24/07/2024 09:46 GMT+7

Cải tạo kênh rạch: Chính sách cho nhà không có đất cần đột phá hơn

Dự án cải tạo bờ bắc kênh Đôi tại quận 8 có 1.005 hộ dân phải giải tỏa toàn bộ. Tuy nhiên chỉ có 96 hộ là có giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất. Trong đó có 727 hộ sử dụng đất trước 15-10-1993.

Cải tạo kênh rạch: Chính sách cho nhà không có đất cần đột phá hơn- Ảnh 1.

Người dân sống ven kênh rạch ở TP.HCM nhiều năm mang nhiều lo lắng về nơi ở mới (ảnh chụp ngày 23-7) - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Hộ bà Trương Thị Mộng Tuyền (54 tuổi) là một trong số đó.

Bà Tuyền cho biết năm 1968, do nhà bị cháy, cha mẹ bà dựng tạm căn nhà trên đường Hoài Thanh, bên bờ bắc kênh Đôi để sống tạm. Thời điểm đó, cha mẹ bà là một trong những người dân đầu tiên đến đây dựng nhà. Sau đó, người dân tứ phương đến TP.HCM lập nghiệp, vì nghèo khó nên cũng chọn bờ bắc kênh Đôi để dựng nhà sống tạm.

Qua nửa thế kỷ, con đường Hoài Thanh từ những bãi cỏ hoang sơ giờ đây đã lấp đầy bằng những dãy nhà tạm bợ, nửa trên đất, nửa dưới kênh.

Do quá trình lịch sử, căn nhà rộng 28m2 của cha mẹ bà Tuyền đến nay đã được cấp quyền sử dụng nhà đất.

Tuy nhiên, gia đình bà là một trong số ít hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận, đa số các hộ dân ở đường Hoài Thanh hiện nay đều sống trong các căn nhà không có giấy tờ. Bà Tuyền cho biết vài tháng trước, khi chính quyền địa phương đến lấy ý kiến về dự án cải tạo bờ bắc kênh Đôi, người dân ở đây lo lắng lắm.

Trước đó, chính quyền đề xuất phương án hỗ trợ tối đa bằng 40% giá bồi thường đất ở. Nhưng vì đặc thù nhà khu vực này là lấn chiếm, diện tích chủ yếu ở trên kênh nên dù được hỗ trợ thì người dân cũng khó tạo lập lại cuộc sống mới.

Trước thông tin Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đề xuất hỗ trợ 70% giá bồi thường đất ở, bà Tuyền cho rằng đây có thể là con số khả quan hơn.

Tuy nhiên ở bờ bắc kênh Đôi có đến 148 hộ ở hoàn toàn trên rạch và 685 nhà một phần trên đất, một phần trên rạch, bà Tuyền mong muốn tiếp tục có phương án hỗ trợ tốt hơn cho các hộ dân này.

"Ai cũng biết là nhà đất lấn chiếm, khi chính quyền giải tỏa thì phải chấp thuận nhưng đa số người dân ở đây đều nghèo khổ, hỗ trợ thấp thì không thể nào sống được", bà Tuyền nói.

Đi dọc bờ kênh Đôi (đoạn phường 14, quận 8) có thể thấy hàng trăm căn nhà nhỏ lụp xụp nối tiếp nhau nằm thụt xuống so với mặt đường. Bà Nguyễn Thị Loan (ngụ phường 14, quận 8) cho hay trước năm 1975 gia đình từng có mảnh đất nhỏ cũng gần kênh Đôi này, nhưng sau đó phải bỏ để đi "kinh tế mới".

Năm 1978 gia đình bà quay về đây được người thân cho lại mảnh vườn cạnh bờ kênh và trở thành ngôi nhà tạm bợ che nắng mưa cho gia đình ba thế hệ đến tận giờ.

Bà Loan nói đã nghe chủ trương di dời từ năm 2018, nhưng vì căn nhà không có bất kỳ giấy tờ pháp lý nào, bà cũng chỉ biết trông chờ chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

"Nhà nước chủ trương thì mình đồng thuận thôi, chỉ mong khoản hỗ trợ kha khá để di dời vẫn có được một nơi ở mới cho con cái lập nghiệp, cháu đi học không quá xa trường. Giải tỏa mà mua cái nhà nhỏ không đủ nữa thì không biết sống sao", bà Loan tâm tình.

Còn với dự án rạch Xuyên Tâm, nhiều hộ dân tại phường 15 (quận Bình Thạnh) cũng ngày qua ngày trông chờ phương án hỗ trợ từ chính quyền.

Gia đình bà Nguyễn Thị Minh Thủy (phường 15, quận Bình Thạnh) gồm bốn người ở trong ngôi nhà chỉ rộng khoảng 30m2. Căn nhà đơn sơ, núp trong con hẻm nhỏ nhưng lại là cả gia tài vợ chồng bà Thủy tích góp mua được sau quãng đời ở thuê tại Sài Gòn.

Bà Thủy là trụ cột chính trong nhà (bán dạo bánh tráng trộn) với chồng đang bệnh, lúc nhớ lúc quên và hai con nhỏ đang tuổi đến trường.

Với 100% diện tích nhà trên mặt đất, theo đề xuất gia đình bà sẽ được hỗ trợ 70% giá bồi thường về đất với toàn bộ diện tích nhà. Bà Thủy cho biết chỉ mong nhận được phần hỗ trợ đủ tiền để mua một mảnh đất mới thay vì tái định cư, bởi việc học hành của các con và công việc mưu sinh đang gắn liền nơi này.

"Chúng tôi chỉ chờ xem phương án bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước ra sao để mà an lòng dời đi" - bà Thủy nói.

TS Nguyễn Minh Hòa (phó chủ tịch Hội Quy hoạch TP.HCM):

Phải hỗ trợ người dân tối đa trong khả năng

Giá trị đề xuất hỗ trợ theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường rất nhỏ, thực chất người dân sẽ không làm được gì và có thể sau khi nhận tiền, họ lại đến một nơi nào đó tiếp tục dựng nhà ven kênh, rạch. Vì thế TP phải hướng đến mục tiêu tái định cư cho người dân, phải hỗ trợ người dân tối đa trong khả năng.

TP.HCM hiện có 22.000 căn nhà trên và ven kênh rạch mà thời gian qua có giải tỏa được đâu. Trong khi việc giải tỏa các trường hợp này hướng đến rất nhiều mục tiêu về môi trường, giao thông...

Nếu theo phương án của Sở Tài nguyên và Môi trường, phần đất có nguồn gốc sông ngòi, kênh rạch nên hỗ trợ 100% giá bồi thường về đất theo giá thị trường của Luật Đất đai mới.

Phần còn lại ở mặt nước ít nhất 70% bởi nếu một căn nhà hoàn toàn trên mặt nước, tổng giá trị các thanh gỗ, bao bố, tôn lợp rất thấp. Việc để các dự án cải tạo, di dời nhà ven kênh "lằng nhằng" sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề nguy hiểm như vụ cháy vừa rồi ở quận 8.

Đề xuất tới 70% giá bồi thường đất ở cho nhà trên, ven kênh rạch TP.HCMĐề xuất tới 70% giá bồi thường đất ở cho nhà trên, ven kênh rạch TP.HCM

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM kiến nghị chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với dự án thu hồi đất, di dời nhà trên và ven kênh rạch.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên