11/06/2024 14:59 GMT+7

Cầm đồ, cần lưu ý gì để tránh 'bẫy' tín dụng đen?

Để tránh rủi ro, người đi cầm đồ cần quan tâm các thỏa thuận, điều khoản trong hợp đồng, nhất là về lãi suất, các quyền, nghĩa vụ liên quan được ghi trong hợp đồng.

Xe bị xiết nợ bán thanh lý tại một tiệm cầm đồ - Ảnh: YẾN TRINH

Xe bị xiết nợ bán thanh lý tại một tiệm cầm đồ - Ảnh: YẾN TRINH

Loạt bài "Bí mật trong thế giới cầm đồ" của Tuổi Trẻ Online nhận được nhiều phản hồi cũng như băn khoăn của bạn đọc về các tình huống gặp phải khi cầm cố tài sản. Có bạn đọc phản ánh xe mình bị bạn đem đi cầm nhưng đến nay vẫn chưa đòi được.

90% hàng vào tiệm cầm đồ là không chính chủ?

Như trường hợp ông N.V.K. (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) bị bạn đem xe đi cầm cố trái phép. Ông than: "Tôi là chủ của chiếc xe biển số 51... mà bạn tôi mượn rồi đem đi cầm. Tôi đã mời công an đến làm việc và yêu cầu thu hồi xe trả cho tôi nhưng đến nay vẫn chưa nhận được xe".
Trong số các bình luận của bạn đọc, nổi bật là câu chuyện lãi suất và cầm xe gian, xe không chính chủ.

Bạn đọc tên Hiệp kể câu chuyện một doanh nghiệp cầm đồ lớn ở TP.HCM thường ghi lãi suất trên hợp đồng luôn dưới 20%/năm.

"Nhưng khách hàng luôn phải trả thêm rất nhiều loại phí vô lý như phí gửi giữ tài sản, phí bảo hiểm, phí thuê lại xe để sử dụng…" - bạn đọc này cho biết.

Tương tự, bạn đọc có tên Phi Hùng bức xúc: đi nhiều tiệm cầm đồ không chỗ nào đúng lãi suất quy định. "Nhiều chỗ 5 - 6%/tháng họ còn không muốn cầm. Cầm càng ngắn thời gian thì lãi càng cao. Mà chỉ cần trễ vài ngày là coi như mất vì bị thanh lý", Phi Hùng cho biết.

Với tình trạng cầm xe không chính chủ, bạn đọc Hậu SG viết: "Xe không chính chủ mà dám cầm cố là quá liều". Còn bạn đọc tên Dung đề xuất: "Phải mạnh tay xử lý tiệm cầm đồ cầm xe gian, xe không chính chủ".

Từng kinh doanh dịch vụ này, anh Long chia sẻ: "Nói thật, hết 90% là hàng không chính chủ. Lãi suất đối với mặt hàng này rất hấp dẫn, nói sao khách nghe vậy".

Theo luật gia Phạm Văn Chung, Bộ luật Dân sự 2015 quy định lãi suất vay do các bên thỏa thuận và không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật có liên quan quy định khác.

Trường hợp lãi suất thỏa thuận vượt quá quy định, mức vượt quá sẽ không có hiệu lực.

Luật gia Chung cho biết điều 12 nghị định 144 năm 2021 của Chính phủ quy định cá nhân kinh doanh dịch vụ cầm đồ nhưng lãi suất cho vay vượt quá quy định có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Tổ chức, doanh nghiệp vi phạm thì phạt gấp đôi. Đồng thời, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp đó.

Khách xem lại hợp đồng cầm xe máy không ghi mức lãi suất - Ảnh: YẾN TRINH

Khách xem lại hợp đồng cầm xe máy không ghi mức lãi suất - Ảnh: YẾN TRINH

Chú ý các thỏa thuận, hợp đồng để tránh rủi ro

Theo luật gia Phạm Văn Chung, trong các ngành nghề hiện nay, nghề cầm đồ khá phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người kinh doanh lẫn người sử dụng dịch vụ.

"Trên thực tế một số tiệm cầm đồ trở thành nơi tiêu thụ, trao đổi, mua bán các hàng ăn cắp, nhập lậu, phạm pháp. Điều này vô tình hỗ trợ cho các loại tội phạm trong việc ăn cắp, ảnh hưởng đến nhiều người", luật gia Chung phân tích.

Do đó, theo ông Chung, người làm nghề cầm đồ cần coi trọng việc xác minh nguồn gốc tài sản và giấy tờ chứng minh quyền sở hữu trước khi cầm.

Mặt khác, người làm dịch vụ nên sử dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý một cách khoa học; kiểm soát, tra cứu nguồn gốc các loại tài sản nghi ngờ là hàng gian, trộm cắp.

Đặc biệt không vì lợi ích trước mắt mà tiếp tay cho tội phạm, nhất là tiêu thụ đồ trộm cắp, hàng gian, hàng lậu...

Để tránh rủi ro, người đem tài sản đi cầm cố cần quan tâm các thỏa thuận, điều khoản ghi trong hợp đồng cầm cố tài sản do bên dịch vụ cầm đồ cung cấp.

Theo đó, mức lãi suất cụ thể cần được ghi rõ một tháng, một năm là bao nhiêu, có vượt quá quy định không. Người đem tài sản cầm cố cần đọc kỹ các quyền, nghĩa vụ liên quan được ghi trong hợp đồng.

Lưu ý, đây thực chất là hợp đồng vay nên người cầm đồ phải thực hiện trả lãi và gốc đúng hạn, tránh bị phạt. Mức phạt này cũng cần được ghi rõ trong hợp đồng là bao nhiêu.

Riêng về trường hợp đã đem xe đi cầm nhưng sau đó người cầm muốn mượn lại giấy phép lái xe, pháp luật về cầm cố tài sản không quy định cụ thể nhưng giấy phép lái xe gắn với nhân thân nên việc mượn lại giấy phép lái xe là được.

Nhưng thường phía dịch vụ cầm đồ chỉ giữ giấy tờ xe. Trường hợp đã cầm giấy phép lái xe thì người đem cầm không mượn lại được, vì khi đó giấy phép lái xe là vật cầm cố.

"Ngoài ra, nên chọn những tiệm cầm đồ có uy tín. Đồng thời tìm hiểu, thậm chí có thể yêu cầu chủ tiệm cầm đồ cho xem giấy phép kinh doanh để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và tránh rủi ro về sau", ông Chung cho biết.

Bí mật trong thế giới cầm đồ - Kỳ cuối: Bẫy tín dụng đen của Bí mật trong thế giới cầm đồ - Kỳ cuối: Bẫy tín dụng đen của 'liên minh' cầm đồ

Làm ăn thua lỗ, anh Nguyễn Văn Ri (ngụ phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đem tiệm cầm đồ cầm chiếc xe hơi trả khoản nợ vay mua đất trước đó. Hết trả lãi nổi, anh bị xiết xe.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên