Học sinh tranh thủ ăn lót dạ trước khi vào lớp học thêm ở một trung tâm bồi dưỡng văn hóa tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Giáo viên chỉ được phép dạy bên ngoài, ở các trung tâm do người khác đứng ra tổ chức, giáo viên được trả lương.
TS Huỳnh Công Minh (nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):
3 vấn đề chính
Vấn đề chính của dạy thêm - học thêm không phải là dạy ở trong hay ngoài nhà trường. Nếu thật sự các cấp quản lý muốn giải quyết vấn đề dạy thêm - học thêm thì cần trả lời câu hỏi: trong bối cảnh hiện nay thì việc dạy thêm - học thêm có cần thiết hay không và nguyên nhân của nó ở đâu?
Theo tôi, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy thêm - học thêm tràn lan: thứ nhất, nội dung chương trình dạy và yêu cầu thi cử có độ chênh nhất định khiến học sinh phải học thêm mới có thể thi đậu.
Thứ hai là đời sống giáo viên: lương không đủ sống. Thứ ba là tâm lý xã hội: nhiều phụ huynh muốn con mình phải giỏi hơn con người khác. Tôi cho rằng: giải quyết được 3 vấn đề nêu trên thì vấn đề dạy thêm - học thêm mới được giải quyết rốt ráo.
Cô Thục Anh (giáo viên ở TP.HCM):
Đổ dồn lợi ích về “ông chủ lớn”
Theo tôi, cần làm nhiều đợt khảo sát khác nhau về dạy thêm - học thêm. Khi có căn cứ xác thực mới hình thành quy trình thực hiện, làm sao để hợp lòng dân nhưng vẫn thỏa được cả tình lẫn lý. Cá nhân tôi thấy vấn đề này cần đi từ gốc, chứ lệnh cấm chỉ là việc thắng gấp một đoàn tàu nhiều toa.
Nếu cấm, không cho giáo viên dạy thêm thì học sinh sẽ đổ về các trung tâm để học. Như thế thì khác gì đổ dồn lợi ích về “ông chủ lớn” là các trung tâm và góp tay cho họ bóc lột sức lao động của giáo viên? Và lúc ấy các thầy cô giáo lại è cổ làm thuê cho các trung tâm, trong khi thu nhập bị cắt xén rất nhiều. Rồi lại tái diễn tình trạng thầy cô giáo vất vả dạy thêm nhưng vẫn không đủ sống.
Tôi cho rằng: những việc cần làm trước mắt là giúp học sinh xác định mục tiêu việc học; giúp các em có năng lực tự học và tự định hướng; nội dung chương trình không chỉ chú trọng kiến thức mà còn phải có kỹ năng và thái độ.
Việc này muốn hiệu quả cần thực hiện đồng bộ cả thi cử và cách đánh giá học sinh. Tóm lại, giáo viên cần đủ sống sẽ không cần dạy thêm. Học sinh cần nhận được phương pháp dạy hiệu quả, chương trình học và cách đánh giá phù hợp sẽ không cần học thêm.
TS Nguyễn Thị Quy (nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM):
Nên giải quyết tận gốc
Dạy thêm - học thêm là nhu cầu có thật của cả giáo viên và học sinh trong bối cảnh như hiện nay. Nếu cấm dạy thêm trong nhà trường thì đương nhiên giáo viên, học sinh sẽ đi dạy và học ở trung tâm bồi dưỡng văn hóa hoặc ở nhà riêng của giáo viên.
Tình trạng “bình mới rượu cũ” như vậy sẽ không giải quyết được vấn đề cốt lõi của dạy thêm - học thêm. Việc cấm ở đây tức là cấm theo khía cạnh tiêu cực: giáo viên ép học sinh phải học thêm với mình bằng nhiều hình thức khác nhau.
Nhiều người cho rằng: cấm dạy thêm trong nhà trường thì giáo viên không thể ép học sinh học thêm với mình. Nhưng đối với những giáo viên có chủ trương ép thì khi họ dạy ngoài nhà trường vẫn có thể ép như: cho điểm kém, giảng không hết kiến thức trong nhà trường chính khóa để dành qua lớp dạy thêm mới giảng...
Đó là chưa kể khi dạy thêm trong nhà trường thì ban giám hiệu có thể quản lý được chương trình dạy, mức học phí (hiện tại hầu hết các trường phổ thông đều có mức phí dạy thêm khá thấp so với các khóa dạy thêm ở trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ vì nhà trường tận dụng được cơ sở vật chất hiện có, không phải đi thuê)...
Chứ đã ra ngoài trung tâm thì rất khó quản lý, thậm chí giáo viên có cho học sinh biết trước nội dung bài kiểm tra thì ban giám hiệu cũng khó biết. Nếu dạy thêm ngoài nhà trường, tôi nghĩ người khổ nhất là học sinh và phụ huynh vì phải đóng học phí cao hơn, mất thời gian, công sức đưa đón con...
Chỉ biết cấm thì dễ thôi mà! Hàng trăm bạn đọc đã gửi tâm sự về cho Tuổi Trẻ quanh quyết định này của Sở GD-ĐT TP.HCM. Rất nhiều ý kiến ủng hộ chủ trương phải siết chặt và chấn chỉnh nạn dạy thêm - học thêm, nhưng việc thực hiện cho thấy còn nhiều bất ổn. Bạn đọc Võ Hồng cho biết: “Tôi dạy học cũng hơn 32 năm rồi, tôi đồng ý với anh Sơn (tức ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) chỉ có “những con sâu làm rầu nồi canh vì mục đích cá nhân của mình”. Vậy thì cấm học thêm - dạy thêm là đang "giết" nhiều thầy cô chân chính vì đồng lương còn quá thấp, nhất là mấy em giáo sinh vừa mới ra trường! Đừng vì "giết" vài con sâu mà chết quá nhiều nhà giáo chân chính! Các vị lãnh đạo trước khi quyết định một vấn đề gì liên quan tới rất nhiều người, nhất là các trí thức, các thầy cô giáo thì hãy suy nghĩ thật kỹ”. Bạn đọc tri_nguyen1975@... nêu quan điểm: “Đã cấm dạy thêm thì cấm tiệt luôn, chứ mở trung tâm thì có khác gì chặn đầu này, mở đầu kia cho chạy, điều này đôi khi giáo viên vẫn có thể ép học sinh ra trung tâm nơi mình dạy để nhận huê hồng”. Rất nhiều ý kiến cùng quan điểm với bạn đọc có tên Thầy Đồ khi cho rằng: “Dù dạy thêm hay làm thêm cũng không thể là giải pháp thường xuyên, lâu dài được vì một giáo viên mà ôm đồm quá nhiều, lo nghĩ về cơm áo gạo tiền quá nhiều sẽ khó lòng đạt được sự thư thái, thanh thản ngõ hầu toàn tâm toàn ý cho việc chính yếu và duy nhất trong thiên chức của mình: dạy chữ, dạy người! Đó là một trong nhiều vấn nạn của giáo dục nước ta hiện nay. Một đồng lương đủ sống, một chương trình học hợp lý, một chế độ thi cử ổn định có thể dần gỡ ra biết bao vướng mắc, có thể trả lại sự trong lành cho môi trường giáo dục. Còn như chỉ biết cấm dạy thêm rồi khoanh tay nhìn giáo viên tự bươn chải thì dễ thôi mà”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận