24/12/2007 08:40 GMT+7

Cầm cố tài sản để đi tố cáo tham nhũng

TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TT - Anh Hoàng Văn Hưng (thương binh 4/4, 52 tuổi, ngụ ấp Rạch Vược, xã Thuận Yên, thị xã Hà Tiên) đã cầm cố tất cả tài sản gia đình gầy dựng được sau bao năm lao động vất vả: nhà, đất, giường, tủ, xe gắn máy và cả... chứng minh nhân dân để âm thầm đi tìm chứng cứ, vạch trần các hành vi tham nhũng.

UhoahYpY.jpgPhóng to
Anh Hưng kể chuyện đi chống tham nhũng
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Hành trình "dâng sớ"

Chiều 21-12, khi tôi tìm đến nhà anh Hưng, cũng là lúc anh vừa từ Bệnh viện Hà Tiên trở về. Chỉ vào cẳng chân trái của chồng vẫn đang bó bột từ gối đến bàn chân, chị Nguyễn Thị Thâm nói trong nước mắt: "Tối 10-12, ảnh đi xe máy từ Rạch Giá về tới ấp Lung Lớn, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương thì hai kẻ lạ mặt bám theo đến chỗ vắng, đứa ngồi sau dùng gót chân đạp rất mạnh vào ống chân bên trái, ảnh té nằm giữa đường, tụi kia chạy mất. Họ cố tình tấn công trả thù như thế mà ảnh không chết là may phước lắm rồi chú ơi, chứ nói gì đến gãy chân...".

Trò chuyện giây lát thì nhiều người dân ở Hà Tiên, có người là nạn nhân bị các "quan tham" cướp đất, có người chỉ là dân cố cựu ở địa phương, biết rành rọt những chuyện xảy ra, thấy báo Tuổi Trẻ viết về chuyện anh Hưng vì chống tiêu cực mà bị trả thù nên rủ nhau đến thăm. Câu chuyện "con kiến đi kiện củ khoai" dần tái hiện qua lời kể của những nhân chứng sống...

Sáu năm trước, thị xã Hà Tiên bắt đầu chuyển mình với nhiều công trình trọng điểm được đầu tư xây dựng: cầu Tô Châu, khu đô thị lấn biển, cửa khẩu quốc tế Xà Xía, cảng cá Tô Châu... kéo theo giá đất nội thị và vùng ven tăng vùn vụt. Nhiều người dân nghèo và gia đình chính sách đột ngột bị thu hồi đất mà không được đền bù hoặc đền bù với giá rất thấp so với giá thị trường. Rồi hàng loạt thửa đất bãi bồi, đất rừng phòng hộ ven biển bị khai phá chia lô bán nền với giá "cắt cổ" để kinh doanh.

Sống lâu năm ở địa phương, biết rõ chủ từng vị trí đất nên anh thương binh 4/4 Hoàng Văn Hưng đã không kìm được bức xúc. Thế là anh âm thầm đi tìm gặp từng chủ sử dụng đất mới để thuyết phục họ cung cấp cho anh các loại giấy tờ liên quan đến việc mua bán đất như biên lai giao nhận tiền có chữ ký của bên mua và bên bán (quan chức), hồ sơ vị trí thửa đất... Gặp một lần chưa được thì anh gặp lần hai, lần ba. Nếu chưa xong anh mời họ ra quán làm vài ly "tâm sự". Ban đầu nhiều người còn nghi ngại, nhưng khi biết anh vì mục đích chống tiêu cực chứ không vụ lợi gì thì nhiều người ở xa cũng gọi điện thoại cung cấp thông tin cho anh. Trợ cấp mỗi tháng gần 600.000 đồng không đủ cho anh photocopy tài liệu và đổ xăng đi lại, nhiều bận anh phải mang giấy đăng ký xe máy và cả bằng lái xe đi cầm, đến kỳ cân mấy con heo trong chuồng mới có tiền chuộc ra. "Lần thứ năm cầm xe cho Ngân hàng Kiên Long được 5 triệu đồng, tôi sắm được máy chụp hình và máy ghi âm. Mấy kẻ tham nhũng là quan chức cỡ bự, mình đơn độc nên phải có mấy thứ đó đề phòng tụi nó quật ngược lại" - anh Hưng nói.

Ngày này qua tháng nọ, anh Hưng cứ lần mò hết Hà Tiên lại sang Kiên Lương, Hòn Đất, có khi qua tận Bạc Liêu, Cà Mau để tìm nhân chứng. Trong gần năm năm, anh đã photocopy hơn 30.000 trang tài liệu, ghi âm đầy 40 cuộn băng cassette và chụp hơn 400 tấm hình làm cơ sở để viết "cáo trạng" các quan tham.

Sau khi có đủ chứng cứ, anh Hưng đã làm đơn tố cáo gửi nhiều cơ quan chức năng của tỉnh Kiên Giang mà vẫn không thấy hồi âm. Trong khi đó bản thân anh liên tục bị công an địa phương mời lên để "hỏi thăm lý lịch" là chính chứ không đề cập nội dung đơn thư. Mãi đến đầu năm 2007 anh mới nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, yêu cầu tỉnh Kiên Giang làm rõ đơn tố cáo của anh, báo cáo Thủ tướng trong quí 1-2007.

Lại tiếp tục đợi đến đầu tháng 10-2007 mà chưa thấy trả lời, thế là anh Hưng bán heo, vay nợ khăn gói ra thủ đô. "Gần ba tuần ăn ngủ lang bạt, đêm đến nhà các vị lãnh đạo đi đi lại lại chờ gặp người để gửi hồ sơ tố cáo (vì mình đứng một chỗ cảnh vệ không cho). Cuối cùng những kẻ tham nhũng cũng đã bị phanh phui, buộc trả lại đất" - anh Hưng kể.

Lo gần, lo xa

"Tôi nói thiệt, ảnh đi chống tham nhũng được gì chưa thấy, chứ mẹ con tôi ở nhà nhiều đêm nghe chó sủa rần rần ngoài cửa, ngồi trong nhà sợ thót tim. Hết chó lại tới điện thoại, có lúc đang ngủ lại nghe chuông đổ, nhấc máy lên thì đầu dây bên kia hăm dọa: Tao giết chồng mày rồi, giấu thi thể cách đây 45 cây số. Nghe muốn rụng rời! Mỗi lần điện thoại đổ chuông là ba mẹ con nhìn nhau hoảng loạn, nhưng không nghe lỡ ổng điện về mà không thấy người nhà bắt máy ổng lại lo..." - chị Thâm tâm sự.

Một người dân ở Kiên Lương đến thăm anh Hưng kể: "Hồi đầu tháng tám vừa rồi anh Hưng vào xã Phú Mỹ (Kiên Lương) xem, chụp hình diện tích đất mà mấy tay cán bộ thị xã bao chiếm, khi quay ra có hai thanh niên chặn xe lại xin mồi thuốc hút. Anh Hưng vừa dừng xe thì thằng ngồi sau lấy cây tầm vông đập tới. May là ảnh né kịp kêu cứu nên hai thằng hoảng quá bỏ chạy... Tính ra từ năm 2006 đến giờ anh Hưng đã bị hành hung bốn lần, nhưng ảnh giấu vợ con vì sợ ở nhà lo, sinh bệnh".

Nhưng nỗi lo tính mạng vẫn chưa đeo bám bằng nỗi lo nợ nần mà gia đình anh đang đối mặt hằng ngày. Ba hôm trước, khi đón anh từ Bệnh viện Hà Tiên về, chị Thâm phải kêu hàng xóm tới bán bộ ván gỗ ở phòng khách được 300.000 đồng. Vậy mà vẫn còn nợ lại bệnh viện 255.000 đồng nên họ chưa cho nhận hồ sơ ra viện. Khi gọi xe ôm đưa chồng về, chị định tới nhà sẽ lấy tiền trả, nhưng đi một đoạn sực nhớ ở nhà cũng chẳng còn đồng nào, thế là lại bảo anh lái xe ôm ghé vào quán nước dọc đường mượn đỡ 10.000 đồng...

Chỉ tôi xem chiếc tủ gỗ để trong góc phòng, anh Hưng cười bảo: "Ngăn to phía dưới là cái người ta nợ mình (mớ tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng của các quan tham), còn ngăn nhỏ phía trên là cái mình nợ người ta". Rồi anh gọi vợ mang ra tôi xem: nào là khế ước thế chấp nhà (35 triệu đồng), khế ước thế chấp đất (30 triệu đồng), thế chấp giấy đăng ký môtô, xe máy (5 triệu đồng) và cả thế chấp bằng lái xe môtô (150.000 đồng), giấy chứng minh nhân dân (150.000 đồng) cùng hàng chục biên nhận ghi tên chủ nợ: bà Diễm (6 triệu đồng), ông Hào (10 triệu đồng), bà Thu (4,6 triệu đồng), bà Nhân (2,8 triệu đồng), ông Tăng (4,6 triệu đồng), ông Hoàng Sơn (500.000 đồng)... "Mấy cái giấy này do ảnh mà ra cả đấy. Nếu cộng lại số tiền ảnh nợ bên ngoài dễ đến 200 triệu đồng chứ chẳng chơi. Kiểu này bảy con heo trong chuồng tết này chỉ đủ trả lãi" - chị Thâm vừa nói vừa cười như mếu...

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên