Cảnh sát giao thông dìu một phụ nữ qua đường Tô Ngọc Vân (Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều ý kiến từ người dân và “người trong cuộc” cho rằng thân thiện, giỏi nghiệp vụ là những yếu tố cần nhất đối với người cảnh sát giao thông, sau khi câu chuyện về việc hạn chế những cảnh sát giao thông có vòng 2 không cân đối làm nhiệm vụ trên đường được nêu lên gần đây.
Anh PHẠM VĂN QUỐC (H.Bình Chánh, TP.HCM):
Tạo hình ảnh đẹp của người cảnh sát giao thông
Khi chấp hành hiệu lệnh, kiểm tra của cảnh sát giao thông, người dân cũng mong bên cạnh tác phong, ứng xử đúng điều lệnh, cán bộ cảnh sát giao thông cũng cần có lời nói dễ nghe, cử chỉ thân thiện chứ không "lên gân, căng thẳng".
Do đó, hình ảnh nữ cảnh sát giao thông với lời nói nhẹ nhàng và nữ tính vốn có sẽ làm dịu căng thẳng, khiến người vi phạm quy định về giao thông hợp tác tốt hơn.
Mới đây, Phòng cảnh sát giao thông Công an TP.HCM đã ra mắt đội nữ cảnh sát giao thông dẫn đoàn và tham gia thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên một số tuyến đường. Theo tôi, đây cũng là cách tạo nên hình ảnh đẹp, gần gũi của người cảnh sát giao thông TP.
Một cán bộ Phòng cảnh sát giao thông Công an TP.HCM:
Không chỉ khỏe, còn phải gần gũi với dân
Nhiều năm qua, Phòng cảnh sát giao thông Công an TP.HCM duy trì thường xuyên các đợt sinh hoạt, tập huấn về nghiệp vụ, các quy định pháp luật kết hợp quán triệt về văn hóa ứng xử, xây dựng nhân cách người chiến sĩ công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ. Mỗi năm, Phòng cảnh sát giao thông có hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ có những hành động đẹp trong việc giúp đỡ nhân dân.
Đó là những chiến sĩ cảnh sát giao thông chở các thí sinh trong mùa thi không bị trễ, đưa những bệnh nhi tới bệnh viện cấp cứu kịp lúc, giúp đỡ người gặp tai nạn, xe chết máy do triều cường, quét dọn bùn đất, cát đá, cành cây gãy đổ trên đường…
Trong năm 2019 đã ghi nhận 1.297 lượt cảnh sát giao thông có hoạt động hỗ trợ người dân, 397 lượt cảnh sát giao thông nêu gương liêm khiết không nhận hối lộ, 81 lượt cảnh sát giao thông tham gia truy bắt tội phạm.
Lực lượng cảnh sát giao thông TP.HCM cũng chú trọng xây dựng hình ảnh theo tiêu chí "chiến sĩ khỏe" với chương trình rèn luyện, kiểm tra hằng năm của ngành. Nội dung kiểm tra gồm nhiều hình thức: chạy 1.500m, chạy nước rút 100m, bật xa, hít xà đơn, hít đất…
Trường hợp không đạt thì bị trừ điểm thi đua, xét đánh giá về hoàn thành nhiệm vụ, có biện pháp chế tài. Qua kiểm tra, các trường hợp bảo đảm các chỉ tiêu sức khỏe thì bố trí vị trí công tác phù hợp. Điều này bắt buộc cán bộ chiến sĩ phải khỏe, phải cố gắng luyện tập.
Còn trường hợp nào "bụng bự", sức khỏe kém hơn, đơn vị linh động bố trí làm hành chính, giải quyết hồ sơ. Ngoài tham gia đợt kiểm tra "chiến sĩ khỏe" bắt buộc, cán bộ chiến sĩ cũng tham gia phong trào thể dục thể thao do Phòng cảnh sát giao thông tổ chức như bóng đá, cầu lông, quần vợt, bóng bàn…
Đại tá NGÔ VĂN CHIẾN (nguyên trưởng Phòng cảnh sát giao thông Đồng Nai):
Thân thiện không nằm ở cái bụng!
Lúc tôi còn làm trưởng Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai đã có chủ trương không cho cảnh sát giao thông có ngoại hình không cân đối, mà chúng ta quen gọi là "cảnh sát giao thông bụng bự", ra đường.
Khi ấy, một số chiến sĩ đang làm việc yên ổn bị rút đi nên anh em cũng tâm tư. Do vậy, tôi nêu quan điểm những trường hợp "bụng bự" có đạo đức, có nghiệp vụ, có sức khỏe vẫn cho làm.
Trường hợp tác phong, ứng xử với dân không tốt thì bụng bự, bụng ốm gì cũng không cho làm.
Tôi lập luận như vậy vì rà lại các trường hợp cảnh sát giao thông vi phạm, bị tạm đình chỉ thì hầu hết là... người ốm. Nếu bụng bự mà làm tốt, có năng lực, ứng xử với dân tốt hơn người ốm thì sao? Tất nhiên, tôi phải chọn người bụng bự.
Vì vậy, với chủ trương không cho cảnh sát giao thông "bụng bự" ra đường, cần cân nhắc trường hợp cụ thể vì có thể đó là thể trạng của anh em mà không ảnh hưởng tới thực thi nhiệm vụ. Hơn nữa, có cảnh sát giao thông "bụng bự" cũng phấn đấu, nỗ lực, gương mẫu nên khi đặt ra yêu cầu không cho tuần tra kiểm soát, chuyển sang bộ phận khác sẽ khó tránh khiến anh em tâm tư.
Còn việc cho rằng cảnh sát giao thông "bụng bự" khó có thể ứng xử nhanh với các tình huống tội phạm xảy ra trên đường, theo tôi, nhiệm vụ chính của cảnh sát giao thông không phải xử lý cướp giật, trộm cắp.
Nhiệm vụ chính của cảnh sát giao thông là điều tiết, hướng dẫn và xử lý vi phạm (nếu có) để đảm bảo an toàn giao thông.
Ngoại hình có thể không cân đối nhưng nếu làm tốt nhiệm vụ của mình thì không có gì là xấu. Cái gốc để xây dựng hình ảnh cảnh sát giao thông không chỉ là chuyện không cho cảnh sát giao thông "bụng bự" ra đường.
Hiện nay hệ thống camera giám sát đã được gắn trên các tuyến đường và có thể xử phạt nguội nên cần giảm bớt số lượng cảnh sát giao thông ra đường. Cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông chỉ nên bố trí điều tiết các điểm đen giao thông, tham gia phân luồng giao thông trong các ngày lễ lớn để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.
Đồng Nai từng cấm cảnh sát giao thông "bụng bự" ra đường
Năm 2007, ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai từng có chủ trương không cho cảnh sát giao thông có số đo vòng 2 quá lớn ra đường. Chủ trương này được áp dụng một thời gian. Thời điểm đó một số cảnh sát giao thông ở các tổ, đội làm công tác tuần tra kiểm soát trên địa bàn tỉnh đã được rút về các tổ, đội khác.
H.MI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận