Cái tên có làm nên nhân diện, tính cách?

NGỌC KHANH 12/10/2024 16:31 GMT+7

TTCT - Các nhà khoa học và tâm lý học cho thấy cái tên cũng ít nhiều "vận" vào người mang nó, theo nghĩa ảnh hưởng nhân diện, tính cách, thậm chí phần số.

Cái tên có làm nên nhân diện, tính cách? - Ảnh 1.

Ảnh: VICKY LETA/MASHABLE

Gửi gắm mong ước con cái sau này sẽ thanh tú mỹ miều hay có công thành danh toại vào cái tên đặt cho đứa trẻ là tâm lý bình thường của người làm cha mẹ. Họ sẽ mừng hơn khi biết rằng đã có nghiên cứu chứng minh làm thế không phải là hão huyền.

Tên cha mẹ đặt cho là thứ theo suốt cuộc đời mỗi người, trừ khi thay tên đổi họ. Các nhà khoa học và tâm lý học cho thấy cái tên cũng ít nhiều "vận" vào người mang nó, theo nghĩa ảnh hưởng nhân diện, tính cách, thậm chí phần số.

Nhìn mặt là bắt được… tên

Một nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ (PNAS) hồi tháng 7 cho thấy khuôn mặt một người có xu hướng phát triển để phù hợp với tên của họ. Nghĩa là chuyện nghe hoang đường như "nhìn mặt này thì chắc sẽ tên này" lại là điều có thể xảy ra.

Nhóm nghiên cứu đến từ Trường kinh doanh Arison Đại học Reichman và Đại học Hebrew (đều của Israel) chia người tham gia thành hai nhóm - người lớn và trẻ em từ 9-10 tuổi, sau đó yêu cầu họ ghép khuôn mặt với tên mà họ cho là phù hợp nhất dựa trên 4 đáp án cho sẵn. 

Nôm na là người tham gia sẽ phải suy đoán "trông mặt đặt tên", dựa trên kiến thức sẵn có của họ về các khuôn mẫu (stereotype). Kết quả: cả hai nhóm người lớn và trẻ em đều làm tốt khi ghép tên cho gương mặt người lớn, trong khi độ chính xác khi ghép tên cho khuôn mặt trẻ em thấp hơn đáng kể.

Chưa dừng lại ở đó, các nhà khoa học cũng nạp một cơ sở dữ liệu lớn gồm hình ảnh khuôn mặt vào hệ thống máy học để phân tích. Máy phát hiện những người lớn cùng tên có khuôn mặt giống nhau hơn nhiều so với người khác tên; tuy nhiên ở trẻ em thì không có mối tương quan nào như thế.

Như vậy, có thể nói rằng theo thời gian, ngoại hình của một người dần dần biến chuyển để "hợp" với tên của họ. Nhưng cái gì dẫn đến sự thay đổi? Nhóm nghiên cứu xác định đó là cấu trúc, khuôn mẫu và kỳ vọng xã hội phát sinh từ các mối liên hệ với người nổi tiếng, hàm ý văn hóa như thần thoại hay tôn giáo. Thế hóa ra ai tên Hiền thì khó mà trông dữ dằn, ai tên Hoa thì thường sẽ xinh xắn, dễ nhìn (dù vẫn có ngoại lệ, tất nhiên).

Tiến sĩ Yonat Zwebner, thành viên nhóm nghiên cứu từ Trường kinh doanh Arison, cho rằng kỳ vọng xã hội thực sự tồn tại và tác động sâu sắc hơn mọi người vẫn nghĩ. "Phát hiện này ngụ ý rằng các yếu tố cá nhân khác như giới tính, dân tộc thậm chí có thể còn quan trọng hơn cái tên trong việc định hình con người trưởng thành" - ông nói.

Góc nhìn tâm lý học có một khái niệm tương thích với kết quả trên là lời tiên tri tự ứng nghiệm (self-fulfilling prophecy). Hiện tượng tâm lý này diễn giải nếu chúng ta tin rằng điều gì đó sẽ xảy ra, hành vi của ta có thể vô tình khiến điều đó thành sự thật. Các nhà tâm lý học xã hội cho rằng lời tiên tri tự ứng nghiệm giải thích cách mà kỳ vọng và nhận thức có thể ảnh hưởng đến hành vi và kết quả.

Cái tên có làm nên nhân diện, tính cách? - Ảnh 2.

Thật ra, bản thân mỗi chúng ta cũng bị các quan niệm xã hội cố hữu định hình hình dung về những người có tên đó. Đây là nguyên nhân tại sao trong một nghiên cứu tương tự cũng do Zwebner thực hiện hồi năm 2017, những người tham gia chỉ khớp tên - khuôn mặt tốt nhất khi dữ liệu đến từ cùng nền văn hóa với họ. Còn khác nền văn hóa, người ta cũng đoán… trật lất.

Cụ thể, Zwebner tập hợp 70 người ở Israel, 115 người ở Pháp rồi cho họ xem ảnh chân dung của 25 người lạ hoàn toàn, mỗi ảnh đi kèm 4 cái tên để chọn 1. Những người ở Israel ghép đúng khoảng 30%, nhóm người ở Pháp thì đúng 40%. Khi xáo trộn chân dung người Israel cho người Pháp, và ngược lại thì kết quả tệ hơn là "đánh lụi".

Các nhà nghiên cứu cho biết sự quen thuộc với tên và khuôn mặt "địa phương" thông qua việc tiếp xúc nhiều lần có thể giúp mọi người phát triển khả năng nhận biết diện mạo khuôn mặt "đúng". 

"Vì tên được dùng để nhận dạng một cá nhân và giao tiếp với cá nhân đó hằng ngày, nên nó đóng vai trò là cơ sở cho nhận thức của một người về bản thân, đặc biệt là trong mối quan hệ với người khác" - nhà tâm lý học David Zhu tại Đại học Arizona, chuyên nghiên cứu về tên gọi, giải thích với BBC.

Cái tên nó vận vào nghề

Định hình khuôn mặt, tính cách thôi chưa đủ, cái tên còn vận vào đời mỗi người khi ảnh hưởng đến cả nghề nghiệp của họ. Trong tâm lý học, lý thuyết này được gọi là thuyết quyết định danh phận (Nominative determinism, ND). Theo thuyết này, người ta có xu hướng hướng đến những lĩnh vực công việc phù hợp với tên của họ.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Utah đã nạp 3.410 mẩu dữ liệu từ Cục An sinh xã hội Mỹ, gồm 508 nghề nghiệp và nơi sinh sống thuộc 14.856 thành phố trong khoảng năm 2011 - 2020 lên các mô hình ngôn ngữ lớn để xem tên quan trọng đối với danh tính cá nhân thế nào. 

Sau khi kiểm soát các yếu tố giới tính, dân tộc, kết quả là tên và nghề nghiệp có sự tương đồng qua nhiều thập kỷ, ví dụ như ai tên Dennis (nha) phần đa sẽ làm nha sĩ, tên "Baker" (thợ bánh) có xu hướng trở thành người làm bánh (với tiếng Việt, người tên Ngân có thể làm thu ngân hay chuyện liên quan tới tiền bạc chẳng hạn).

Nghiên cứu cho thấy thuyết quyết định danh phận có biểu hiện ổn định trong suốt thế kỷ 20. Ở đầu thế kỷ, tương quan này ở đàn ông thể hiện mạnh mẽ hơn, và đến cuối thế kỷ thì lại quan sát được nhiều hơn ở phái nữ. 

Sự thay đổi này cho thấy khi các chuẩn mực xã hội phát triển, cho phép phụ nữ có nhiều quyền tự do hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp, tên của họ dần đóng vai trò quan trọng hơn trong bản sắc nghề nghiệp.

Cái tên có làm nên nhân diện, tính cách? - Ảnh 3.
Cái tên có làm nên nhân diện, tính cách? - Ảnh 4.

Hai trường hợp "tên vận vào nghề": Cô Blizzard (bão tuyết) làm phát thanh viên thời tiết, và anh Kitchin (phát âm giống nhà bếp) làm đầu bếp.

Tên xấu, tên lạ thì sao?

Lướt qua hàng loạt nghiên cứu, chắc các bậc phụ huynh lại càng hoang mang khi đặt tên cho con. Ở Việt Nam, ông bà xưa có mẹo là để đứa nhỏ dễ nuôi, cứ chọn cái tên nào xấu xấu chút là ổn. Nghe kỳ kỳ nhưng không hẳn vô lý. 

Cái tên ít phổ biến có thể bất lợi khi còn nhỏ vì người xung quanh sẽ thấy ít thiện cảm với cái tên đó. Nhưng về lâu dài, tên độc lạ tạo cảm giác độc đáo về bản thân, khi đó nó lại là lợi thế.

Trong một nghiên cứu, Huajian Cai và các đồng nghiệp tại Viện Tâm lý học Bắc Kinh (Trung Quốc) phát hiện người có tên hiếm hơn sẽ có nhiều khả năng có một sự nghiệp khác thường hơn, chẳng hạn như đạo diễn phim hay thẩm phán.

Còn theo nhà tâm lý học David Zhu và các đồng sự tại Đại học bang Arizona thì có một cái tên khác thường thậm chí có thể thúc đẩy con người sáng tạo và cởi mở hơn. Nhóm của Zhu đã kiểm tra chéo tên của các giám đốc điều hành tại hơn 1.000 công ty, phát hiện ra rằng tên càng hiếm thì các chiến lược kinh doanh mà họ có xu hướng theo đuổi càng đặc biệt.

Năm 2020, Cai và các đồng nghiệp tại Viện Tâm lý học Bắc Kinh công bố thêm một phát hiện thú vị: người tên xấu dễ thành tội phạm. 

Sau khi phân tích dữ liệu trên 980.000 tội phạm người Trung Quốc và so nó với nhóm đối chứng gồm 1 triệu người không phạm tội, nhóm nghiên cứu chỉ ra: những người có tên không phổ biến, tiêu cực hoặc hàm ý kém đạo đức hơn sẽ có nhiều khả năng phạm tội liên quan tới bạo lực và xâm phạm tài sản. 

Giả thuyết đặt ra là người mang tên có vẻ tiêu cực có nguy cơ bị xã hội từ chối và tăng nguy cơ phát triển tính cách khó chịu, vì thế có nhiều khả năng phạm tội hơn.

Một nghiên cứu ở Mỹ năm 2009 cũng phát hiện mối tương quan giữa những tên gọi hiếm/độc lạ, hoặc có cách viết khác thường với khả năng vi phạm pháp luật. Tất nhiên tên độc lạ không phải là cái tội, song nó có mối tương quan với các yếu tố xã hội khác, chẳng hạn như địa vị kinh tế - xã hội thấp và cuộc sống gia đình khó khăn, tất cả đều có thể dẫn tới phạm tội, theo nhóm tác giả từ Đại học Shippensburg.


Trong quyển Freakonomics (Kinh tế học hài hước, 2005) hai tác giả Steven Levitt và Stephen J. Dubner dẫn câu chuyện về một người đàn ông ở thành phố New York tên Robert Lane đã quyết định gọi bé trai của mình là Winner (Người chiến thắng). Ba năm sau, khi đứa con thứ bảy ra đời, ông đặt cho cậu út là Loser (Kẻ chiến bại), đơn thuần vì thích chơi chữ, đã thắng phải có thua.

Nếu Winner Lane được cho là khó có thể bị thất bại, vậy Loser Lane có thể thành công hay không? Cuối cùng, khi trưởng thành, Loser Lane cực kỳ thành công, trở thành cảnh sát, còn Winner Lane là tội phạm nhiều tiền án tiền sự. "Rõ ràng, Robert Lane đã sai - cái tên không nói lên số phận - có lẽ ông ta đã gây ra mâu thuẫn giữa hai cậu con trai của mình" - các tác giả viết.

Levitt và Dubner kết lại chương về cái tên và số phận này như sau: "Đa số các vị phụ huynh dùng tên đặt cho con để hàm ý những kỳ vọng của riêng họ về mức độ thành công của con cái họ. Cái tên có thể không phải để tạo nên sự khác biệt. Nhưng ít nhất các vị phụ huynh cảm thấy tốt hơn khi biết rằng ngay từ đầu họ đều cố gắng hết sức".

Nếu tất cả những kết quả khoa học khiến người làm cha mẹ bối rối, có lẽ chỉ cần nhớ thế thôi.

Một nghiên cứu của Đức công bố hồi năm 2011 cho thấy cái tên cũng ảnh hưởng tới thành bại khi dùng trang web hẹn hò. Cụ thể, những cái tên lỗi thời dễ bị từ chối hơn là những cái tên đang thịnh hành.

Cũng tại Đức, nghiên cứu xuất bản năm 2021 phát hiện người ta sẽ ít giúp đỡ một người lạ có tên mà họ nghĩ là tiêu cực (ví dụ như Cindy và Chantal) hơn so với tên họ đánh giá tích cực (như Sophie và Marie).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận