17/11/2014 10:41 GMT+7

Cai nghiện bằng methadone: không có nơi nhận

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TT - Ngày 31-10, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone.

Bệnh nhân uống methadone tại Trung tâm Tư vấn và cai nghiện TP.HCM (quận Thủ Đức) - Ảnh: Tiến Long

Tại TP.HCM, mặc dù đã có đề án mở rộng điều trị nhưng đến nay số người được uống methadone vẫn ít ỏi so với số người nghiện.

Nhiều người nghiện ma túy và gia đình họ cho biết có tìm đến các điểm điều trị cai nghiện thay thế bằng methadone với hi vọng được điều trị, từ bỏ được ma túy, làm lại cuộc đời nhưng không được tiếp nhận.

Không nhận người nghiện quận khác

Dắt con trai đến xin uống methadone tại khoa tham vấn và hỗ trợ cộng đồng quận 4, bà N.T.N. (phường Phú Mỹ, quận 7) năn nỉ các nhân viên nhận con của bà nhưng bà chỉ nhận được cái lắc đầu.

“Họ bảo bây giờ thuốc có hạn chỉ nhận người trong quận thôi, không nhận người các quận khác. Nhưng quận 7 đâu có điểm methadone. Giờ tôi phải làm sao?” - bà N. nói.

Con trai bà N. năm nay 31 tuổi, hít heroin mỗi ngày 500.000-600.000 đồng và đã nhiều lần cai nghiện ở trung tâm, dịch vụ nhưng vẫn tái nghiện, chỉ còn mong vào methadone.

Bà bán đồ chơi trẻ em, không đủ tiền lo cho con đi cai dịch vụ nữa. Người mẹ nghèo vừa nói vừa chảy nước mắt: “Nhà có hai mẹ con, nay nó cũng muốn cai để mẹ con sống cuộc sống bình thường mà cả năm nay đi mấy quận không nơi nào nhận”.

Tương tự, anh N.V.Nghĩa (quận 3) muốn xin cai cho người cháu đã nghiện nhiều năm nay ở các quận Gò Vấp, Bình Thạnh nhưng cũng không được nhận.

Anh bức xúc cho rằng chính sách cho người nghiện cai bằng methadone tại cộng đồng là cơ hội cho nhiều người nghiện làm lại cuộc đời, nhưng lại bất công vì quận có quận không, trong khi quận có thì không chịu nhận người nghiện ở các quận khác.

Vẫn chưa mua được methadone

Theo đề án mở rộng cai nghiện thay thế bằng methadone được TP.HCM phê duyệt thực hiện vào quý 3-2014, TP.HCM sẽ tăng số người điều trị từ trên 1.600 lên 4.000 vào cuối năm 2014 và 8.000 vào năm 2015, mở điểm điều trị methadone tại tất cả các quận, huyện.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM, đến nay số người được điều trị mới chỉ nhích thêm trên 200 người (số người nghiện được điều trị bằng methadone tính đến giữa tháng 10-2014 là 1.775 người).

Một số điểm điều trị đã được thành lập nhưng vẫn chưa thể cấp thuốc.

Cụ thể, đến nay cơ sở điều trị methadone tại quận 12 đã được Sở Y tế cấp phép hoạt động nhưng chưa có thuốc nên chưa thể nhận bệnh nhân.

Quận Tân Bình cũng đưa vào hoạt động điểm điều trị tại quận này nhưng chỉ tiếp nhận hơn 50 bệnh nhân, sau đó phải ngưng mặc dù lượng hồ sơ nhận được gấp đôi, gấp ba.

Thạc sĩ Mai Thị Hoài Sơn - cán bộ chương trình methadone của Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM - cho biết chương trình điều trị methadone được triển khai tại TP.HCM từ năm 2008 hoàn toàn bằng nguồn viện trợ quốc tế và bị khống chế trần thuốc nên không thể mở rộng thêm bằng nguồn này.

Trong khi đó, TP.HCM lại chưa mua được thuốc methadone để thực hiện xã hội hóa và mở rộng điều trị theo đề án, mặc dù đã duyệt chi 7,7 tỉ đồng cho việc mua thuốc methadone.

Hiện TP.HCM mới chỉ có tám điểm điều trị methadone tại bảy quận, huyện. Ban đầu các quận, huyện có điểm điều trị cũng nhận bệnh nhân chuyển gửi từ các quận, huyện khác nhưng đến nay hầu hết không còn tiếp nhận nữa.

“Gói thầu thuốc methadone nằm chung với gói thầu thuốc y tế khác nên bị lệ thuộc. Hiện nay gói thuốc y tế gặp trục trặc do có một số loại thuốc không nằm trong danh mục đang phải điều chỉnh dẫn đến gói thuốc methadone cũng không thực hiện được” - bà Sơn cho biết.

Do đó trong năm nay có thể chưa thực hiện được việc mở rộng điều trị methadone theo đúng tiến độ mà phải chờ đến quý 1-2015.

“Mượn thuốc”

Theo thông tin từ Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM, để hỗ trợ TP.HCM có nguồn thuốc cung cấp cho một số điểm methadone trong thời gian chờ đấu thầu, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã lên kế hoạch mượn thuốc từ nguồn của dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS.

Hiện tại, quỹ này đã chấp thuận tài trợ thuốc cho thêm 10 điểm uống, mỗi điểm khoảng 300 bệnh nhân. Dự kiến nguồn thuốc này sẽ phân bổ cho các điểm điều trị tại quận 1, 12, Bình Tân, huyện Bình Chánh đang trong quá trình xét duyệt cấp phép đưa vào hoạt động và một số quận, huyện khác.

Đến năm 2015, TP.HCM sẽ hoàn tất mở điểm điều trị methadone tại tất cả quận, huyện còn lại chưa có điểm điều trị, đồng thời thí điểm mô hình điểm phát thuốc tại phường, xã ở các quận 4, 6 và Thủ Đức.

 

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên