Mọi người cần tập thói quen ăn uống hợp vệ sinh để bảo vệ sức khỏe. Trong ảnh: thức ăn chế biến sẵn bày bán dưới lòng đường quanh chợ Nghĩa Tân (Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Các vụ ngộ độc thực phẩm cũng có xu hướng gia tăng trong những dịp này.
Trong quá khứ, Thụy Điển cũng đối mặt với những vấn đề tương tự trong các dịp lễ Giáng sinh, Tết tây và 50 năm trước, Thụy Điển cũng phải đối phó với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng do nguồn nước bẩn và an toàn vệ sinh thực phẩm không được đảm bảo.
Tuy nhiên, ngày nay Thụy Điển đã lọt vào danh sách các quốc gia có tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cao trên thế giới.
Ở Thụy Điển, Cơ quan Thực phẩm quốc gia hoạt động vì quyền lợi của khách hàng, đảm bảo thực phẩm an toàn, chất lượng cao và thói quen ăn uống khỏe mạnh cho người dân |
Sức khỏe là quý giá nhất
Người Thụy Điển chúng tôi quan niệm sức khỏe quý giá hơn bất cứ vấn đề gì trên đời, do đó chính phủ quyết tâm phải cải thiện sức khỏe cho người dân bằng cách cải thiện vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn nước thông qua các biện pháp quyết liệt.
Ở Thụy Điển có nhiều cơ quan chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gồm: Bộ Nông nghiệp Thụy Điển, Cơ quan Thực phẩm quốc gia và ở mức độ thấp hơn là Cơ quan Quản lý nước và đại dương Thụy Điển.
Trong số này, Cơ quan Thực phẩm quốc gia chịu trách nhiệm chính, giải quyết các vấn đề liên quan đến thực phẩm và nước sạch bằng cách xây dựng khung pháp lý, cung cấp các chỉ dẫn, các danh mục cần kiểm tra, thí nghiệm.
Thụy Điển là một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) cho nên chúng tôi vừa phải tuân theo luật an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia mà còn phải tuân theo quy định của EU.
Do vậy, chúng tôi áp dụng các quy định vô cùng nghiêm ngặt đối với việc kiểm dịch, giết mổ gia súc gia cầm, trồng rau quả, sản xuất thực phẩm...
Các cơ quan chức năng thường xuyên thanh tra quy trình sản xuất thực phẩm và các nông trại chăn nuôi, đặc biệt là đối với những trang trại quy mô lớn.
Đối với những hộ chăn nuôi nhỏ theo mô hình gia đình, chúng tôi áp dụng các biện pháp giáo dục, cung cấp thông tin vì không thể kiểm soát từng hộ một được. Các nhà sản xuất chỉ được phép hoạt động khi được cơ quan chức năng chứng nhận các mặt hàng của họ đủ chuẩn lưu hành.
Đối với các mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài, thậm chí còn phải qua các cửa kiểm tra, kiểm định nghiêm ngặt hơn. Ít nhất là 50% thực phẩm của chúng tôi nhập khẩu từ các nước thuộc châu Âu và từ khắp thế giới.
Tất cả đều phải qua những quá trình kiểm tra nghiêm ngặt theo đúng tiêu chuẩn của chúng tôi, và phải bảo đảm không có những chất hóa học vượt quá quy định cho phép.
Tiến sĩ Anna Bratt - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Các biện pháp cứng rắn
Ở Thụy Điển, những người bán hàng phải có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm cho khách hàng khi được yêu cầu.
Chúng tôi rất coi trọng chữ tín trong kinh doanh. Nếu nhà sản xuất nào đó bị phát hiện có hành vi gian dối, họ sẽ dễ đánh mất niềm tin của người tiêu dùng.
Người Thụy Điển chúng tôi quan niệm rằng nếu nhà sản xuất không thể bảo đảm sản phẩm này an toàn cho chúng tôi thì làm sao chúng tôi có thể tin tưởng thương hiệu này nữa.
Một khách hàng thì tiếng nói không đủ mạnh, nhưng nhiều khách hàng thì tiếng nói sẽ vang xa. Ngoài ra, chính phủ cũng có ban hành một số quy định để bảo vệ người tiêu dùng.
Trong trường hợp các cửa hàng vi phạm những quy định vệ sinh an toàn thực phẩm chẳng hạn như thực phẩm có chứa hóa chất vượt mức cho phép thì họ sẽ bị cấm không được nhập các mặt hàng này nữa cho đến khi họ đưa ra những bằng chứng cho thấy những chất hóa học trong thực phẩm ở dưới mức cho phép.
Còn đối với những mặt hàng được phân phối qua kênh siêu thị mà bị phát hiện chất lượng không đảm bảo đối với sức khỏe người dân thì các cơ quan chức năng sẽ thu hồi. Điều đó đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất sẽ thiệt hại vật chất rất lớn.
Ngoài ra, để cải thiện tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, Thụy Điển chú trọng vào đào tạo và bảo đảm thông tin minh bạch.
Cơ quan Thực phẩm quốc gia thường xuyên huấn luyện, đào tạo cho các thanh tra trong ngành thực phẩm về những quy định, luật lệ mới và tổ chức cho họ những chuyến đi cơ sở tìm hiểu tình hình thực tế ở địa phương nhằm phát triển kỹ năng của các thanh tra thực phẩm để qua đó cải thiện công tác kiểm soát thực phẩm.
Các cơ quan chức năng liên quan có nghĩa vụ công khai các bản báo cáo về tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm mỗi năm.
Họ sẽ phổ biến những bản báo cáo này cho cấp trên và sau đó phổ biến thông tin này một cách công khai minh bạch trên website cho người dân xem.
Người tiêu dùng cũng có thể tìm thông tin trực tuyến về những thực phẩm độc hại cũng như danh sách đen các thực phẩm bị cấm và nguồn gốc xuất xứ của những thực phẩm này.
Cơ quan Thực phẩm quốc gia cũng tạo ra các bảng liệt kê những mục cần kiểm tra đối với quy trình sản xuất từng loại mặt hàng. Các dữ liệu từ các cuộc kiểm tra sẽ được lưu vào máy tính, đồng thời các cơ quan chức năng sẽ theo dõi công việc của thanh tra qua hệ thống máy tính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận