Phóng to |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Lương thấp và giá gạo, muối, thịt, cá, rau quả, mì gói... đều tăng cao đã đẩy nhiều công nhân đến cùng đường của sự khốn khó.
Khốn khổ
Khách hàng của chợ phường 8, TP Cà Mau chủ yếu là công nhân chế biến thủy sản. Khoảng một tháng nay, giới bán buôn nơi đây kêu trời vì ế ẩm. Chị Hằng, bán cá ở đầu chợ, than: "Công nhân dạo này ít mua cá quá, chỉ mua rau với hột vịt". Thấy một phụ nữ đi ngang, trên tay chỉ cầm một khúc bầu và mấy cọng hành, tôi hỏi thăm. Chị tên Nguyễn Thị Đẹp, là mẹ của hai công nhân chế biến thủy sản ở Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Minh Phú.
Trên đường về phòng trọ, chị Đẹp ghé tiệm tạp hóa mua thêm ba trứng vịt. Chị bối rối: "Đây là bữa ăn chiều của gia đình chúng tôi, gồm năm người".
Nơi ở của chị là một khu nhà trọ, vách, phên, tấm lợp đều bằng tôn, nóng như lò bánh mì. Thế nhưng các công nhân nữ vẫn đóng cửa nằm vùi trong phòng, không buồn ra ngoài tụ năm tụ ba, la cà ăn vặt và tiếu lâm như thường thấy. Chị Đẹp giải thích: "Mấy tháng nay ít tôm, tụi nó đứa nào đứa nấy đói meo. Đi làm về là chúi đầu ngủ. Ngủ cho hết thời gian. Bởi có tiền đâu mà ra đường đi chơi, không khéo gặp chủ nợ đòi tiền càng thêm rối". Chị cho biết công nhân thủy sản hiện đang rất khổ sở. Mười đứa thì thiếu nợ hết chín. Là nợ vay bạc mười lăm, thậm chí hai mươi phân (lãi suất 15-20%). Không nói đâu xa, ngay gia đình chị hiện cũng đang khốn khổ vì lãi nặng.
Nhà chị năm người gồm vợ chồng, hai con gái lớn đi làm công nhân hải sản và một cháu nội. Trong bốn tháng mùa khô thiếu tôm nguyên liệu vừa qua, chị phải vay nóng lãi 20% hết 2,5 triệu đồng để bù vào khoản tiền ăn thiếu hụt. "Bây giờ mỗi tháng phải trả lãi 500.000 đồng" - chị ngậm ngùi nói. Chị đang lo vì tháng này lại thiếu ăn mà chưa tìm ra người nào để hỏi vay nữa.
Cầm cố thẻ ATM
Đã có hàng chục công nhân phải bỏ đi tìm việc khác hoặc về quê trốn nợ nặng lãi. Anh Cường, chủ quán cơm công nhân, kể: "Có nhiều công nhân đã bán máu tự cứu đói. Nhưng tụi nó sợ bạn bè cười nên giấu dữ lắm. Tôi biết con nhỏ tên R. yêu thằng T. làm phục vụ chung công ty. Thứ bảy rồi hai đứa lại đây ăn cơm. Nói chuyện qua lại, thằng T. phát hiện con R. lén đi bán máu. Hai đứa ngồi khóc rấm rứt. Tôi thấy mà đứt ruột!". |
Cô Sáu Hồng, chủ một dãy 40 phòng trọ cho công nhân thủy sản thuê, bức xúc: "Không biết mấy ông công ty làm ăn kiểu gì mà 3-4 tháng nay công nhân không trả tiền nhà được cho tôi. Mười đứa thiếu hết tám. Báo hại tôi phải đi vay nóng bạc 15 phân để nuôi đàn cháu dưới quê lên học hành. Đã vậy tôi phải đi vay giùm tụi nó nữa chớ. Thấy tụi nó khổ quá chịu không thấu, khối đứa phải ăn mì gói dài dài".
Công nhân Nguyễn Thị C. - Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Minh Phú, ở nhà trọ cô Sáu Hồng - thổ lộ: "Mấy tháng này lương thấp quá, 800.000-900.000 đồng/tháng mà vật giá thì tăng gấp đôi so với năm ngoái. Không đủ sống, tụi nó cầm thẻ ATM gần hết. Mười đứa cầm hết chín".
Nhiều công nhân cho biết việc cầm thẻ ATM đã có lệ. Mỗi thẻ được cầm từ năm trăm ngàn đồng đến một triệu rưỡi (tùy theo làm ở công ty nào, lương cao hay thấp). Lãi suất là 15%. Mà cầm từ đầu tháng hay cuối tháng, tức thời gian cầm có thể từ 30 ngày hay chỉ 6-7 ngày đều phải trả lãi suất 15%. "Có đứa cầm 1 triệu, chỉ một tuần cũng phải trả lãi 150.000 đồng. Tính ra lãi nặng đến 60% tháng" - cô công nhân Nguyễn Kim Ngân bần thần nói.
Công nhân Lương Thị Xuyến, ở trọ gần trụ sở Công ty Camimex, thú thật: "Thẻ ATM của vợ chồng tôi đã gửi từ bốn tháng qua. Hai thẻ cầm 2 triệu đồng, mỗi tháng đóng lãi 300.000 đồng. Hai tháng nay phải hỏi vay thêm ở bên ngoài, lãi còn cao hơn. Hỏi 100.000 đồng phải đóng 20.000 đồng lãi/tháng. Tháng tư này lại thiếu ăn, hết đường hỏi vay chắc phải về nhà xin mẹ vài bao gạo".
Không hay biết!? Ông Ngô Mạnh Tiến, trưởng phòng tổ chức hành chính Công ty cổ phần chế biến thủy hải sản xuất khẩu Minh Hải (Jostoco), cho biết: "Chúng tôi phát hiện việc công nhân cầm thẻ ATM từ cuối năm 2007. Khi ấy, ban giám đốc đã xuất quĩ chuộc lại thẻ cho công nhân trên trăm triệu đồng. Sau đó vận động công nhân không nên cầm thẻ ATM". Tuy nhiên, cũng có một vài công ty tỏ ra… ngạc nhiên. Ông Hồ Văn Dòn, phó tổng giám đốc Công ty Camimex Cà Mau, bảo: "Chúng tôi chưa nghe phản ảnh gì về việc cầm thẻ ATM." Ông Lê Minh Đặng, phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Cà Mau, cho biết: "Chúng tôi chưa từng nhận được báo cáo nào từ các công ty hay công đoàn cơ sở thủy sản về việc công nhân dính nạn vay nặng lãi. Tuy nhiên chúng tôi sẽ cho tìm hiểu và có biện pháp ngăn chặn ngay". Khu công nghiệp phường 8, TP Cà Mau có đến gần chục ngàn công nhân. Theo lời của nhiều công nhân, có không dưới 70% công nhân đang vướng nạn vay nặng lãi hoặc cầm cố thẻ ATM sống qua ngày. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận