Phóng to |
Thí sinh dự thi ĐH năm 2014 - Ảnh: Minh Giảng |
Một kỳ thi quốc gia là kỳ thi nào?
Khoa học giáo dục đòi hỏi mỗi kỳ thi đều phải gọi đủ tên để thể hiện đúng mục tiêu của nó, không chấp nhận một kỳ thi quốc gia không kèm theo tên gọi. Thuật ngữ “quốc gia” dùng để chỉ tính chất chứ không phải tên gọi kỳ thi.
Hiện nay chúng ta đang có 2 kỳ thi quốc gia là kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Vì mỗi kỳ đều có mục tiêu và cách thức tổ chức riêng, nên không thể pha trộn hai kỳ này với nhau để tạo ra một kỳ thi “hai trong một” mặc dù kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể dùng làm dữ liệu tuyển sinh ĐH-CĐ.
Do đó, việc thực hiện phương án một kỳ thi quốc gia có nghĩa là phải chọn giữ một trong hai kỳ thi này và chuyển kỳ kia sang một loại hình đánh giá khác hợp lý hơn.
Nếu xem xét theo hiệu lực và giá trị thiết thực trong tình hình hiện tại của hai kỳ thi này, mọi người dễ dàng ngả theo hướng bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà giữ lại kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ.
Nhưng nếu chiếu theo các nguyên lý khoa học và mô thức quốc tế, thì việc xóa bỏ kỳ thi quốc gia tuyển sinh ĐH-CĐ để chuyển quyền tuyển sinh cho các trường ĐH và CĐ lại là hợp lý và đúng đắn.
Trong công cuộc đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện hiện nay, chúng ta phải đưa nền giáo dục nước nhà tiếp cận với khoa học giáo dục và mô thức quốc tế, nên sự lựa chọn xác đáng cho một kỳ thi quốc gia trong tương lai sẽ là kỳ thi tốt nghiệp THPT, với điều kiện kết quả kỳ thi này đáng tin cậy và thuận tiện cho việc tuyển sinh ĐH-CĐ.
Lộ trình thực hiện
Mỗi kỳ thi là một bộ phận hợp thành của một chương trình học và mỗi kiểu chương trình sẽ có một cách thi tốt nghiệp tương thích với nó. Bởi thế, phương án mới cho kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT phải được thực hiện đồng bộ với việc xây dựng chương trình Giáo dục phổ thông mới trong công cuộc đổi mới giáo dục.
Vào lúc bản dự án “Chương trình Giáo dục phổ thông mới sau năm 2015” vừa bị Quốc hội bác bỏ (và chưa biết đến bao giờ mới xây dựng lại thành công) mà đã cải tiến ngay kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, rồi lại đưa ra phương án mới cho “một kỳ thi quốc gia”, thì đó là những bước đi vội vã, thiếu khoa học theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô”.
Bởi sự cải tiến trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, cũng như những phương án “thi theo môn” hay “thi theo bài” trong một kỳ thi quốc gia đang được đề xuất, đều dựa trên chương trình THPT hiện hành (tức là chương trình “cũ” chưa đổi mới).
Do vậy, khi chương trình mới được xây dựng thành công để thay cho chương trình hiện hành, thì những sự “cải tiến” hay “phương án cho một kỳ thi quốc gia” đó cũng sẽ sụp đổ cùng với sự xóa bỏ chương trình cũ.
Một chương trình Giáo dục phổ thông mới được xây dựng tốt theo mô thức quốc tế sẽ bao gồm phương án thi tốt nghiệp THPT mới khác biệt hoàn toàn với những sự cải tiến hay các phương án mà Bộ đang đề xuất.
Vì thế, lộ trình hợp lý của phương án thực hiện một kỳ thi quốc gia phải nằm trong lộ trình xây dựng chương trình Giáo dục phổ thông mới. Quá trình xây dựng chương trình mới đồng thời cũng là quá trình thiết kế kỳ thi tốt nghiệp THPT mới.
Nếu chương trình THPT mới được xây dựng theo mô thức chương trình phân ban quốc tế (như chương trình tú tài Pháp chẳng hạn), chúng ta sẽ có một kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT mà kết quả của nó vừa để xác nhận trình độ tú tài, lại vừa sử dụng hữu hiệu cho việc tuyển sinh ĐH-CĐ (mỗi ban ở THPT đã định hướng sẵn cho học sinh vào những trường ĐH-CĐ tương ứng).
Nếu chương trình THPT mới lại được xây dựng theo kiểu chương trình tự chọn (như ở Mỹ), thì sẽ không còn một kỳ thi quốc gia nào hết, vì việc xét tốt nghiệp THPT sẽ căn cứ vào các tín chỉ mà học sinh tích lũy được ở nhà trường, và học bạ THPT sẽ được dùng làm dữ liệu tuyển sinh đại học. Tuy nhiên, kiểu chương trình này rất khó thực hiện trong hoàn cảnh Việt Nam.
Quá trình chuẩn bị
Để tránh những sự xáo trộn dẫn tới hậu quả tiêu cực đối với hoạt động của nhà trường, trong khi chờ đợi chương trình Giáo dục phổ thông mới (bao gồm cả cách thức thi tốt nghiệp THPT của nó) hoàn thành, chúng ta cần giữ nguyên cách thi tốt nghiệp hiện hành nhưng có một số cải tiến để nâng cao giá trị của kỳ thi: cải tiến cách ra đề thi để loại bỏ vấn nạn học thuộc lòng mà đánh giá được năng lực của học sinh, cải tiến cơ chế quản lý và sửa đổi tiêu chuẩn thi đua nhằm xóa bỏ “bệnh thành tích” để có kết quả thi tốt nghiệp đúng với trình độ thực chất của học sinh.
Song song đó, cần khuyến khích và thúc đẩy các trường ĐH-CĐ mạnh dạn nhận lãnh sứ mệnh tự chủ về tuyển sinh, để từng bước thu hẹp tiến tới xóa bỏ kỳ thi quốc gia tuyển sinh ĐH-CĐ “ba chung, bốn khối”.
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận