Ông Dmitri Medvedev là một đồng minh thân cận của Tổng thống Putin - Ảnh: TASS
Báo Kommersant của Nga dẫn các nguồn tin riêng cho biết từ cuối năm 2019, Thủ tướng Dmitry Medvedev đã chuẩn bị một kế hoạch cải tổ hệ thống chính trị Nga.
Theo đó, nhiệm vụ chính của cải cách là sáp nhập quyền lực tổng thống và nhánh hành pháp. Tổng thống Nga gần như sẽ là người đứng đầu nhánh hành pháp - giống như cách hệ thống chính trị của Mỹ hiện nay đang vận hành.
Tuy nhiên, ngay sau Thông điệp Liên bang ngày 15-1 và cuộc gặp tham vấn với Tổng thống, ông Medvedev lập tức tuyên bố từ chức cùng với dàn bộ trưởng.
Theo lời ông Medvedev, các đề xuất sửa đổi hiến pháp do Tổng thống Putin gợi ý sẽ thay đổi cán cân quyền lực hành pháp - tư pháp - lập pháp tại Nga, do đó chính phủ của ông từ chức để mở đường cho thay đổi mới.
Theo hãng tin TASS, phó thủ tướng Nga Vitaly Mutko cũng đưa ra cùng lý do: "Chúng tôi cho rằng thời thế yêu cầu một thay đổi rất lớn, cần phải có những cách tiếp cận mới".
Bình luận về sự kiện này, nhà chính trị học người Nga Anatoly Vasserman cho rằng có 2 lý do dẫn đến hành động từ chức của chính phủ ông Medvedev:
Thứ nhất, Tổng thống Putin đề xuất một loạt cải cách hiến pháp, trong đó có thay đổi về quy trình bổ nhiệm chính phủ. Vì lý do này ông được tạo điều kiện để tái cấu trúc lại bộ máy.
Thứ hai, lý thuyết kinh tế của chính phủ ông Medvedev đã tỏ ra không hiệu quả. Nhiều nhiệm vụ cấp thiết của nước Nga và những ưu tiên do Tổng thống Putin đề ra trong các năm 2012 và 2018 đã không được hoàn thành.
Theo ông Vasserman, để vận hành hiệu quả đất nước trong thời gian tới, Nga cần phải "thay máu" không chỉ dàn bộ trưởng mà còn cả bộ máy quan chức cấp dưới.
Cùng với cải tổ hệ thống chính trị, một kịch bản chuyển giao quyền lực năm 2024 được dự đoán là: Ông Vladimir Putin giữ chức lãnh đạo đảng cầm quyền, gián tiếp trao cho ông quyền kiểm soát chính phủ, tổng thống tương lai sẽ phải tham vấn ông trong nhiều vấn đề hệ trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận