Một góc nhà máy điện hạt nhân Diablo Canyon tại California - Ảnh: AP |
Theo AP, sự phát triển của điện mặt trời và điện gió đã thúc đẩy nhanh hơn quá trình “chết dần” của các nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ, trong đó có nhà máy Diablo Canyon với 2 lò phản ứng tại California.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang vận hành các nhà máy điện hạt nhân “già nua” tại Mỹ phải đối mặt với các chi phí bảo hành, sửa chữa quá tốn kém, trong khi đó chi phí cho các nguồn năng lượng sạch và an toàn lại rẻ hơn nhiều.
Cùng với đó, thảm họa hạt nhân năm 2011 xảy ra tại Fukushima ở Nhật Bản trong vụ động đất sóng thần xảy ra năm đó cũng góp phần khiến cho người dân cũng như doanh nghiệp nhiều nước trên thế giới bớt mặn mà với loại năng lượng này.
Nhà máy điện hạt nhân Diablo Canyon đã hoạt động 31 năm nằm giữa Los Angeles và San Francisco sẽ chính thức đóng cửa vào năm 2025.
Các nhà bảo vệ môi trường cho rằng, việc Diablo Canyon tuyên bố kế hoạch đóng cửa sẽ là gợi ý tốt cho khoảng 60 nhà máy điện hạt nhân thương mại khác, hầu hết cũng đã hoạt động hơn 30 năm trên toàn nước Mỹ, cũng có giải pháp tương tự.
Ông Tony Earley, chủ tịch công ty Pacific Gas & Electric cho rằng, với việc đóng cửa nhà máy Diablo Canyon, doanh nghiệp của ông sẽ tiết kiệm được nhiều tiền hơn là vẫn duy trì nó cho tới năm 2044 theo như kế hoạch. Nhà máy hiện đang cung cấp 9% sản lượng điện tiêu thụ toàn bang.
Dù vậy thì hiện tại Trung Quốc vẫn là một trong những nước đang tiếp tục xây dựng các nhà máy điện hạt nhân và một tập đoàn công nghiệp của Mỹ cho rằng, bất kể động thái đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cuối cùng tại California, hạt nhân vẫn là nguồn năng lượng rất quan trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận