiếng trong ngày 2-6 với lý do ông có “hành vi lạm dụng” khi chỉ trích và dọa trừng phạt những người phân lập.“Con quái vật thông tin, dù rất hấp dẫn, cũng không thể ra lệnh… cho nhà nước cách sống, cách diễn giải các sự kiện lịch sử, xem phim gì và nghe nhạc gì. Nếu không, thay cho tự do ngôn luận sẽ xuất hiện sự độc tài của nền tự do ngôn luận được tư nhân hóa” - Maria Zakharova bình luận.“Thuộc địa kỹ thuật số”Trước khi SPIEF được tổ chức vào tháng 6 này, ngày 14-4-2021, Tòa trọng tài Matxcơva đã đưa ra một phán quyết lịch sử: Tập đoàn Google phải nộp phạt (bắt đầu từ 100.000 rúp trong ngày đầu tiên, sau đó số tiền sẽ tăng dần) hoặc phải khôi phục quyền của kênh truyền hình Nga Tsargrad truy cập vào tài khoản của mình.Đầu đuôi câu chuyện như sau: ngày 28-7-2020, Google đã chặn kênh Tsargrad-TV trên YouTube, ngay sau khi kênh này đạt được 1 triệu người đăng ký. Điều này có nghĩa Google đã áp đặt kiểm duyệt đối với hoạt động của các phương tiện truyền thông Nga trong không gian nói tiếng Nga của Internet. Quyết định của Google được tạo điều kiện bởi việc áp đặt các biện pháp trừng phạt vào ngày 19-12-2014 của Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Hoa Kỳ (OFAC) đối với người sáng lập kênh, Konstantin Malofeev.Sau công bố của Google, nhiều người thắc mắc chẳng lẽ suốt 6 năm qua Google không nhận ra ông Konstantin Malofeev bị Washington trừng phạt? Họ đưa ra hai cách giải thích: (1) Tsargrad-TV bị tấn công do tầm ảnh hưởng của nó bắt đầu lan rộng (số người đăng ký tăng nhanh) và (2) đây là thời điểm mà các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ (Google, Microsoft, Twitter, Amazon, Apple) tăng cường kiểm duyệt trong các khu vực họ kiểm soát, chủ yếu là trên mạng xã hội.Và không chỉ Tsargrad-TV. Gần như đồng thời, các tài khoản YouTube của Hội Tsargrad, của nhà lãnh đạo Phong trào Á - Âu quốc tế, triết gia Alexander Dugin, đã bị xóa mà không có quyền khôi phục. Tài khoản “Crimea 24”, một trong những kênh truyền hình hàng đầu của Crimea, và các cơ quan thông tin Anna News và News Front đã bị xóa. Việc loại bỏ vào tháng 3 năm nay hơn 300 tài khoản có nguồn gốc Nga trên Facebook và Twitter cũng không phải ngẫu nhiên trong bối cảnh này. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới S. Petersburg 2021, bà Margarita Simonyan, tổng biên tập RT (giữa) và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova (bìa phải) đều khẳng định Nga cần đẩy mạnh bảo vệ chủ quyền số. Ảnh: SPIEF-21Không phải tự nhiên mà bà M. Simonyan cay đắng nói tại SPIEF-21: “Đất nước tuyệt vời của chúng tôi, nơi đã chế ra vaccine (chống coronavirus) đầu tiên trên thế giới (...) còn sáng tạo và tiếp tục sáng tạo ra rất nhiều thứ khác, lại đã hoàn toàn bỏ lỡ sự phát triển của mình trong thế giới truyền thông kỹ thuật số... hơn nữa, chúng tôi còn suy thoái trong ý nghĩa này”.Hồi tháng 2-2021, chuyên gia phân tích quân sự Ye.Fedorov trên cổng thông tin Topwar.ru viết bài báo “Chủ quyền số của Nga: chuyện cổ tích phải thành hiện thực”, lưu ý rằng trong đời sống hiện đại với vai trò không thể thiếu của kỹ thuật số, vấn đề đáng lo ngại nhất là người Nga không nắm vai trò quan trọng nào trong hệ sinh thái điều khiển học này, bởi “toàn bộ không gian Internet đa phương tiện xung quanh chúng ta được phân chia giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc”. Hơn 60% tất cả các tên miền trên Internet thuộc sở hữu của các công ty Mỹ và hơn 50% mạng phân phối nội dung video/âm thanh toàn cầu cũng thuộc sở hữu của Hoa Kỳ. Những gã khổng lồ xuyên quốc gia như Google và Facebook hiện đang cạnh tranh bình đẳng với các chính phủ trên thế giới.Trong một trả lời phỏng vấn báo chí, Igor Ashmanov, chuyên gia Nga về trí tuệ nhân tạo, cho rằng Nga, cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới, từ lâu đã là “thuộc địa kỹ thuật số” của các công ty công nghệ lớn. Giấy quỳ thử cho việc bị “chiếm đóng kỹ thuật số” này là những cuộc xuống đường của giới thiếu niên Nga hồi 23-1 năm nay, những người cho biết họ được kêu gọi biểu tình từ các tin nhắn trên mạng xã hội, Messenger và TikTok.TikTok là đột phá đầu tiên của Trung Quốc về cạnh tranh trên không gian số: ở Mỹ, cứ ba người thì có một người xem nội dung của mạng xã hội này. Hồi năm 2019, The Guardian đã cáo buộc ByteDance (chủ sở hữu của TikTok) vận động hành lang cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc và kiểm duyệt nội dung không mong muốn đối với Bắc Kinh (tất nhiên lại rất phù hợp với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ). Căng thẳng gia tăng và tổng thống Mỹ khi đó Donald Trump đã ra lệnh mua TikTok, vì ứng dụng đe dọa an ninh quốc gia như có thể cung cấp cho Trung Quốc quyền truy cập vào thông tin cá nhân và độc quyền của người Mỹ, theo dõi nơi ở của các nhân viên liên bang, và thực hiện hoạt động gián điệp của công ty. Cần nhắc: ByteDance được đăng ký tại quần đảo Cayman và các máy chủ được kiểm soát bởi Tập đoàn Alibaba quốc tế! Ánh sáng cuối đường hầmỞ Nga, TikTok đóng vai trò thậm chí còn nguy hiểm hơn: nó được xem là “cơ quan ngôn luận của cuộc cách mạng thanh thiếu niên ngày 23-1”, theo lời của nhà phân tích Ashmanov. Vô số video được post lên, giải thích cách thức, thông báo địa điểm và thời gian biểu tình đã thu được 100 triệu lượt xem. Công chúng, truyền hình và các cơ quan chính phủ rất muộn màng nhận ra sự nguy hiểm của thứ “đồ chơi ngu ngốc và vô hại trong điện thoại thông minh”.Nhưng rất khó đóng mạng Trung Quốc lúc này. Đầu tiên, tất cả các cửa hàng ứng dụng của Google và Apple đều nằm ngoài khu vực pháp lý của Nga. Và thứ hai, người dùng có thể dễ dàng bỏ qua hầu hết các hạn chế bằng cách sử dụng công cụ VPN. Thứ ba, để bảo vệ chính thức, người Nga sẽ phải xây dựng “Tường lửa lớn” của riêng mình, vấp phải khó khăn về nguồn tài nguyên khổng lồ và phản ứng của công chúng.Tuy nhiên, không phải là “không có ánh sáng cuối đường hầm”, các nhà phân tích Nga nhận định. Trước hết, quốc gia này dẫu sao cũng có các nền tảng phổ biến của riêng mình, chẳng hạn như VKontakte và Odnoklassniki, có thể cạnh tranh với các mạng xã hội nước ngoài.Theo các nhà phân tích của Câu lạc bộ Valdai, tỉ trọng của nền kinh tế kỹ thuật số trong GDP của Nga đang tăng lên hằng năm và tính theo số lượng người dùng Internet, quốc gia này nằm trong Top 10 thế giới.Cuối cùng, hai tập đoàn tài chính và công nghệ của Nga, Yandex và Sberbank đang dần hoàn thiện mà trong hệ sinh thái của chúng sẽ bao gồm gần như toàn bộ cuộc sống của người Nga - từ gọi taxi đến giao bánh pizza, mua bán bất động sản và nghe nhạc. Trên cơ sở này, hoàn toàn có thể chuẩn bị cho một cuộc phản công trước những gã khổng lồ CNTT của Hoa Kỳ và Trung Quốc.Trở lại với diễn đàn tại S. Petersburg, Margarita Simonyan cho rằng việc không bảo vệ chủ quyền kỹ thuật số chẳng khác nào “không có quân đội của chính mình và không tự vệ trước người khác, không có bộ quốc phòng của riêng mình, không có biên giới nhà nước và lực lượng biên phòng”. Theo Margarita, nếu Nga có RuTube, tượng tự như YouTube, sẽ cho phép Nga xoay xở mà không cần sự trợ giúp của các ông lớn CNTT nước ngoài, và không để chúng can thiệp vào cuộc sống của người Nga. Còn Alexander Zharov, tổng giám đốc, Gazprom-Media Holding, chỉ ra phải có “cây gậy” cho các nền tảng nước ngoài và “củ cà rốt” cho các nền tảng trong nước Nga, mà “cây gậy” cho các nền tảng nước ngoài phải là các khoản phạt lớn và việc giảm tốc đường truyền.Hiển nhiên đây là những biện pháp tạm thời, cùng lúc với việc Nga xem xét một “kế hoạch tổng hợp đặc biệt cho chủ quyền số”, theo lời của bà Olga Kovitidi, thành viên Hội đồng liên bang (Thượng viện Nga). Bà cho biết một danh sách các nguồn tài nguyên kỹ thuật số nguy hiểm sẽ được Nga phê duyệt trong tháng 9-2021.Trước đó, người đứng đầu Ủy ban Chính sách thông tin của Duma quốc gia, Alexander Khinshtein, đã thông báo về việc chuẩn bị các quy định mới cho việc quản lý các công ty CNTT nước ngoài ở Nga. Theo dự luật, chủ sở hữu các trang web nước ngoài với lượng người xem hằng ngày hơn 500.000 người Nga, sẽ phải mở văn phòng đại diện chính thức tại Nga.■Nga đang từng bước hoàn thiện các kế hoạch xây dựng chiến lược chủ quyền số. Các nghiên cứu đăng trên trang web của Hội đồng Nga nhằm xây dựng chiến lược này đã nhận diện những tồn tại hiện nay của Nga, trong đó có “sự phụ thuộc của Nga vào các nhà cung cấp phần mềm và phần cứng cùng thiết bị nước ngoài. Do đó, hầu hết các công nghệ Internet (trình duyệt, công cụ tìm kiếm, mạng xã hội, hệ điều hành) đều nằm ngoài giới hạn kiểm soát của Nga. Điều này tạo ra các mối đe dọa bảo mật bổ sung. Vì vậy, để đảm bảo chủ quyền của mình, nhà nước cần có một dây chuyền công nghệ hoàn chỉnh, bắt đầu từ bộ xử lý và kết thúc bằng phần mềm cuối cùng”. Tags: NgaMỹInternetCông nghệChủ quyền số
Tình báo Ukraine: Triều Tiên gửi 100 tên lửa đạn đạo tầm ngắn cho Nga UYÊN PHƯƠNG 26/11/2024 Cơ quan Tình báo quốc phòng Ukraine (DIU) cáo buộc Triều Tiên gửi 100 tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) cho Nga.
Khởi tố, bắt 4 bị can gồm 2 giám đốc trong vụ án nhận hối lộ ở Nha Trang PHAN SÔNG NGÂN 26/11/2024 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa vừa khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can liên quan việc đấu thầu thi công các dự án do Công ty TNHH Dũng Lợi thực hiện trên địa bàn TP Nha Trang.
Sửa thuế thu nhập cá nhân lạc hậu: Phải chờ đến... 2026! LÊ THANH 26/11/2024 Phải có quy định cho phép người nộp thuế thu nhập cá nhân được trừ lãi vay mua nhà, tiền học, khám chữa bệnh của người nộp thuế và của con cái họ.
Nhận hối lộ gần 6 tỉ, luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với cựu vụ phó Anh Tuấn TUYẾT MAI 26/11/2024 Sáng 26-11, phiên tòa xét xử vụ sai phạm tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan. Bào chữa cho ông Hoàng Anh Tuấn (cựu vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương), luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với ông Tuấn.