18/10/2018 09:26 GMT+7

Cái xoa đầu bên cửa lớp

TRẦN QUỲNH NHƯ
TRẦN QUỲNH NHƯ

TTO - Sự quan tâm, lời khuyên của thầy giáo chủ nhiệm đúng lúc, đúng thời điểm đã thay đổi số phận một cô học trò nhỏ lớp 8, để cô bé bước ra cuộc sống rộng lớn, không chỉ lầm lũi luẩn quẩn ruộng vườn.

Cái xoa đầu bên cửa lớp - Ảnh 1.

Đến bây giờ, tôi cũng không hình dung ra được, năm đó nếu không phải là thầy chủ nhiệm, nếu thầy không bắt gặp "nét buồn thiên thu" nơi tôi và thầy không khuyên nhủ, thì nay tôi đã là người như thế nào...

Thầy tên là thầy Vi, chủ nhiệm năm tôi học lớp 8 Trường cấp II Hương Toàn, Hương Trà, Thừa Thiên - Huế.

Mơ ước chuyến xe đò đến chợ Đông Ba

Ngày đó, tôi là một con bé nhút nhát, khờ khạo và luôn tự ti mặc cảm với vẻ bề ngoài cũng như hoàn cảnh gia đình nghèo khó của mình. Tôi sống khép kín. Tôi thu mình lại và hầu như không dám kết bạn với ai. Tôi như đứa trẻ tự kỷ. 

Thường thì đến lớp, tôi ngồi yên nghe thầy cô giảng bài. Tôi cũng học thuộc bài luôn ở trường bởi chẳng hòa đồng với bạn bè gì cả. Những năm học cứ thế trôi qua một cách bình thản, lặng lờ chẳng có dấu ấn gì. Nhưng bù lại, tôi học giỏi, luôn đứng tốp 3 của lớp.

Tôi thường hay đứng ở cửa sổ lớp học nhìn ra con đường đất đỏ bên cạnh trường. Nơi đó mỗi ngày có hai chuyến xe đi về từ chợ Hương Cần lên chợ Đông Ba (Huế) và ngược lại. Chuyến xe nối liền nông thôn và thành thị, nối liền sự khó nhọc thiếu thốn với đô hội mà tôi chỉ hình dung trong tưởng tượng của mình chứ chưa hề biết tới.

Hãy tưởng tượng, tôi như hai đứa trẻ Liên và An trong truyện ngắn của Thạch Lam. Hai đứa trẻ đó nhìn đoàn tàu ngang qua từ Hà Nội mà mơ tưởng. Còn tôi thì nhìn chiếc xe đò để mơ về một nơi mà mình chưa biết đến, một nơi mà mình rất muốn đến để mở rộng tầm mắt là... chợ Đông Ba! 

Thỉnh thoảng, tôi lại nhớ tới cái lần thầy xoa đầu tôi bên cửa sổ lớp. Nhớ thầy nói với tôi về những giấc mơ của tuổi trẻ, rằng em sẽ đến nhiều vùng đất nữa chứ không chỉ là chợ Đông Ba nếu trang bị cho mình đủ kiến thức để vào đời

Trần Quỳnh Như

Tôi muốn biết một nơi nào khác chứ không phải là con đường từ nhà đến trường, dòng sông Bồ, cánh đồng làng nơi tôi sinh sống.

Năm đó tôi đang học lớp 8 và cũng đang "nung nấu" chuyện... nghỉ học. Là bởi các anh chị tôi trước đó không được học hành đến nơi đến chốn. Tất cả đều tạm dừng việc đến trường học lúc hết lớp 9 hoặc hết lớp 12. 

Tôi nhớ những năm của thập niên 1980, việc thi đại học thật quá khó khăn cho những đứa con "phía bên kia". Hồi đó vì việc xét lý lịch mà biết bao nhiêu anh chị của tôi, của làng xã tôi đành nghỉ ngang ở nhà làm ruộng, chằm nón lá...

Tôi đã nghĩ rằng: hết lớp 9 nghỉ học cũng vậy, thôi thì mình nghỉ sớm một năm có sao đâu! Nghỉ sớm có thể chằm nón lá qua chợ Đông Ba bán. Quê tôi, những đứa trẻ lớn lên ngày mùa ra đồng giúp ba mẹ, lúc nông nhàn ở nhà chằm nón lá, nấu cơm, gánh nước, quét dọn... 

Tôi cũng sẽ bước vào con đường đơn điệu như vậy rồi lấy chồng, sinh con. Vòng đời của những người chị trước tôi ở quê là như thế và tôi cũng sẽ như thế thôi...

"Thưa thầy, chắc là em sẽ nghỉ học..."

Một lần, tôi đang đứng bên cửa sổ nhìn chiếc xe đò và nghĩ mơ màng thì thầy Vi đến. Thầy hỏi có chuyện gì buồn, sao lúc nào thầy cũng thấy em như đang suy nghĩ điều gì đó. Thầy thấy em sầu... thiên thu vạn đại vậy, không hợp với một đứa học trò... Tôi xấu hổ đỏ cả mặt, gãi đầu gãi tai. Nhưng thầy hỏi tiếp không cho tôi né tránh câu trả lời. 

Tôi nói: "Dạ, dạ có gì đâu thầy, em chỉ nghĩ bâng quơ thôi". Tưởng thầy đã "tha" cho tôi, nào ngờ thầy nói: "Em đừng giấu thầy nhé!...". 

Hôm đó tôi kiếm cớ đi giặt khăn lau bảng để không trả lời thầy. Nhưng hôm sau thầy lại hỏi. Tôi "đau khổ" mà nghĩ rằng mình sẽ không thoát nổi những câu hỏi của thầy. Thôi thì trả lời thầy một lần vậy. 

"Dạ thưa thầy, chắc là em sẽ nghỉ học. Bởi có học nữa cũng chẳng làm gì. Những người anh của em sau khi học lớp 12 đều nghỉ học làm ruộng, vô Nam, đi nghĩa vụ quân sự. Có ai học được tiếp đâu dù các anh rất muốn được học hành đến nơi đến chốn. Em cũng sẽ vì lý lịch của gia đình nên chắc không thi đại học được".

Thầy nghe xong xoa đầu tôi rồi cười: "Thầy tưởng chuyện gì. Em... tầm bậy rồi! Không được suy nghĩ như vậy. Bây giờ em mới học lớp 8, còn 5 năm nữa để em thi vào đại học, để bước vào một bước ngoặt mới của cuộc đời. 

Thầy tin khi đó sẽ có những thay đổi. Không ai có quyền kéo dài sự phân biệt đối xử về xuất thân của những đứa học trò. Thầy tin chắc như vậy nên em không cần phải nghĩ ngợi quá xa. Việc của em bây giờ là học, lo giữ vững vị trí trong tốp 3 của lớp như lâu nay. Tuyệt đối không có ý định bỏ học nghe chưa!".

Thầy cũng nói nhiều nữa về sự lựa chọn nghề nghiệp trong cuộc đời, trong cách sống và cách nghĩ của thầy, của những người mà thầy ngưỡng mộ.

Em sẽ đến nhiều vùng đất nữa

Cũng bắt đầu từ đó, thầy chú ý đến tôi nhiều hơn. Thầy tặng tôi những phần thưởng nho nhỏ khi tôi được điểm cao. Thầy hỏi tôi sau này ước mơ làm gì, tôi nói mình thích viết văn, làm báo. Thế là có sách gì mới từ thư viện của trường, thầy giới thiệu cho tôi mượn đọc. 

Thầy cũng nói trước lớp, thầy không thiên vị bạn mà bởi bạn học giỏi, xứng đáng để nhận bộ sách giáo khoa cũng như sách truyện mới nhất, đẹp nhất của thư viện. Thầy nhắc nhở "các em đừng vì như thế mà đố kỵ bạn, thay vào đó hãy học thật giỏi"... 

Vẫn chưa hết lo tôi bỏ học, thỉnh thoảng thầy lại hỏi tôi có còn suy nghĩ bỏ học nữa hay không. Và khi tôi nói không thầy mới yên tâm đi sang lớp khác giảng bài.

Sau này, mỗi lần khó khăn, mỗi lần đứng trước nguy cơ không thể học tiếp nữa vì tiền quần áo sách vở, tôi lại nghĩ đến thầy. Tôi lại nghĩ đến lời hứa "em không bỏ học" để tiếp tục đến trường, để tiếp tục thi đậu vào hai trường đại học Tổng hợp văn và Sư phạm văn (Huế). Ra trường tôi đi làm một nghề mà tôi từng ước mơ và bày tỏ từ năm học lớp 8 với thầy.

Thỉnh thoảng, tôi lại nhớ tới cái lần thầy xoa đầu tôi bên cửa sổ lớp. Nhớ thầy nói với tôi về những giấc mơ của tuổi trẻ, rằng em sẽ đến nhiều vùng đất nữa chứ không chỉ là chợ Đông Ba nếu trang bị cho mình đủ kiến thức để vào đời. 

Thầy Vi đã mất nhiều năm rồi. Bài này là nén tâm nhang tôi gửi đến thầy, tri ân thầy. Có khi, ngoài kiến thức truyền dạy, thầy còn cho học trò mình cả một hướng đi, đường đi... Thầy giúp học trò biết ước mơ và thực hiện ước mơ. Thầy của tôi là người như thế!

Tôi vô cùng biết ơn thầy Vi trong suốt cuộc đời của mình. Bởi tôi may mắn gặp được thầy, có được một khoảnh khắc như thế đã nghe lời thầy khuyên. Và với tôi, đó cũng là khoảnh khắc để thay đổi cuộc đời tôi.

Tuổi Trẻ phát động cuộc thi: "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi"

* Thể lệ:

Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi bài viết qua email.

* Độ dài tối đa: 1.500 chữ.

* Tiêu chí: Câu chuyện có thật, độc đáo, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động.

Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Cuối Tuần và Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn).

* Đối tượng dự thi:

Công dân Việt Nam và người nước ngoài (trừ phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ).

Mỗi tác giả gửi tối đa 2 bài.

* Giải thưởng:

Nhất: 30 triệu đồng.

Nhì: 20 triệu đồng.

Ba: 10 triệu đồng.

Và 3 giải khuyến khích: mỗi giải 5 triệu đồng.

* Thời gian bắt đầu và kết thúc:

Bắt đầu nhận bài thi từ ngày phát động.

Kết thúc và trao thưởng vào tháng 12-2018.

Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài thi gửi về: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, VN. Hoặc email: [email protected].

Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".

logo hdbank

Từ ngày 1 đến 5-10, cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Nguyễn Thị Giang, Nguyễn Hoàng Anh, Lê Văn Hiếu, Thanh Thanh Minh, Lâm Tuyết Mai, Nguyễn Đình Tư, Đào Đình Tuấn (TP.HCM); Lê An Khánh (Hà Nội); Nguyễn Ngọc Hằng (Bắc Giang); Vũ Thị Huyền Trang (Phú Thọ); Nguyễn Văn Học (Đà Nẵng); Lương Thị Thanh Hoa (Lâm Đồng); Nguyễn Hữu Phương Uyên (Vũng Tàu); Trần Thanh Danh (Mỹ Tho); Lê Quang Thạch (Phú Yên); Dương Thị Niên (Đà Nẵng), Trần Duy Khánh (Nghệ An); Phạm Công Thành.

Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc. Bài dự thi xin gửi về báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi "Bài dự thi Khoảnh khắc thay đổi đời tôi") hoặc email [email protected]. Trân trọng.

Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Thằng chăn bò may mắn

TTO - Gia cảnh nghèo khó, cha nghiện rượu, chịu nhiều đòn roi... Những đứa trẻ ở quê chịu số phận đó không phải hiếm.

TRẦN QUỲNH NHƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên