Đêm diễn “Gửi người tri kỷ 1” của NSND Bạch Tuyết chỉ có tiếng hát của bà và tiếng đàn của NSND Thanh Hải mà khiến khán giả xúc động - Ảnh: LINH ĐOAN
Tối 28-1, đêm "Gửi người tri kỷ" của nghệ sĩ Bạch Tuyết thực sự đã đem lại nhiều cảm xúc cho người xem. Khán phòng khoảng 200 ghế chật kín khán giả.
Không có cảnh trí, chỉ có tiếng đàn của NSND Thanh Hải và tiếng hát của nghệ sĩ Bạch Tuyết mà hơn hai giờ trôi qua thật thú vị. Bạch Tuyết hát, rồi tâm sự với khán giả, cứ vậy mà tỉ tê đi qua những miền cảm xúc.
Góp thêm một không gian cho cải lương
Xem "Gửi người tri kỷ", ông bầu trẻ Gia Bảo thích quá, vậy là nảy ra ý định tổ chức tiếp những đêm cải lương ở phòng trà. Cách làm của anh là tôn vinh những gương mặt nghệ sĩ cải lương được công chúng yêu mến và có những đóng góp cho loại hình này.
Đêm đầu tiên Bảo "tấn công" vô phòng trà là chương trình dành riêng cho nghệ sĩ Thanh Hằng tối 4-4 tại phòng trà We.
Chương trình mới xong chưa được bao lâu, lại thấy anh rục rịch làm sô cho nghệ sĩ Hồng Nga - Kiếp cầm ca tối 9-5 tại phòng trà Không Tên với sự tham gia của các nghệ sĩ Minh Vương, Vũ Linh, Thoại Mỹ, Linh Tâm, Minh Nhí, Hữu Quốc, Quốc Đại, Tú Sương, Võ Minh Lâm, Đàm Vĩnh Hưng, Phi Nhung...
Nghệ sĩ Bạch Tuyết sau thành công của chương trình "Gửi người tri kỷ" đã lên kế hoạch tổ chức tiếp chương trình "Gửi người tri kỷ 2" tại phòng trà We tối 6-5 với người bạn thân 60 năm - "đệ nhất đào võ" Diệu Hiền.
Ra mắt tháng 10-2020, Sen Việt, mô hình cải lương sân khấu nhỏ với chừng 100 ghế tại Hội Sân khấu TP.HCM (5B Võ Văn Tần) vẫn đang cố gắng duy trì biểu diễn hằng tuần.
Thoại Mỹ hát trong một chương trình cải lương tại phòng trà ở Q.3, TP.HCM - Ảnh: GIA TIẾN
Dù ảnh hưởng tình hình chung của dịch COVID-19 nhưng Sen Việt vẫn đang nỗ lực tìm kiếm cách khai thác, tìm kiếm khán giả. Đạo diễn Lê Nguyên Đạt, chủ nhiệm sân khấu, làm việc với một số lãnh sự quán Hàn Quốc, Anh, Pháp... để biểu diễn phục vụ vở cải lương Nhật thực.
Áp dụng mô hình trả cátsê cho nghệ sĩ bằng vé để họ quảng bá vở diễn, sân khấu. Mới đây, anh đã mời các nghệ sĩ trong gia đình nghệ sĩ Minh Tơ tổ chức suất diễn định kỳ tại Sen Việt để khán giả muốn xem cải lương tuồng cổ thương hiệu Minh Tơ có thể đến với điểm hẹn này.
Suất diễn đầu tiên ngày 1-5 đã bán hết vé, các nghệ sĩ đang quảng bá cho suất diễn tiếp theo vào ngày 14-5.
Tín hiệu vui đó khiến Nguyên Đạt tiếp tục lên kế hoạch chương trình cải lương thiếu nhi định kỳ sáng chủ nhật hằng tuần, nghệ sĩ nòng cốt sẽ là các diễn viên nhí thuộc thế hệ thứ 6 của Đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ.
Nhìn sâu vào mắt nhau
Thật ra, việc đưa cải lương vào phòng trà đã được ông bầu Trần Anh Khoa khởi xướng và thực hiện từ cuối năm 2011 với sự hỗ trợ của soạn giả Hoàng Song Việt, NSƯT Hữu Quốc... tại các phòng trà Tiếng Xưa, Nam Quang...
Lý do rất ngộ là vì mê cải lương nên ông bầu này tự tổ chức chương trình... cho mình coi, đồng thời phục vụ khán giả. Ngày đó, được sự ủng hộ của các chủ phòng trà, Anh Khoa chọn làm định kỳ vào những ngày phòng trà... rảnh và bán vé khá mềm (khoảng 200.000 đồng/vé).
Sau chừng chục chương trình đã tổ chức, Anh Khoa cho hay buổi nào lời khá lắm được... vài trăm ngàn đồng!
Với nghệ sĩ Bạch Tuyết, bà không hề đặt nặng chuyện doanh thu, lời lỗ khi hát cải lương ở phòng trà. "Ở cái tuổi thất thập cổ lai hi rồi, có phải là ngôi sao gì nữa đâu nên với tôi mong muốn có một không gian ấm cúng để mình tâm sự, mình nói với nhau về sự biết ơn.
Ba Năm Châu thường nói rằng khán giả là người thầy sau cùng của mình. Vì vậy ở không gian gần gũi như thế này, mình với khán giả có thể nắm tay nhau, nhìn sâu vào mắt nhau".
Hữu Quốc - Thanh Hằng trong một chương trình cải lương phòng trà - Ảnh: GIA TIẾN
Kết thúc đêm diễn "Gửi người tri kỷ 1", với tình cảm nồng ấm của khán giả, bà đã thức tới sáng không ngủ được. Có khán giả còn xúc động bảo bà làm... 50 đêm như thế đi, tài chính không phải lo.
Gia Bảo chia sẻ tiền thuê một đêm ở phòng trà không hề rẻ, có thể gấp đôi so với số tiền thuê một đêm ở Nhà hát Trần Hữu Trang. Vì vậy tổ chức cải lương ở mô hình này cũng phải đau đầu tính toán. Anh nói: "Mình chỉ dám tổ chức khi những người chủ phòng trà có thiện ý, hỗ trợ. Anh chị em nghệ sĩ thân thiết chia sẻ".
Sự nở rộ mô hình cải lương ở phòng trà, sân khấu nhỏ ở thời điểm hiện tại như là cách góp thêm một không gian biểu diễn cho sân khấu cải lương, thỏa cơn khát của khán giả.
Tuy nhiên, điều khiến người ta muốn tìm đến không gian nơi đây là sự thư giãn, những cảm xúc chân thật, gần gũi, được thưởng thức những giọng ca mà họ yêu quý.
Thế nên, về lâu dài nếu những người tổ chức quên đi điều đó, vì áp lực doanh thu mà phải kê thêm quá nhiều ghế trong không gian nhỏ, rồi bán giá vé quá cao có thể sẽ khiến khán giả ngán ngại...
Phương Loan - Thoại Mỹ - Thanh Hằng hát bài tân cổ Lòng mẹ trong chương trình Cải lương tại phòng trà - Ảnh: GIA TIẾN
Quan trọng là cảm xúc thật
Đạo diễn Lê Nguyên Đạt phân tích mô hình cải lương ở phòng trà, sân khấu nhỏ không quá áp lực về số ghế, ít tốn cảnh trí, âm thanh, ánh sáng...
Nếu người tổ chức nâng giá vé lên cao chút thì có thể đảm bảo đủ thu chi, số lượng vé chừng 200 sẽ tạo ra tình trạng "cháy vé", khiến khán giả không mua được vé sẽ cảm thấy... thèm!
Tuy nhiên, "Cái quan trọng, thu hút nhất của cải lương ở phòng trà là cảm xúc rất thật. Khoảng cách quá gần nên nghệ sĩ không thể hát nhép, hơi thở mệt chút cũng sẽ bị phát hiện. Vì vậy, lực hút tự thân của nghệ sĩ là yếu tố số 1.
Người nghệ sĩ đó phải thật sự có tài, bản lĩnh, sự linh hoạt và sức khỏe để duy trì mạch cảm xúc của đêm diễn suốt mấy giờ liền" - ông Nguyên Đạt nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận