Có thể là do tắc mạch máu não, hay còn gọi là nhồi máu não hoặc do vỡ mạch máu não, còn gọi là xuất huyết não. Nói cách khác, tai biến mạch máu não là do bệnh lý mạch máu não gây nên. Bệnh thường gặp ở những người lớn tuổi, nhất là từ độ tuổi 55 trở lên.
Các bệnh nhân tai biến mạch máu não khi được đưa đến bệnh viện đều trong tình trạng nặng với các biểu hiện tổn thương não rõ nét. Tai biến mạch máu não xảy ra đột ngột ở những người đang khỏe mạnh, đang sinh hoạt bình thường, đột nhiên thấy tê cứng ở mặt, tay hoặc chân, đặc biệt là tê cứng nửa người; không nhìn rõ; không cử động được tay chân; không nói được hoặc không hiểu được người khác nói; đầu đau dữ dội, đột ngột đau ở mặt hoặc ở chân, đột ngột bị nấc, buồn nôn, mệt, tức ngực, khó thở và tim đập nhanh bất thường…
Một trong số những hình thái tai biến mạch máu não hay gặp nhất là một trong những nhánh mạch máu não bị tắc nghẽn bởi những cục máu đông được gọi là huyết khối xuất phát từ những động mạch bị xơ vữa do lượng cholesteron luân chuyển trong máu cao, bám vào thành mạch, ứ đọng và dày lên dần dần làm hẹp lòng mạch, cản trở dòng chảy, đến một thời điểm nào đó theo cơ chế tự nhiên đã hình thành cục máu đông. Nếu cục máu đông di chuyển và bị "kẹt" lại trong một hoặc nhiều nhánh mạch máu não thì gọi là thuyên tắc não hay nhũn não.
Một hình thái tai biến mạch máu não cần phải kể đến nữa là xuất huyết não. Xuất huyết não xảy ra khi một trong những mạch máu não bị vỡ. Xuất huyết não thường do mạch máu não bị xơ cứng và hay gặp ở người cao tuổi.
Khi tuổi còn trẻ mạch máu của chúng ta có sự đàn hồi rất tốt nhưng khi tuổi càng cao mạch máu càng mất đi sự đàn hồi, trở nên cứng và giòn. Khi lưu lượng máu vì một lý do nào đó tăng lên đột ngột nhưng mạch máu mất đi sự đàn hồi, không co giãn được và thể tích lòng mạch không đổi dẫn đến áp lực nội mạch tăng.
Áp lực nội mạch tăng đến một ngưỡng nào đó mạch máu không chịu đựng nổi sẽ vỡ và gây xuất huyết.
Tất nhiên khi áp lực nội mạch cao vẫn có thể vỡ một số mạch máu ở những nơi khác, nhưng đối với các mạch máu não khi bị vỡ, xuất huyết thì hậu quả rất trầm trọng vì vùng não được nuôi dưỡng bởi mạch máu đó sẽ không được nuôi dưỡng và sẽ chết trong một thời gian rất ngắn.
Nếu vỡ các mạch máu nhỏ, nuôi dưỡng những vùng não không trọng yếu thì người bệnh có thể chưa tử vong, nhưng sẽ mất đi chức năng của một số bộ phận cơ thể được vùng não đó chi phối.
Nếu vỡ các mạch máu não lớn thì người bệnh có thể đột quỵ ngay tại chỗ và tử vong hoặc tử vong sau đó một thời gian. Những người thường xuyên hút thuốc lá, người mắc bệnh tiểu đường động mạch dễ bị xơ cứng hơn những người khác, vì vậy rất dễ bị xuất huyết não khi huyết áp cao.
Mặc dù tai biến mạch máu não là tình trạnh bệnh lý nguy hiểm song hoàn toàn có thể hạn chế được nếu biết cách phòng tránh. Liệu pháp thay đổi lối sống như thực hiện chế độ ăn kiêng và hoạt động thể lực, bỏ thuốc lá là biện pháp quan trọng làm giảm nguy cơ bị vữa xơ động mạch nói chung và tai biến mạch máu não nói riêng.
Liệu pháp thay đổi lối sống bao gồm: cai thuốc lá; có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất, hạn chế ăn quá nhiều chất béo và các thực phẩm giàu calo, liệu pháp dinh dưỡng còn nhằm làm giảm lượng lipid máu, giảm huyết áp và giảm đường máu nếu bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường; tăng hoạt động thể lực sẽ làm cải thiện tình trạng tim mạch và làm cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch như rối loạn lipid máu, béo phì và tăng huyết áp.
Đối với bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, nếu nhẹ các vùng não bị tai biến vẫn có thể hồi phục được và các di chứng cũng có thể được cải thiện. Sau khi người bị tai biến mạch máu não được điều trị ổn định và đưa về nhà thì người thân và gia đình cần có một chế độ chăm sóc và hướng dẫn người bệnh tập luyện đặc biệt nhằm phục hồi chức năng và hạn chế tối đa tái phát bệnh.
Nên cho bệnh nhân ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa, nước trái cây tươi. Kiêng sử dụng các chất béo và chất kích thích như rượu, bia, chè đặc, hạn chế dùng muối.
Ngoài ra sau khi ra viện những bệnh nhân nặng chưa tự vận động được, người nhà phải giúp họ thay đổi tư thế 3 giờ một lần để tránh loét. Mỗi lần lật người, cần xoa rượu, cồn hoặc phấn rôm vào lưng, mông và các vị trí bị tì đè khác. Khi cho ăn uống, nên kê gối sau lưng bệnh nhân để giữ họ ở tư thế nửa nằm, nửa ngồi.
Đối với trường hợp nhẹ hơn, tùy mức độ di chứng liệt, cần đề ra một kế hoạch cụ thể cho bệnh nhân tập luyện hàng ngày. Cố gắng để cho họ tự làm ở mức tối đa, người nhà chỉ hỗ trợ hoặc giúp đỡ khi bệnh nhân không thể tự làm được. Quá trình tập luyện đòi hỏi sự kiên trì của cả bệnh nhân và người hướng dẫn. Nên duy trì luyện tập cả khi các di chứng đã được phục hồi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận