Diễn viên Hoàng Hải được nhân viên hậu đài chuẩn bị để vào vai Tạ Tốn có thể thực hiện các cảnh đu bay, đánh chưởng (phun khói) trong trích đoạn Ỷ thiên Đồ long kiếm - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trước đó, trong đợt hoạt động mở màn từ tháng 12-2018, nhiều khán giả đã bất ngờ khi tìm về vẻ đẹp của sân khấu thế kỷ 20.
Có những vẻ đẹp rất riêng và giá trị không hiểu sao theo thời gian cứ bị mai một dần...
Hồi trước mở màn một vở cải lương là người ta bật đèn dạ quang lung linh, đẹp lắm. Bây giờ có người xem màn hình LED là tiến bộ, là bối cảnh chính, song tôi thấy không phù hợp với cải lương và nhìn giả, khó chịu lắm!
Nghệ sĩ Lê Trung Thảo
"Đẹp mê hồn"
Trong ba ngày 17, 18 và 19-12-2018, tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã diễn ra các hoạt động mừng 100 năm sân khấu cải lương.
Trong đó các suất diễn ở sân khấu chính lầu 2 là nơi để khán giả tham quan hậu trường sân khấu, tìm hiểu các khâu chuẩn bị của nghệ sĩ trước khi bước ra sân khấu biểu diễn, xem các trích đoạn cải lương như Lão anh hùng họ Nguyễn, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Ỷ thiên Đồ long kiếm...
Những trích đoạn dàn dựng để người xem được ngắm lại những hình ảnh của cải lương xưa với cảnh trí thật (không dùng màn hình LED), micro treo và kéo trên sân khấu, những màn đánh chưởng, đu bay, bắn phi tiêu...
Đây là không gian thu hút và khiến nhiều khán giả thích thú. Những người lớn tuổi được sống lại không khí của ngày xa xưa, khi cánh màn nhung mở ra có thác đổ như thật, tiếng chim ríu rít, cảnh đánh chưởng như thật.
Diễn viên đóng vai Tạ Tốn bay vèo vèo trên không, mỗi phát "chưởng" ra là khói xịt mịt mù (khói tạo ra từ dây nối với bình khí nhỏ lận ở eo diễn viên). Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài thì có cảnh mộ vỡ ra, bươm bướm bay lên trông rất lãng mạn, rồi cảnh sấm chớp giật đùng đùng rất ấn tượng...
Có những người trẻ lần đầu đi xem lại ngạc nhiên không hiểu ngày xưa kỹ thuật hạn chế mà người ta có thể thiết kế sân khấu lung linh đến thế, thật và đẹp đến thế. Sau đó được lý giải, họ tròn mắt ngạc nhiên khi biết tất cả đều làm thủ công.
Cải lương thập niên 1970-1980 trong ký ức của nhiều nghệ sĩ như Hồng Vân, Kim Tử Long, Lê Trung Thảo... là "đẹp mê hồn". NSƯT Kim Tử Long so sánh: "Trong cảnh trí ngày xưa, cung đình sẽ có phông nền được vẽ thật đẹp, sống động, có cột rồng, bục bệ, hoa lá cỏ cây, màn nhung tuyệt đẹp.
Cảnh nhà hội đồng mở ra đúng là nhà... của ổng. Cột gỗ, bàn thờ cẩm lai, ghế... Rồi ánh sáng đánh vô rất đẹp. Còn bây giờ cung vua chỉ có cái bục, cái ghế cho vua ngồi, nhà hội đồng chỉ có bộ bàn ghế, bàn thờ, phông trắng trơn. Bắt khán giả tưởng tượng nhiều quá nên người ta không thích".
Nghệ sĩ Kim Tử Long cho rằng vì khó khăn nên người ta thường sử dụng màn hình LED cho tiện, đỡ chi phí hơn. Tuy nhiên, màn hình LED chỉ nên là phông hỗ trợ, vẫn phải cần thêm các cảnh trí nho nhỏ tô điểm thêm.
Anh bày tỏ tâm trạng: "Vẽ một cái phông tốn tiền mà diễn xong chẳng biết cất ở đâu. Ngày xưa các đoàn như Minh Tơ, Huỳnh Long, Sài Gòn 1, Sài Gòn 2... được cấp trụ sở riêng để vừa tập luyện vừa để cảnh trí, phục trang. Giờ các đoàn xã hội hóa lâu lâu làm một vở, chỗ đâu mà để cảnh trí.
Như vở Rạng ngọc Côn Sơn của công ty chúng tôi giờ cảnh bày đầy nhà. Gara xe được trưng dụng để chứa cảnh trí, tôi phải ra ngoài mướn chỗ gửi xe. Mà muốn tìm họa sĩ thiết kế trẻ cũng khó vì các em chưa có kinh nghiệm, chưa có sự am hiểu cải lương nhiều nên làm cảnh trí chưa đạt tới chiều sâu...".
Cảnh trong trích đoạn Lão anh hùng họ Nguyễn - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ám ảnh "cải cách"
Đạo diễn Ca Lê Hồng cho rằng sân khấu cải lương là loại hình nghệ thuật tương đối trẻ so với tuồng, chèo, nên có thể nói đến hiện tại loại hình này vẫn chưa định hình, vẫn tiếp tục thu nạp vào mình những cải cách, tiến bộ mới.
Soạn giả Hoàng Song Việt khẳng định cải lương vốn là cải cách. Cải cách trong từng vở một. Tuy nhiên, chúng ta đừng bị ám ảnh bởi chữ cải cách đến nỗi... hoảng loạn, làm đủ trò.
Ông chia sẻ có người cho rằng cải cách phải làm cái gì khác người, rồi thể nghiệm đủ thứ khiến cải lương bị biến dạng một cách khổ sở. "Như vậy rất nguy hiểm, vì có khi người trẻ sẽ bị rối vì không biết gương mặt nào là của cải lương!" - ông nói.
Trong một cuộc tọa đàm gần đây, một ý kiến trẻ cho rằng có những bạn trẻ thấy... mệt mỏi với sự lê thê của cải lương. Bạn nói một nhân vật sắp chết mà ca câu vọng cổ dài ngoằng thì khó thuyết phục.
Ông Trần Ngọc Giàu cho rằng: "Khi tôi dạy ở Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, hầu hết kịch bản kinh điển, cổ điển trước khi chết nhân vật đều nói đến... hai trang giấy.
Cải lương có đặc trưng riêng, tôi cho rằng tính tự sự của cải lương nằm trong bài vọng cổ. Khi chị Út Bạch Lan ca thì chị đang kể về nhân vật bằng giọng ca của mình. Khán giả mua vé xem anh Châu Thanh ca hơi dài mà không cho ảnh ca thì đâu được.
Tôi nghĩ tiết tấu của một vở diễn còn nằm trong biên kịch, cấu trúc kịch bản như thế nào. Nếu chúng ta đặt vấn đề muốn thay đổi tiết tấu thì cần nghiên cứu về âm nhạc, sáng tạo bài bản như thế nào trên hệ thống bài bản tổ, đưa nhạc mới vào như thế nào...".
Nhìn lại và công nhận giá trị của nền sân khấu cải lương xưa không hẳn là việc đi lùi. Mỗi thời có quan điểm, hoàn cảnh, điều kiện xã hội khác nhau, không thể lấy cái cũ áp đặt cho thời đại mới. Tuy nhiên, kế thừa những giá trị cũ một cách sáng tạo biết đâu có thể khiến sân khấu cải lương có một con đường nào đó bớt gập ghềnh hơn...
Cảnh mộ bị nứt ra trong trích đoạn Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài - Ảnh: DUYÊN PHAN
400 nghệ sĩ và nhạc công xuống phố
Đêm 13-1-2019 là chương trình giao lưu, biểu diễn và tôn vinh 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Đây được xem là chương trình "đinh" của chuỗi hoạt động với kịch bản của tác giả Hoàng Song Việt và tổng đạo diễn là NSƯT Hoa Hạ. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV1 và truyền tiếp trên kênh HTV9.
Theo thông tin từ đạo diễn Hoa Hạ, chương trình đêm 13-1 sẽ có sự tham gia của khoảng 400 nghệ sĩ và nhạc công, từ các thế hệ nghệ sĩ tiền bối như Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Tuấn, Lê Thiện, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Trường Sơn, Thanh Loan, Hồng Nga... đến các nghệ sĩ trẻ sau này. Sẽ có sự xuất hiện của 11 gia tộc cải lương nổi tiếng. Dàn nhạc và biểu diễn hoàn toàn hát sống. Trong chương trình còn có phần tham gia biểu diễn 8 trích đoạn của các đơn vị xã hội hóa.
Sau đêm truyền hình trực tiếp tối 13-1, tối 14-1 chương trình sẽ diễn lại và có vài thay đổi để phục vụ rộng rãi công chúng tại phố đi bộ.
Khó tìm họa sĩ thiết kế hiểu nghề...
Nói về việc thiết kế cảnh trí cho sân khấu cải lương, họa sĩ Văn Tòng cho hay ngày xưa người ta mày mò, nắn nót từng chi tiết, làm toàn thủ công. Sân khấu cải lương thịnh nên các êkip thực hiện thiết kế, trang trí sân khấu phải liên tục sáng tạo để cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu khán giả.
"Bây giờ người ta làm ước lệ, giản lược, thường chỉ nghĩ đến màn hình LED. Anh em họa sĩ thiết kế sân khấu cải lương phần thì lớn tuổi, phần không sống được với sân khấu phải chuyển nghề.
Như tôi đã phải chuyển sang lập công ty phục vụ thiết kế cho lễ hội (họa sĩ Văn Tòng là người nhiều năm thực hiện thiết kế, trang trí cho đường hoa xuân Nguyễn Huệ). Lâu lâu các sân khấu, nhà hát gọi, nhớ nghề mới làm lại. Vì vậy, tôi biết các đơn vị muốn thực hiện một vở diễn tìm họa sĩ thiết kế mà hiểu nghề và làm đẹp cũng rất khó..." - họa sĩ Văn Tòng trăn trở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận