Ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB & XH) |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB & XH) cho biết như trên. Ông Hiền nói:
Đúng là các hướng dẫn về thực hiện cai nghiện bắt buộc theo Luật xử lý vi phạm hành chính là chưa đầy đủ, một số bộ ngành còn thiếu văn bản hướng dẫn. Ví như Bộ Y tế thiếu văn bản hướng dẫn về quy trình, thủ tục xác định người nghiện ma túy, Bộ Tư pháp cũng chưa hướng dẫn các biểu mẫu, trình tự đưa người nghiện ma túy vào giáo dục tại xã, phường, thị trấn, dẫn tới khó triển khai.
Trước kia, việc quyết định đưa người nghiện đi cai nghiện là quyền của chủ tịch UBND cấp huyện, bây giờ phải có phán quyết của tòa án nhân dân cấp huyện. Về trình tự, thủ tục có thể nói quy định quá kỹ và quá chặt chẽ. Ví như công an cấp xã bắt được người sử dụng ma túy thì trình chủ tịch UBND cấp xã, sau đó lập hồ sơ. Trong quá trình này còn phải xác định xem có đúng người đó phải là người nghiện ma túy không hay mới chỉ là lạm dụng, mới sử dụng. Đây là điểm khác biệt lớn so với trước, dẫn tới khó khăn trong triển khai.
Việc xác định người đó có nghiện không thật sự không đơn giản. Ngay giai đoạn đầu dù người nghiện có nơi cư trú ổn định hay là đối tượng lang thang thì để xác định được tình trạng nghiện cũng mất rất nhiều thời gian. Để xác định được họ nghiện có thể mất tới 72g, thậm chí mất nhiều thời gian hơn nếu là nghiện ma túy tổng hợp. Rồi cả chuyện không có cơ sở pháp lý nào để giữ được những người này đủ từng đấy tiếng để làm các bước xác định nghiện, do chưa có cơ sở pháp lý nên thực hiện là rất khó.
* Ngoài ra còn khó trong việc quản lý đối với những trường hợp người nghiện không có nơi cư trú ổn định, đối tượng lang thang, thưa ông?
Khó và không khả thi là ở chỗ này. Thứ nhất, tổ chức xã hội nào mà quản lý được người nghiện. Về pháp lý không có cơ sở nào để quản lý và giữ những người này hàng chục ngày như thế. Thứ hai, không có tổ chức xã hội nào lại có đủ ba phòng là phòng cắt cơn nghiện, phòng lưu bệnh nhân và phòng trực của cán bộ y tế và cán bộ bảo vệ. Đặc biệt là cơ sở đó phải có ít nhất 3 y bác sĩ và một bảo vệ, cái này là rất khó thực hiện cả về pháp lý và cơ sở vật chất, cấn bộ thực tiễn.
Theo luật xử lý vi phạm hành chính, để đưa người nghiện vào cai nghiện bắt buộc, trước hết phải giáo dục tại xã, phường. Thế nhưng việc giáo dục ở xã phường bao gồm cả ở cộng đồng và gia đình hiện nay được đánh giá là chưa hiệu quả, nhiều tỉnh chưa thực hiện. Vì vậy, một loạt các vấn đề đang rất vướng từ trình tự, thủ tục, cơ sở pháp lý, vật chất.
* "Vướng" này có phải là do quá trình xây dựng Luật chưa được bàn kỹ và chưa lường hết được những khó khăn?
Cũng đã có ý kiến nói trong quá trình xây dựng Luật xử lý vi phạm hành chính, những nhà làm luật quá trú trọng vào việc đảm bảo các quyền của người nghiện mà chưa thật chú ý đến điều kiện thực tiễn ở VN và tình trạng nghiện ở VN. Và để có đủ điều kiện về kinh tế xã hội, tổ chức xã hội có thể làm được như trong luật đề ra chắc một thời gian dài nữa mình mới làm được, do vậy quá trình thực hiện các quy định trong luật mới khó thực hiện như hiện nay.
* Vậy theo ông, cần phải có giải pháp, kiến nghị nào để vừa đưa được người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc mà vẫn đảm bảo các quyền con người?
Những vướng mắc do chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện thì tự địa phương cũng không tháo gỡ được, mà phải có sự thay đổi từ trong luật. Tôi nghĩ, phải điều chỉnh, bổ sung một số điều khoản của luật. Luật là để phục vụ cuộc sống, phục vụ con người, nếu có vướng mắc, khó khăn tới mức không thực hiện được mà chậm sửa đổi, thì cần phải tháo gỡ ngay.
Có gì phải nặng nề? Lâu nay vấn đề cai nghiện bắt buộc luôn có quan điểm nhìn nhận nặng nề, cứ nghĩ bắt buộc là không tốt. Tuy nhiên, vấn đề cai nghiện bắt buộc là vì sức khỏe, vì sự hồi phục, vì sự phát triển của người nghiện, và cho bản thân họ, gia đình họ, cho cả cộng đồng xã hội thì đâu có gì phải nặng nề. Phải nhìn nhận khách quan đưa người nghiện vào cai nghiện bắt buộc đâu phải để đày đọa, mà vào đó để cắt cơn, giải độc, để giáo dục hành vi, nhân cách, để mà chữa được bệnh rối loạn não bộ, tìm kiếm cơ hội có công ăn việc làm, đó là giải pháp tốt chứ đâu mang tính chất là hạn chế quyền con người. Tôi nghĩ nên có quan điểm khách quan để có những quy định có tính chất đặc thù, ví như với những người nghiện ma túy mà có tiền án, tiền sự, có nhiều hành vi ảnh hưởng đến cộng đồng thì có thể xem xét hạn chế những quyền cá nhân của họ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến những quyền chân chính, quyền sống và phát triển lành mạnh của cả cộng đồng xã hội. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận