11/11/2017 16:21 GMT+7

Cải lương - ca kịch: diễn viên trẻ còn khó, nói gì đến tài năng

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2017 từ ngày 4 đến 11-11 tại Đồng Nai đã đi đến ngày cuối.

Điều khiến công chúng lo ngại là tài năng dường như ngày càng hiếm và với các gương mặt ít ỏi được tìm thấy, làm sao để họ tỏa sáng? Trong 73 bài thi, có thể nói chưa bài thi nào được đánh giá là xuất sắc.

Theo tôi, những cuộc thi như thế này cần thiết cho các bạn trẻ. Đó là cơ hội cho các diễn viên trẻ tập dượt những vai diễn, trích đoạn khó, được học hỏi những người đi trước. Điều đó tốt cho con đường làm nghề, đừng quan tâm giải thưởng này nọ!

Đạo diễn - NSƯT HỮU LỘC

"Em diễn trích đoạn gì bây giờ?"

Số lượng tiết mục được đánh giá khá tốt chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Có thể kể ra như: 

- Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang có Người con gái đất đỏ (Nguyễn Thị Luận), Đời luận anh hùng (Nguyễn Thanh Toàn), Đêm hội Long Trì (Trần Ngọc Nhã Thi)

- Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định có Huyền Trân công chúa (Nguyễn Phương Phú)

- Đoàn văn công Đồng Tháp có Người con gái đất đỏ (Nguyễn Lệ Trinh), Người đưa đò (Nguyễn Thanh Phong)

- Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai có Độc thoại đêm (Nguyễn Thị Chúc)

- Đoàn cải lương Cao Văn Lầu có Miền nhớ (Nguyễn Văn Sơn)

- Nhà hát cải lương VN có Cung phi Điểm Bích (Nông Thị Gấm)... 

Với những tiết mục khác, vẫn còn nhiều thí sinh được phần ca thì hụt phần diễn hoặc ngược lại.

Việc tìm được thí sinh có khả năng ca trong diễn, diễn trong ca hài hòa, nhuần nhuyễn là một bài toán khó. 

Có những thí sinh chỉ cố gắng phô diễn kỹ thuật mà chưa thể chạm tới cảm xúc người xem. 

Do biểu cảm, diễn biến tâm lý nhân vật hời hợt nên đôi khi diễn viên khóc lóc thảm thiết trên sân khấu, khán giả vẫn không hiểu bi kịch của nhân vật là gì. 

Lại có diễn viên vào vai lão mà ngoại hình và giọng hát... không chịu già!

Trước cuộc thi, đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên (phó giám đốc Nhà hát cải lương VN) từng băn khoăn: "Tài năng trẻ cải lương dường như ngày càng hiếm!". 

Đạo diễn Lê Trung Thảo (phòng nghệ thuật Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang), người dàn dựng một số tác phẩm dự thi tài năng năm nay, cũng thở dài: "Tôi thấy buồn khi nhiều bạn trẻ đến mùa thi chạy đến hỏi tôi: Em thi trích đoạn gì bây giờ? 

Đáng lẽ các em phải cố gắng xem nhiều trích đoạn, vở diễn để lấy kinh nghiệm, xem rồi tự thấy mình hợp với nhân vật nào. Khi các em chọn xong, đạo diễn sẽ tư vấn cho các em kỹ hơn, chứ không thể chờ người khác quyết định cho mình!".

Khai mạc cuộc thi tài năng trẻ cải lương và dân ca kịch toàn quốc Cô bé 11 tuổi đưa cải lương vào ca kịch phương Tây Hội ngộ tài năng cải lương và nỗi nhớ của kiếp tằm…

Bài cũ soạn lại

Lĩnh vực cải lương tuy khó nhưng còn tương đối... dễ thở hơn dân ca kịch.

Ông Đỗ Ngọc Tân - Nhà hát nghệ thuật Khánh Hòa - cho biết từ năm 2003 đến nay đoàn mới có điều kiện tham gia cuộc thi tài năng như thế này.

Ông nói: "Tuổi trung bình diễn viên của đoàn đang khoảng 40 tuổi.

Năm năm nay, nhà hát trong tình trạng báo động về việc thiếu hụt lực lượng kế thừa.

Tìm diễn viên trẻ đã khó, nói gì đến tài năng".

Cuộc thi tài năng năm nay vẫn tồn tại tình trạng trùng lắp các tiết mục.

Với vai diễn công chúa An Thu (Đêm hội Long Trì), vai Đát Kỷ (Khát vọng Đát Kỷ), vai Lê Quyết (Trời Nam), mỗi vai có ba đoàn dựng. 

Các vai diễn Trần Thị Dung (Dấu ấn giao thời), Hiếu (Một phút một thời), Nam (Kiếp tằm), Võ Thị Sáu (Người con gái đất đỏ), Chiêu Linh hoàng hậu (Hồi xuân dược)... cũng có ít nhất hai đoàn "đụng hàng".

Lý giải nguyên nhân, đạo diễn Triệu Trung Kiên chia sẻ: "Cải lương, dân ca kịch thường không có quá nhiều tác phẩm, trích đoạn phù hợp để đi thi tài năng. 

Người ta lại có quan điểm những trích đoạn cũ, kinh điển đã đạt chuẩn mực nhất định nên thường được giữ nguyên và chọn đi thi".

Bấy lâu nay, chuyện thiếu hụt soạn giả cải lương mới vẫn là điều đau đáu của người làm nghề, vì vậy việc tìm ra tác phẩm mới, đủ đất để diễn viên lột tả tài năng cũng không phải dễ.

Trong khi đó, diễn viên cũng không bứt phá tìm được cách thể hiện riêng mà vẫn chọn lối diễn an toàn, vì vậy nên mờ nhạt, không vượt qua cái bóng của người đi trước và sự lặp lại cái cũ khiến người xem thấy nhàm chán.

Điều đáng lưu tâm nữa là công tác đạo diễn - người giữ vai trò quan trọng để dàn dựng sao cho thí sinh bộc lộ hết khả năng. 

Cuộc thi một lần nữa cho thấy đạo diễn cho bộ môn cải lương và dân ca kịch truyền thống còn rất thiếu những người có tài, có tư duy, cái nhìn mới. 

Chưa kể có những diễn viên sở hữu giọng ca tốt nhưng đạo diễn tham mảng miếng, diễn viên diễn quá nhiều nên đuối sức, không phô được giọng ca đẹp. 

Cũng có thí sinh ca - diễn khá, nhưng tiết mục được dàn dựng không tốt khiến phần thi mờ nhạt.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên