06/09/2014 08:55 GMT+7

Cấm bán bia trên vỉa hè: chỉ đúng trên lý thuyết

CẦM VĂN KÌNH - TÂM LỤA - TRẦN VŨ NGHI GHI
CẦM VĂN KÌNH - TÂM LỤA - TRẦN VŨ NGHI GHI

TT - Nhiều chuyên gia và người trong cuộc đều cho rằng quy định cấm bán bia vỉa hè chỉ đúng trên lý thuyết nhưng thiếu thực tế và không khả thi...

Khách nước ngoài và VN ngồi uống bia trên vỉa hè đường Bùi Viện, quận 1, TP.HCM - Ảnh: Hữu khoa
Khách nước ngoài và VN ngồi uống bia trên vỉa hè đường Bùi Viện, quận 1, TP.HCM - Ảnh: Hữu khoa

Trong khi đó, theo các chuyên gia, quy định dán tem cho bia có thể khiến chi phí bị đội lên khoảng...1.500 tỉ đồng mỗi năm.

* Ông Nguyễn Văn Việt (chủ tịch Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát VN):

Cấm dễ, xử lý sai phạm mới khó

Tôi ủng hộ việc chống lạm dụng rượu bia, bảo vệ sức khỏe người sử dụng đang là phụ nữ mang thai, cho con bú, hay hạn chế, không bán cho người dưới tuổi thành niên. Nhưng ở VN, những quy định này khó đảm bảo thực thi. Chẳng hạn, người đang mang thai nhưng có nhu cầu uống một chút bia, đó là quyền của họ. Nếu không bán cho họ thì họ nhờ người khác mua...

Còn vỉa hè là nơi để đi lại nhưng tại VN, không chỉ có bia, người ta còn bán hàng rong, rau, nước... Nếu cấm phải cấm tất, chứ không chỉ bia. Đô thị nhiều nơi lộn xộn, quy định không bán bia vỉa hè không sai, nhưng chỉ cấm bia thì không có ý nghĩa gì. Cấm bán bia trên vỉa hè trong khi nhiều mặt hàng khác không cấm được, thành ra nhiều người thấy buồn cười.

Tóm lại, các quy định như dự thảo Bộ Công thương chỉ đúng trên lý thuyết nhưng khó thực hiện. Trong thực tế, những người đề ra chính sách không thể đi kiểm tra, xử lý hết được mà là việc của cơ quan khác. Nên nhiều văn bản không đi vào cuộc sống. Theo tôi, những người làm chính sách cần cân nhắc trong điều kiện cụ thể đất nước mình. Mục đích cuối cùng là hiệu quả chính sách, tránh tình trạng đưa ra mà không làm được thì lại thành hòa cả làng...

* Ông Lê Hồng Sơn (cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp):

Nhiều quy định không có cơ sở

Đây mới là dự thảo. Tôi chắc rằng lãnh đạo Bộ Công thương sẽ phải thảo luận điều chỉnh rồi mới chuyển cho Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ. Bình luận bây giờ hơi sớm, nhưng tôi cũng xin có vài ý kiến sơ bộ giúp việc hoàn thiện dự thảo.

Về đại thể, việc cấm kinh doanh bia ở trường học, bệnh viện, công sở là phù hợp với đạo lý. Tuy nhiên, có thể cấm tuyệt đối trong mọi thời điểm tại các địa chỉ này hay không? Bởi vì tại các địa chỉ này người ta có thể tổ chức các sự kiện khác, hoặc trong thời gian học sinh nghỉ học thì được sử dụng cho các hoạt động khác.

Việc cấm bán bia cho phụ nữ có thai, cho con bú, theo tôi, hoàn toàn không khả thi vì ai kiểm tra được? Thật ngô nghê. Việc cấm bán bia cho người đang có bệnh lý về lạm dụng rượu bia cũng vậy. Người bán căn cứ vào đâu? Chẳng lẽ khi bán bia phải hỏi từng người xem có bệnh không, có đang cho con bú không? Những quy định này rõ ràng không có cơ sở.

Theo quy định, muốn trình dự thảo lên Chính phủ thì Bộ Tư pháp phải thẩm định. Nếu có cơ hội tham gia thẩm định, tôi sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng hơn và sẽ tham gia nhằm giúp cho việc hoàn thiện dự thảo trước khi trình Chính phủ ban hành để tránh việc có thêm một văn bản “trên trời”, thiếu tính khả thi.

* Ông Hirofumi Kishi (tổng giám đốc Công ty TNHH Sapporo Việt Nam):

Dán tem chỉ tăng thêm gánh nặng chi phí

Về cơ bản, vỉa hè là dành cho người đi bộ, việc buôn bán trên đó, không chỉ bia mà tất cả các sản phẩm, dịch vụ khác đều sẽ không phù hợp.

Do đó, nếu Bộ Công thương đề xuất cấm bán bia thì cũng phải tính đến phương án cấm buôn bán kinh doanh các mặt hàng khác trên vỉa hè. Còn ở Nhật Bản, “vỉa hè về nguyên tắc không được kinh doanh, buôn bán”.

Về việc dán tem bia, nếu để quản lý hàng giả, hàng nhập lậu... thì cơ quan chức năng phải tăng cường giám sát các cơ sở nhập lậu, sản xuất hàng giả hơn là yêu cầu các nhà sản xuất đang kinh doanh đúng pháp luật như công ty phải dán tem.

Nếu để quản lý số lượng sản xuất và bán hàng của các nhà sản xuất bia thì nên làm theo cách khác, chẳng hạn như yêu cầu các nhà sản xuất bia phải báo cáo đầy đủ, rõ ràng các số liệu. Việc này đơn giản và dễ thực hiện hơn, ít tốn kém hơn.

Trong khi đó, nếu dán tem sẽ làm tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, gồm chi phí tem và chi phí dán tem, ảnh hưởng đến giá bán lẻ sản phẩm. Chưa kể, tem dán có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh sản phẩm, phải thay đổi thiết kế, bao bì lại cho phù hợp. Ở Nhật Bản và nhiều các quốc gia khác không thực hiện dán tem bia.

Theo Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát VN, quy định phải dán tem cho bia sẽ khiến tăng chi phí không ít. Mỗi năm VN sản xuất khoảng 3 tỉ lít bia, tức cần dán tem khoảng 10 tỉ chai/lon bia. Trung bình mỗi con tem dán mất 150 đồng thì với 10 tỉ chai hoặc lon/năm, chi phí tăng thêm khoảng 1.500 tỉ đồng.

Dù Nhà nước hay doanh nghiệp bỏ tiền ra dán tem thì cũng gây tốn kém của cải xã hội. Trong khi đó, với việc in mã vạch, số ở đáy hộp hoàn toàn có thể truy xuất được tên công ty, giá, ngày sản xuất, lô sản xuất, thậm chí truy được cả người trực sản xuất ra lon bia ấy. Do đó, theo tôi, cần cân nhắc, tính toán kỹ việc dán tem bia.

CẦM VĂN KÌNH - TÂM LỤA - TRẦN VŨ NGHI GHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên