08/12/2015 09:04 GMT+7

Cải lương Kiên Giang tại Sài Gòn: đi coi là phải nghe cho đã

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TT - Cứ như lời hẹn ba năm một lần, sau hội diễn cải lương toàn quốc, đoàn cải lương Kiên Giang lại về Sài thành gặp gỡ khán giả TP.HCM...

Cảnh trong vở Cơn mê cuối cùng - Ảnh: Nguyễn Lộc
Cảnh trong vở Cơn mê cuối cùng - Ảnh: Nguyễn Lộc

Tối 5-12, Đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang có đêm diễn phục vụ khán giả vở Cơn mê cuối cùng (tác giả: Ngọc Linh, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc) tại Nhà hát TP.HCM. 

1. Cơn mê cuối cùng là câu chuyện về cô gái côi cút tên Mận (Thu Vân đóng) được gia đình ông Hai Khương (Bình Trọng) cứu sống và đem về nuôi. Sau đó, Mận nảy sinh tình cảm với Dũng (Bùi Trung Đẳng). Thế nhưng trong thời gian Dũng đi nghĩa vụ quân sự thì ở nhà Mận bất ngờ mang thai. Chòm xóm dòm ngó, thắc mắc về người cha bí ẩn của đứa bé...

Khác với sân khấu kịch hé lộ ngay từ đầu để khán giả biết được ai đã hại đời Mận, ở bản dựng cải lương, nút thắt này được giấu đến gần cuối để người xem cứ hoang mang, phán đoán... Sức nặng tâm lý nhân vật vì thế đã có một sự hoán đổi ngoạn mục.

Nếu ở kịch là ông Hai Khương thì ở cải lương, cậu Út Hơn (NSƯT Thanh Nam) gánh hết. Nghệ sĩ Thanh Nam với bản lĩnh của mình đã khiến khán giả khóc cười với Út Hơn. Sự dày dạn kinh nghiệm của anh và vợ, nghệ sĩ Y Phương (vai bà Hai) đã hỗ trợ tốt cho các diễn viên trẻ thể hiện trọn vẹn vai trò của mình và tạo nên một vở diễn hấp dẫn.

2. Từ vở Dòng nhớ (tham dự Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc 2012) đến Cơn mê cuối cùng, Đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang ngày càng biết tạo niềm tin và cảm tình với khán giả. Đó là cách chọn kịch bản vừa vặn sức mình, không choáng ngợp về mặt hình thức, không đông đảo diễn viên tham gia. Mỗi vở không quá 10 vai diễn nhưng vai nào ra vai đó.

Chủ đề các vở diễn chủ yếu xoay quanh tình cảm quê hương, gia đình với bối cảnh là vùng sông nước Nam bộ. Sự lựa chọn có vẻ gần gũi, khiêm nhường nhưng được đầu tư kỹ lưỡng từ cảnh trí trữ tình, trang phục dung dị của diễn viên đến phong cách dàn dựng, thể hiện vở diễn bài bản để đem đến tính hấp dẫn riêng cho mỗi vở diễn.

Đi coi cải lương là phải nghe ca cho đã và không thể bàn cãi, đoàn Kiên Giang lập tức ghi điểm với khán giả khi sở hữu các giọng ca rất hùng hậu. Trong đó nổi bật ba gương mặt trẻ: Thu Vân (Chuông vàng vọng cổ 2009), Bùi Trung Đẳng (Chuông vàng vọng cổ 2010) và Bình Trọng (giải ba Chuông vàng vọng cổ 2010).

Dù diễn xuất chưa phải là xuất sắc nhưng cả ba đều có sự tiến bộ qua từng vở, Thu Vân sở hữu giọng ca trong, ngọt và cao, Trung Đẳng và Bình Trọng có giọng ca hao hao nghệ sĩ Thanh Tuấn và Minh Vương, nhưng biết cách vận dụng để tỏa sáng chứ không trở thành bản sao mờ nhạt. Mỗi khi các bạn cất giọng đều nhận được rất nhiều tràng pháo tay khen ngợi, tán thưởng.

3. Năm năm trở lại đây, dấu ấn của NSƯT Thanh Nam - trưởng Đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang - thật đáng kể. Thanh Nam là nghệ sĩ đặc biệt, vào đoàn từ những năm 1978-1979 và dù hoạt động ở một đoàn hát tỉnh nhưng tiếng tăm của anh vươn tầm cả nước.

Anh đắt show không thua bất cứ danh hài nổi tiếng nào ở TP.HCM. Nhiều năm qua, NSƯT Thanh Nam nỗ lực đầu tư dựng vở sao cho hợp “khẩu vị” của khán giả cải lương, rèn luyện nghệ sĩ trẻ và tin tưởng đẩy họ bước lên trên đường sự nghiệp để tạo nên dàn diễn viên ngày càng được công chúng mến mộ.

Có một lực lượng diễn viên trẻ đang sung sức cộng với người lãnh đạo giỏi nghề, có cái nhìn tiến bộ, cải lương Kiên Giang đang là đoàn hát được khán giả, bạn nghề chờ đợi để xem trong từng mùa hội diễn. Và không nhiều đoàn trên cả nước được chờ đợi như thế.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên